Giải ngân vốn đầu tư công: Vì sao vẫn “ì ạch”?

09:03 07-05-2025

VOV.VN - Giải ngân vốn đầu tư công được cho là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua dù lãnh đạo các ban, ngành, địa phương đã liên tục đôn đốc, nhưng tiến độ giải ngân vẫn “ì ạch”…

4 tháng, mới giải ngân được 15,56% kế hoạch

Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 825.922,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn các năm trước được kéo dài và kế hoạch vốn các địa phương tự cân đối, bổ sung thêm tổng cộng hơn 97.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư công tính đến nay đã lên tới 923.030,5 tỷ đồng, một con số lớn chưa từng có.

Tính đến cuối tháng 4/2025, tổng số vốn đã được phân bổ là 869.751,5 tỷ đồng, đạt 96,63% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vẫn còn 19/47 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương chưa phân bổ hết vốn, tổng số còn lại là 27.861,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, vốn ngân sách Trung ương (NSTW) chưa phân bổ chi tiết chiếm tới 9.965,9 tỷ đồng. Đây là một con số đáng lưu ý bởi sau thời hạn 15/3 – mốc Chính phủ yêu cầu hoàn tất phân bổ vốn. Việc chậm trễ không những ảnh hưởng tới tiến độ thi công các dự án, mà còn kéo theo nguy cơ bị thu hồi vốn.

 

Ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/4 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2024 đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn ngân sách địa phương có tỷ lệ đạt 17,2% cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%).

Trong số 110 đơn vị được giao vốn, chỉ có 10 bộ, cơ quan Trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức trung bình, điển hình là: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%), Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%)… và các địa phương như Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Kạn, Hà Tĩnh… đều đạt trên 30%.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, nhiều các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân (9 bộ, cơ quan Trung ương, bao gồm: Văn phòng Chủ tịch nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán nhà nước,…) hoặc giải ngân rất thấp (15 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân dưới 5% như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh,… và 12 địa phương giải ngân dưới 10% như: Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương; Đồng Nai; An Giang; Sóc Trăng; Quảng Trị…).

Điểm tên những nút thắt khiến giải ngân đầu tư công ì ạch

Theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm phân bổ vốn. Trước hết là việc nhiều dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư, hoặc đang chờ điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn. Một số khác vướng mắc với các dự án ODA chưa ký hiệp định vay, hoặc đang trong quá trình gia hạn. Ngoài ra, nhiều địa phương đề xuất trả vốn do không có nhu cầu sử dụng, hoặc vướng thủ tục giải thể, điều chỉnh bộ máy, khiến việc phân bổ không thể hoàn tất đúng hạn.

Bộ Tài chính cũng tổng hợp các nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm không chỉ xuất phát từ năng lực thực hiện, mà còn đến từ những khó khăn khách quan.

dau_tu_cong_1.png
 

Chậm giải ngân đầu tư công: Điểm nghẽn tăng trưởng kinh tế

VOV.VN - Đầu tư công đóng một vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, trì trệ trong giải ngân vốn đầu tư công đang là căn bệnh trầm kha kéo dài nhiều năm nay, ảnh hưởng đáng kể tới đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Trước hết, về mặt chính sách, Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực nhưng hàng loạt quy định mới chưa có hướng dẫn cụ thể, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Các thủ tục bồi thường, xác định giá đất, thu hồi đất… đều bị chậm trễ do thay đổi quy trình và phân cấp quản lý.

Tiếp theo, việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 tại một số bộ, ngành vẫn chưa bám sát thực tế. Nhiều nơi xây dựng kế hoạch không phù hợp với năng lực giải ngân, dẫn đến vốn "chờ đợi" không sử dụng...

Ngoài ra, các dự án ODA cũng gặp khó do quy trình điều chỉnh hiệp định vay phức tạp, trải qua nhiều cấp phê duyệt. Một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chậm thanh toán do chưa hoàn tất hồ sơ. Không chỉ vậy, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, cùng với nguồn cung hạn chế, cũng làm đội chi phí và gây đình trệ tiến độ.

Các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đang gặp khó khăn lớn về năng lực thực hiện. Hơn nữa, cấp xã, nơi được giao triển khai thường ngại rủi ro, dẫn đến việc giải ngân vẫn "giậm chân tại chỗ".

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Trước những tồn đọng kể trên, Bộ Tài chính đã trình lãnh đạo Chính phủ một số kiến nghị và giải pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thúc đẩy phân bổ và giải ngân nhanh số vốn đã giao, nhất là phần vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chi tiết sau ngày 15/3. Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất phương án xử lý số vốn còn lại, đồng thời kiến nghị được chủ trì phối hợp với các cơ quan để tổng hợp đề xuất bổ sung kế hoạch, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh phù hợp.

Đối với các dự án ODA, các cơ quan chủ quản được yêu cầu theo sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thực tế. Ngoài ra, cần chủ động làm việc với các nhà tài trợ để xử lý kịp thời những phát sinh về điều chỉnh hợp đồng, gia hạn hiệp định vay.

Với vốn ngân sách địa phương, đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn.

Về tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu..., cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc....

“Xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý, làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

https://vov.vn/kinh-te/giai-ngan-von-dau-tu-cong-vi-sao-van-i-ach-post1197496.vov - Theo vov.vn