Việt Nam lỡ "cơ hội vàng" vì vắng mặt tại các hội chợ du lịch
08:35 15-03-2024
VOV.VN - Gian hàng chung của ngành du lịch Việt Nam đã vắng mặt tại 2 hội chợ du lịch hàng đầu thế giới gần đây như WTM London, Anh (tháng 11/2023) và ITB Berlin, Đức (tháng 3/2024).
Tại ITB Berlin 2024, hầu hết các quốc gia phát triển về du lịch tại Đông Nam Á đã có gian hàng quốc gia, như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Campuchia… Một số nước không có gian hàng du lịch quốc gia là Việt Nam, Myanmar, Đông Timor…
Theo ông Nguyễn Cường Bách - Phó Giám đốc Công ty lữ hành Metta Voyage, cả hai hội chợ du lịch hàng đầu thế giới gần đây đều không có gian hàng chung Du lịch Việt Nam. Trong khi đó, các nước chú trọng du lịch luôn xây dựng gian hàng chung tại các hội chợ lớn như WTM London hay ITB Berlin nhằm gây ấn tượng, tăng hình ảnh quy mô quốc gia và định vị ngang hàng với các nước khác.
Ngoài ra, một gian hàng du lịch quốc gia sẽ hỗ trợ các công ty tư nhân, doanh nghiệp giảm khó khăn về mặt thủ tục và tài chính để được có mặt tại những hội chợ tầm cỡ.
“Năm nay, không có gian hàng chung nên các doanh nghiệp Việt Nam phải tự liên hệ và kết nối với nhau để tổ chức tham dự. Nhiều đơn vị không tìm được đối tác để tham gia cùng nên đã phải bỏ ra chi phí rất cao, hoặc không thể đến được ITB Berlin. Ngoài ra, vì thiếu một concept (chủ đề) chung giữa các gian hàng nên khó tổ chức các chương trình chung rầm rộ để thu hút khách từ các khu vực khác của hội chợ”, ông Bách cho biết.
Du lịch Việt Nam đã lỡ mất điều gì?
Theo ông Martin Koerner – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, ITB Berlin 2024 có sự góp mặt của hầu hết ngành du lịch trên thế giới, ngay cả những điểm đến đặc thù như Bhutan cũng có mặt tại đây. Thái Lan, một đối thủ trong khu vực, không chỉ xây dựng gian hàng quốc gia rộng lớn mà còn có một số gian hàng riêng lẻ cho các điểm đến quan trọng như Bangkok và Phuket. Tại ITB Berlin 2024, Thái Lan có hơn 170 đơn vị triển lãm, so với hơn 70 đơn vị triển lãm của Việt Nam.
Ông Martin Koerner nhấn mạnh tầm quan trọng của gian hàng quốc gia tại các hội chợ du lịch tiêu biểu, nơi hội tụ các đối tác quốc tế trong ngành và cũng là "cơ hội vô giá" để quảng bá văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ẩm thực… của một đất nước với thế giới.
"Các doanh nghiệp cũng mong muốn là một phần trong gian hàng quốc gia để nâng cao nhận diện thương hiệu và giảm thiểu chi phí liên quan đến không gian triển lãm. ITB Berlin 2024 đã thiếu các buổi họp báo hay hoạt động chung quảng bá du lịch Việt Nam, sự kiện đáng chú ý nhất có lẽ là lễ ký kết giữa hãng hàng không của Việt Nam và một sân bay Đức”, ông Martin Koerner cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cường Bách nhận định du lịch Việt Nam đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” khi vắng mặt tại các hội chợ du lịch lớn: “Việc liên tiếp vắng mặt ở 2 hội chợ tốp đầu thế giới khiến chúng ta hụt hơi và có thể "đánh rơi" các đối tác lớn cho những quốc gia khác. Như mọi năm, gian hàng chính thức của Thái Lan, Philippines hay Malaysia vẫn làm rất tốt việc thu hút khách đến tham quan”.
Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho biết việc vắng mặt ở WTM và ITB còn là một sự lãng phí đáng tiếc, trong thời điểm Chính phủ Việt Nam đã tạo thuận lợi về chính sách visa mà ngành du lịch lại quảng bá yếu ớt tại đúng thị trường khách được miễn visa như Anh, Đức...
“Từ sau năm 2017 cho đến trước Covid-19, chúng ta đã làm tốt tại các hội chợ lớn như WTM, ITB với nhiều hoạt động, tạo được dấu ấn và hiệu quả về mặt quảng bá xúc tiến du lịch. Khi đó chúng ta tổ chức được nhiều sự kiện ngay tại gian hàng và bên lề gian hàng, các sự kiện trải nghiệm ẩm thực, họp báo, ca nhạc, rút thăm trúng thưởng… nên đã thu hút nhiều báo chí, doanh nghiệp… ở châu Âu và cả ngoài hội chợ đến với gian hàng Việt Nam. Chúng ta còn kêu gọi cả sinh viên Việt Nam ở nước đó đến hỗ trợ, mặc trang phục dân tộc nhằm mang đến hình ảnh gần gũi hơn.
