Vợ Nguyễn Xuân Đường đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thế nào?

10:10 24-07-2020

VOV.VN -Bị can Nguyễn Thị Dương tuy không có chức vụ, quyền hạn, nhưng vì mục đích đấu bằng được nên đã đặt vấn đề thay đổi kết quả trúng đấu giá.

Ngày 21/7, Công an tỉnh Thái Bình hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Thị Dương, vợ Nguyễn Xuân Đường, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do đã ép buộc một người trúng đấu giá phải hủy kết quả để nhường cho mình. Nguyễn Thị Dương còn được biết đến là Giám đốc Công ty bất động sản Đường Dương). Liên quan đến vấn đề này, dư luận đặt câu hỏi, tại sao một giám đốc công ty tư nhân lại bị khởi tố về tội danh trên.
Ép người trúng lô đất phải từ bỏ kết quả trúng đấu giá

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng luật sư JVN (đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, “Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái công vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Chủ thể trong tội này là người có chức vụ, quyền hạn. Trong vụ án này, Nguyễn Thị Dương tham gia với vai trò là đồng phạm. Dương có vai trò là người thúc đẩy, giúp sức cho các bị can khác là cán bộ Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình thực hiện hành vi phạm tội, làm thay đổi kết quả đấu giá, ép người trúng kết quả đấu giá lô đất số 9 tại phiên đấu giá ngày 20/12/2019 phải từ bỏ kết quả đấu giá.


Vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương
Do vậy, theo luật sư Hiển, trong trường hợp này, bị can Nguyễn Thị Dương tuy không có chức vụ, quyền hạn, không quyết định được việc thay đổi người trúng đấu giá, nhưng vì mục đích đấu bằng được lô đất số 9 đã đặt vấn đề thay đổi kết quả trúng đấu giá, đồng thời là người trực tiếp đe dọa, ép người trúng lô đất phải từ bỏ kết quả trúng đấu giá, giúp sức cho những người có chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ. Với hành vi này, Nguyễn Thị Dương bị khởi tố, điều tra và truy tố về “Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 với vai trò đồng phạm.

Luật sư Hiển cho rằng, với hành vi đồng phạm với các bị can khác phạm vào “Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1- Điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi 2017, Nguyễn Thị Dương có thể phải chịu hình phạt chính là “cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” ngoài hình phạt chính, Nguyễn Thị Dương còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là “phạt tiền từ 10.000.000,đ đến 100.000.000,đ” theo quy định tại khoản 4 Điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Đây là vụ án thứ hai Nguyễn Thị Dương bị khởi tố, trước đó, ngày 07/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã có quyết định khởi tố đối với Nguyễn Thị Dương về tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Theo luật sư Hiển, bị can Nguyễn Thị Dương có thể bị truy tố, xét xử trong hai vụ án khác nhau vì “ Tội cố ý gây thương tích” và “ Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Về mức hình phạt đối với bị can Nguyễn Thị Dương thì còn quá sớm để dự đoán bới đến nay chưa có Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, việc xét xử hai vụ án cũng chưa được thực hiện. Về việc tổng hợp hình phạt của hai vụ án này đối với Nguyễn Thị Dương chưa có căn cứ để trả lời chính xác.Tuy nhiên, việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án phải tuân thủ đúng quy định tại Điều 56 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Hành vi vợ chồng Dương Đường gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước

Những chiêu trò của vợ chồng Đường Nhuệ từ năm 2015 với mục đích thao túng, thông đồng trong hoạt động đấu giá sử dụng đất nhằm trục lợi cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016, Luật đất đai 2013, Luật quản lý sử dụng tài sản công… gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS- (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc mua được những lô đất có vị trí đắc địa, được xem là đất “vàng” với sự chênh lệch giá gốc không nhiều, rồi chuyển nhượng lại cho người khác vớí giá cao gấp đôi, gấp ba…mà đáng ra khoản chênh này phải được nộp vào ngân sách Nhà nước.


Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Hãng Luật TGS- (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)
“Những quy định về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản được quy định cụ thể tại Thông tư số 48/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017. Theo đó : “Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền hoặc thuê đất có trách nhiệm nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất”- luật sư Hùng nói

Tuy nhiên, trong việc sử dụng các chiêu thức để trúng giá đất, cơ quan chức năng lại cho rằng, không đủ căn cứ để buộc tội Nguyễn Xuân Đường vì chỉ làm theo ý muốn của vợ mình, bản thân không đặt vấn đề gì, không tác động gì với những người có chức vụ, quyền hạn tổ chức cuộc đấu giá. Ngoài ra, Nguyễn Xuân Đường cũng không biết cách thức phải làm như thế nào để thay đổi kết quả người trúng đấu giá, do vậy không đủ căn cứ buộc Đường Nhuệ đồng phạm với các bị can trong vụ án.

Về vấn đề này, luật sư Đỗ Minh Hiển lại cho rằng, để xác định Nguyễn Xuân Đường có phải là đồng phạm hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ vai trò của Nguyễn Xuân Đường trong vụ án. Cụ thể Nguyễn Xuân Đường có được vợ là Nguyễn Thị Dương cho biết mục đích của việc tác động đến người trúng đấu giá để người trúng đấu giá phải từ bỏ kết quả đấu giá dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá hay không. Trong trường hợp Nguyễn Xuân Đường biết mục đích của Nguyễn Thị Dương mà vẫn thực hiện hành vi này thì Nguyễn Xuân Đường vẫn có thể bị khởi tố, điều tra với vai trò đồng phạm giúp sức cho các bị can khác trong tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ./.

https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/vo-nguyen-xuan-duong-da-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-the-nao-1073826.vov - theo vov.vn