Xe độ, chế né đăng kiểm: Chẳng lẽ bó tay?
10:54 15-05-2023
VOV.VN - Với mong muốn sở hữu một chiếc xe mang dấu ấn riêng hoặc phục vụ nhu cầu cá nhân, không ít người đã bất chấp các quy định của pháp luật để độ, chế phương tiện.
Trong khi tình trạng này ngày càng phổ biến thì công tác kiểm định xe cơ giới chưa có cách nào để ngăn ngừa, còn những người tham giao giao thông phải chịu đựng sự phiền toái và bất an.
Cách nào ngăn chặn xe độ, chế lăn bánh trên đường?
Dù đã gắn bó nhiều năm với công việc chở hàng ban đêm nhưng tài xế Phạm Thế Sơn, ở Sơn Tây, Hà Nội, vẫn chưa thể quen với những ánh đèn công suất lớn chiếu từ các xe phía trước: "Em rất hay gặp những xe đầu kéo, xe tải, xe khách,… người ta lắp dải đèn led trên nóc xe hoặc giữa kính, đằng trước, đằng sau mà không có ai xử phạt. Mình đi chiều ngược lại thì không nhìn thấy gì luôn, rất là nguy hiểm".
Không chỉ lóa mắt với các giàn đèn, nhiều kiểu độ, chế xe khác cũng khiến người tham gia giao thông bức xúc và phấp phỏng nỗi lo an toàn. Anh Phạm Duy Hiệp, ở Hoài Đức, chia sẻ: "Đang đi bộ ở trên vỉa hè mà mấy ông xe tải bóp còi cái là ối giời ơi giật mình. Lúc ý mà đang tham gia giao thông, mình đi xe máy mà hoảng hồn bóp phanh thì thôi nằm gầm xe tải lúc nào không biết. Ô tô thì em thấy độ theo kiểu có công tắc, nó thích tiếng nổ to là nó bật công tắc lên. Cơ quan chức năng phát hiện ra nên xử lý mạnh tay, có thể đưa ra mức phạt cao hơn".
Khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Nghị định 100 năm 2019 (sửa đổi bởi Nghị định 123 năm 2021) của Chính phủ cũng đã có chế tài khá mạnh như: phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức tự ý thay đổi kết cấu xe ô tô; phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng nếu lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định; phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với vi phạm lắp thêm đèn; v…v…
Trong khi công tác xử lý xe cơi nới thành, thùng được thực hiện liên tục thì việc xử lý xe cá nhân độ, chế lại khá khó khăn. Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội thừa nhận các đơn vị chưa được cấp thiết bị đo cường độ âm thanh, ánh sáng,… nên khó xác định vi phạm và bị không ít chủ xe chống đối.
Anh Khuất Thế Đạt, Trưởng chuyên trang Cartimes, Tạp chí Công thương, cho biết các hình thức nâng cấp, độ, chế xe phổ biến gồm: đèn, âm thanh, body kit (bao bên ngoài thân xe), mâm lốp, nội thất, công suất động cơ,…
Việc nâng cấp một số bộ phận có thể giúp người lái vận hành xe tốt hơn, nhưng độ xe quá giới hạn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến an toàn, nhất là việc can thiệp vào hệ thống điện không tính toán kỹ có thể gây quá tải và cháy xe.
Anh Đạt cho biết thêm, để đối phó với đăng kiểm, chủ xe thường đưa “về zin” (tức là đưa xe trở lại với trạng thái nguyên bản như thiết kế), bằng cách mượn, thuê phụ tùng của bạn bè và các gara, lắp đặt tạm thời khi mang xe đi kiểm định: "Bên đăng kiểm rất khó kiểm soát, việc kiểm tra phụ thuộc vào lực lượng cảnh sát giao thông. Mà lực lượng này chỉ phát hiện hình thức bên ngoài thôi. Thế thì chúng ta quay trở lại câu chuyện là tại sao các chủ xe phải “về zin” để qua đăng kiểm?
Theo ý kiến cá nhân thì các trạm đăng kiểm đang làm việc khá cứng nhắc. Không quan trọng xe đó có “zin” hay không, quan trọng là xe đó độ thêm có đáp ứng đủ tình trạng an toàn và bảo vệ môi trường hay không? Tôi nghĩ là nên có “vùng xanh” cho việc độ xe".
Đồng tình quan điểm này, anh Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị Cộng đồng OTO+, cho rằng cần phân biệt rõ hai khái niệm: nâng cấp và độ, chế xe để có những quy định pháp luật phù hợp: "Một số nước họ quy định rất chi tiết về độ xe, nâng cấp xe vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Việt Nam nên xem xét lại những quy định về đăng kiểm, việc nào cho phép, việc nào không cho phép, phải quy định rất chặt chẽ để cho người sử dụng xe biết, giữ được sự an toàn cho phương tiện".
Còn về giải pháp ngăn ngừa xe độ, chế, xe cơi nới thành, thùng nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình bày tỏ: "Vấn đề quan trọng nhất là xác định được những vi phạm chở quá tải, xe quá khổ vì cái này ảnh hưởng đến an toàn cũng như hư hỏng mặt đường. Còn những vấn đề khác như: kiểm tra âm thanh, cường độ ánh sáng,… phương tiện để kiểm tra không vượt quá khả năng ngân sách của các đơn vị. Các đơn vị CSGT, thanh tra giao thông hoàn toàn có thể đề xuất mua sắm thiết bị để phục vụ cho công tác kiểm tra và xử lý".
