Ý định của Tổng thống Putin khi tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus
08:50 28-03-2023
VOV.VN - Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang trở nên nóng hơn sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus. Tuyên bố của ông Putin đã làm dấy lên phản ứng gay gắt của NATO và Ukraine.
Ông Putin nói rằng, việc triển khai này là để đáp ứng yêu cầu của Belarus. Trước đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã nhiều lần nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ nước này. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, động thái trên không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời viện dẫn việc Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân của nước này tại lãnh thổ các nước đồng minh châu Âu từ rất lâu.
Ông Putin lưu ý, sở dĩ Nga quyết định triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus là do Anh cung cấp đạn xuyên giáp có đầu đạn uranium nghèo (DU) cho Ukraine. Thời gian gần đây, Anh thông báo sẽ chuyển giao loại đạn này cùng với xe tăng Challenger 2 cho Ukraine.
“Không có điều gì bất thường trong quyết định này bởi Mỹ đã làm điều đó trong nhiều thập kỷ. Họ đã đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở 6 quốc gia đồng minh NATO tại châu Âu. Chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự. Tôi khẳng định rằng điều này sẽ không vi phạm nghĩa vụ quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Putin nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, Nga sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân cho Minsk. Ông cũng cho biết, Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus trước ngày 1/7 và quá trình huấn luyện các đơn vị vận hành của Belarus sẽ diễn ra vào tháng 4/2023.
Đôi điều về vũ khí hạt nhân chiến thuật
Theo các chuyên gia, vũ khí hạt nhân chiến thuật (còn được gọi là vũ khí hạt nhân phi chiến lược) là những đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ, có sức công phá thấp, được thiết kế để sử dụng trong các cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy những thành phố lớn hoặc gây ra sự tàn phá trên diện rộng. Tuy nhiên, chúng vẫn cần được bảo quản tại những cơ sở đặc biệt, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, do rủi ro rất lớn.
Loại vũ khí này thường có đương lượng nổ nhỏ, vào khoảng 1 kiloton hoặc ít hơn, đôi khi có những vũ khí có đương lượng nổ lên tới 100 kiloton. Chúng được thiết kế để tấn công các khu vực nằm cách xa tiền tuyến của đối phương, chẳng hạn như căn cứ quân sự, các nhà máy sản xuất vũ khí, để gây tiêu hao nguồn lực và làm giảm khả năng tấn công của đối phương. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh như một biện pháp răn đe. Ngoài Nga, Mỹ, các nước châu Âu cũng sở hữu vũ khí này như một phần của “phản ứng linh hoạt” trước các mối đe dọa bên ngoài.
Hiện chưa rõ Nga sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân này. Theo đánh giá của Mỹ, Moscow có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, gấp 10 lần so với Washington. Chưa kể, kho vũ khí hạt nhân của Nga rất lớn. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, tính đến năm 2022, Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân. Trong khi Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc có 350 đầu đạn như vậy, Pháp có 290 và Anh có 225 đầu đạn. Pakistan và Ấn Độ lần lượt có 165 và 160 đầu đạn, tiếp theo là Israel có 90 đầu đạn. Triều Tiên có 20 đầu đạn hạt nhân và nước này đang tìm cách gia tăng kho dự trữ.
Phản ứng của Ukraine và phương Tây
Ukraine đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc họp khẩn cấp sau tuyên bố của Tổng thống Putin. Ông Oleksiy Danilov, cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Ukraine Zelensky, cho rằng kế hoạch của ông Putin sẽ gây bất ổn. Ông Oleksiy Danilov nhấn mạnh: “Điện Kremlin đã biến Belarus thành con tin hạt nhân” và yêu cầu cộng đồng quốc tế thực hiện "các biện pháp quyết liệt" để ngăn Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
NATO đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Putin là sai lầm. Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu nêu rõ: “Các nước thành viên trong NATO luôn tôn trọng và thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế”, đồng thời hối thúc Nga phải tuân thủ và hành động một cách thiện chí.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã cảnh báo Belarus về việc cho phép Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước này. Trong thông báo trên Twitter, ông Borrell viết: “Việc Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân sẽ khiến căng thẳng leo thang và đe dọa đến an ninh châu Âu. Nhưng Belarus có thể phản đối điều này, tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ. EU sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt bổ sung”.
Trong khi đó, Mỹ tỏ ra khá thận trọng khi đưa ra phản ứng. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết nước này không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. “Chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh chính sách hạt nhân chiến lược của mình cũng như không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Giải mã ý định của Tổng thống Putin
Nếu quyết định của Tổng thống Putin được thực thi thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990 Nga bố trí các vũ khí này bên ngoài đất nước. Vậy Nga muốn gửi thông điệp gì tới phương Tây?
Việc Moscow triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus đã gây lo lắng cho các nước láng giềng Ba Lan, Litva và Latvia. Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho rằng, tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga sẽ tạo ra một bước leo thang cực kỳ nguy hiểm: “Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra tại Ukraine, khả năng tính toán sai lầm hoặc việc hiểu sai ý định của các bên là rất cao. Quyết định chia sẻ vũ khí hạt nhân của Nga sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn’.
Còn một số nhà phân tích phương Tây cho rằng đây là nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm răn đe các nước NATO. Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ nhận định, đây có thể là một “hoạt động thông tin” của Nga và ít gây nguy cơ leo thang căng thẳng. Tờ New York Times nhận định, “ông Putin đang cố gắng xoáy sâu vào nỗ lo sợ leo thang xung đột hạt nhân của phương Tây”.
Trong khi đó, ông Pavel Podvig – một chuyên gia nghiên cứu về lực lượng hạt nhân của Nga cho rằng, khó có khả năng Moscow sẽ đưa các đầu đạn hạt nhân tới Belarus. Chuyên gia Podvig tỏ ra hoài nghi về việc cơ sở hạt nhân tại Belarus sẽ sẵn sàng được đưa và hoạt động vào tháng 7/2023 bởi đến nay chưa có hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng diễn ra tại Belarus.
Tuy nhiên, Nikolai Sokol, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí hạt nhân Vienna, nhận định quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là một động thái quan trọng đối với Nga. "Nga luôn tự hào rằng họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ. Bây giờ, họ đang thay đổi điều đó và đây sẽ là một thay đổi lớn", chuyên gia Sokol cho biết./.