PGS. TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, Trường đại học Việt Đức cũng nhấn mạnh vai trò của các lực lượng thực thi công vụ, đặc biệt là việc phối hợp cơ quan kiểm định phương tiện trong trường hợp cần thiết: "Những đội tuần tra giao thông trên đường thấy những xe độ đó thì hoàn toàn có thể kiểm tra việc độ xe đã được kiểm định về mặt an toàn giao thông hay chưa? Cách đơn giản là trang bị cho họ cầm theo những thiết bị di động để kiểm tra ngay tại hiện trường. Hoặc những đội tuần tra có thể dẫn các xe đó đến trạm kiểm định gần nhất để tiến hành kiểm định".
Tình trạng độ, chế phương tiện, những chiêu trò né tránh công tác kiểm định xe cơ giới đã xuất hiện nhiều năm nay nhưng gần như không có biện pháp ngăn chặn. Chế tài xử lý dường như chỉ nằm trên “giấy”, khi các lực lượng thực thi công vụ đối mặt với nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, vì sự an toàn của người tham gia giao thông, khó mấy cũng phải làm và sẽ làm được nếu thực sự quyết tâm: “Xử lý xe độ, chế trước hết cần đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng”
Độ, chế xe, thay đổi thiết kế của phương tiện là thực trạng ngày càng phổ biến với 2 nhóm chính: một là những người chơi xe, độ, chế theo sở thích; hai là những chủ xe, tài xế thay đổi kết cấu phương tiện cho mục đích kinh doanh, vận tải.
Với nhóm thứ hai, việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng có phần dễ dàng hơn khi có phương tiện xác định vi phạm (như thước đo thành, thùng xe). Còn nhóm thứ nhất thì khó khăn hơn do thiếu thiết bị (đo cường độ âm thanh, ánh sáng,…), và cán bộ cũng có thể thiếu nghiệp vụ để xác định chính xác thay đổi kết cấu bên trong phương tiện.
Những khó khăn này dẫn đến công tác xử lý không được thực hiện thường xuyên, có hiện tượng “nhờn luật”, chủ xe có thể vô tư thay đổi kết cấu phương tiện khi “cửa ải” duy nhất là các trạm đăng kiểm cũng rất dễ vượt qua, chỉ cần mượn, thuê phụ tùng chuẩn, lắp tạm thời để đi kiểm định là xong!
Nhưng chẳng lẽ “bó tay” trước các vi phạm?
Những năm trước, thời điểm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, hay cấm điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia được ban hành, từng có ý kiến cho rằng công tác xử lý sẽ “đầu voi, đuôi chuột” và mọi thứ “đâu lại vào đấy”.
Nhưng không!
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT, nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông đã thay đổi rõ rệt. Nói vậy để thấy tất cả vi phạm trong lĩnh vực giao thông đều có thể ngăn chặn, xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất nếu các lực lượng chức năng thực sự quyết tâm thực hiện.
Do đó, để không còn sự phiền toái và nỗi lo mất an toàn vì xe độ, chế, trước hết cần sự quan tâm đúng mức của các lực lượng thực thi công vụ. Cần đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của vi phạm để thay đổi cách nhìn nhận, chú trọng công tác xử lý xe độ, chế như những vi phạm giao thông khác.
Với hành vi thay đổi kết cấu, cơi nới thành, thùng xe, các lực lượng cần tiếp tục duy trì công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, thường xuyên như thời gian qua. Với hành vi độ, chế phương tiện cá nhân, một khi công tác kiểm tra, xử lý được coi trọng thì các lực lượng hoàn toàn có thể trang bị những thiết bị cần thiết, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Hành lang pháp lý cũng cần hoàn thiện để tạo cơ sở cho các lực lượng làm nhiệm vụ. Có thể tăng nặng các chế tài, từ mức xử phạt hành chính đến yêu cầu tháo bỏ, tịch thu thiết bị vi phạm,… để tạo tính răn đe, đặc biệt với các trường hợp tái phạm nhiều lần.
Cơ chế phối hợp giữa lực lượng CSGT, thanh tra giao thông,… với cơ quan đăng kiểm cũng cần được xây dựng để khi cần có thể nhanh chóng xác định lỗi vi phạm, khiến chủ xe “tâm phục, khẩu phục”.
Bênh cạnh việc xử lý trực tiếp, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xử phạt “nguội”. Một là đầu tư công nghệ để theo kịp yêu cầu của công tác đảm bảo TTATGT.
Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm, áp dụng công nghệ của một số quốc gia, điển hình là nước Anh đã trang bị camera giao thông tích hợp việc đo âm lượng để xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Hai là chú trọng xử lý qua hình ảnh, video người dân cung cấp và công khai các kênh tiếp nhận.
Song song với công tác xử phạt luôn là tuyên truyền. Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các hội nhóm dành riêng cho người yêu xe cần tiếp tục truyền tải quy định của pháp luật, thông điệp về chơi xe có văn hóa, những nguy hiểm có thể xảy ra nếu độ, chế xe quá giới hạn, từ đó dần dần thay đổi nhận thức của chủ phương tiện.
Và cuối cùng, việc tạo dấu ấn cá nhân hoặc cải tạo xe đời cũ để lưu hành cho phù hợp là nhu cầu chính đáng, là đòi hỏi của thực tiễn giao thông.
Do vậy, trong tư duy xây dựng luật và nghị định, các nhà làm luật cần tách 2 nhóm hành vi: cải tạo và độ, chế. Các quy định cần hướng dẫn cụ thể, nếu không thì sẽ lại nảy sinh vướng mắc cho cả hai bên: chấp hành và xử phạt, vướng mắc trong cả công tác đăng kiểm như thời gian qua./.
https://vov.vn/xa-hoi/xe-do-che-ne-dang-kiem-chang-le-bo-tay-post1020196.vov - theo vov.vn