Tuy nhiên tại hội chợ gần đây lại quay trở lại thời kỳ trước, không có dấu ấn chung tại khu vực Việt Nam mà là các doanh nghiệp riêng rẽ, ai làm việc nấy”, ông Hoàng Nhân Chính đánh giá.
Vì sao vắng gian hàng quốc gia?
Theo phân tích của ông Hoàng Nhân Chính, việc gian hàng du lịch Việt Nam không xuất hiện ở hội chợ WTM và ITB có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề thủ tục và mô hình hợp tác giữa các bên.
“Các hội chợ rất lớn và rất đông đơn vị triển lãm như WTM và ITB đương nhiên sẽ vận hành theo quy chế quốc tế. Quy định của hội chợ là đã chốt đăng ký, diện tích gian hàng thì phải chuyển tiền ngay. Có hội chợ phải tạm ứng trước 70% chi phí gian hàng, sau đó khi nghiệm thu (trước ngày khai mạc) thì thanh toán nốt 30% còn lại.
Ngoài ra mỗi hội chợ lại có quy định riêng, thường rất khắt khe về phòng cháy chữa cháy, điện nước, kích thước gian hàng… và không có ngoại lệ, vì vậy chỉ một số nhà đấu thầu chuyên nghiệp và kinh nghiệm thì mới đủ năng lực đấu thầu. Vì thế nếu muốn nhiều đơn vị tham gia đấu thầu hay lấy đủ báo giá cũng không hề dễ dàng”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.
“Trước đây chúng tôi chọn nhà thầu ở một nước Đông Âu, làm xong hội chợ thì mang một phần gian hàng về đó để bảo quản, lần tới lại mang ra sử dụng. Cách này tiết kiệm được 30% chi phí xây dựng so với việc mỗi hội chợ lại làm mới hoàn toàn; đồng thời giúp cho du lịch Việt Nam truyền tải hình ảnh và thông điệp xuyên suốt tại các hội chợ quốc tế, dễ nhận diện và để lại dấu ấn. Đó cũng là cách Nhật Bản, Ấn Độ hay Indonesia đã làm, họ luôn giữ một số thiết kế và kiểu dáng thống nhất trong nhiều năm khi tham gia các hội chợ quốc tế… Nếu thay đổi liên tục sẽ làm khách tham quan không kịp nhớ, không kịp đọng lại hình ảnh Việt Nam giữa hàng nghìn gian hàng khác”.
Một lý do khác là sự thiếu vắng mô hình hợp tác công tư hiệu quả trong việc xúc tiến quảng bá du lịch ở nước ngoài, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp du lịch “kiệt quệ” sau đại dịch Covid-19.
Ông Hoàng Nhân Chính phân tích: “Bây giờ doanh nghiệp kiệt quệ rồi, nên phải có vai trò của cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp không đủ sức và cũng không đủ vị thế để đứng ra đại diện đất nước làm những sự kiện chung như họp báo hay đêm Việt Nam… Các doanh nghiệp cũng rất cần vai trò cơ quan nhà nước để mời các đại sứ, chính khách hay người nổi tiếng… đến gian hàng để gây tiếng vang tại hội chợ. Ví dụ về mô hình hợp tác công tư, trước đây gian hàng Việt Nam tại WTM 2017 đón đạo diễn bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” - ông Jordan Vogt-Roberts đến quảng bá về Việt Nam, khi đó Tổng cục Du lịch đứng ra mời còn các doanh nghiệp chi trả kinh phí".
Theo ông Hoàng Nhân Chính, mô hình hợp tác công tư đòi hỏi các bên phải thực sự lắng nghe, tìm cách tháo gỡ và cam kết thực hiện những gì trong khả năng của mỗi bên. Ví dụ để tháo gỡ khó khăn về kinh phí, các doanh nghiệp sẵn sàng đóng trước tiền nếu đơn vị chủ trì có kế hoạch sớm, công khai, minh bạch hoặc cơ chế ưu đãi hơn cho những bên đóng tiền sớm… Doanh nghiệp cần kế hoạch sớm để chuẩn bị tốt nhất, vì mỗi kỳ hội chợ là rất quan trọng với họ, từ hẹn đối tác, mời khách tham dự sự kiện… cho đến các hoạt động bên lề hội chợ. Với họ bỏ tiền ra là phải tính toán đến hiệu quả. “Tóm lại để du lịch Việt Nam trở lại các hội chợ quốc tế thì phải có một mô hình mới, rõ ràng, minh bạch về vai trò của khu vực công và tư”.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Cường Bách cũng kỳ vọng sự kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý về du lịch được thắt chặt hơn nữa trong công tác quảng bá, xúc tiến: “Cần thiết lập kênh tương tác giữa doanh nghiệp và nhà nước để thông tin tổ chức sớm hơn và xuyên suốt, nên tận dụng các nền tảng số. Cần định vị rõ ràng thế mạnh và thương hiệu Việt Nam theo từng khu vực để tối ưu hiệu quả. Sau khi đã định hướng rồi thì cần tổ chức truyền thông hoặc đào tạo các doanh nghiệp để có thông điệp tương đồng nhau, nhất là khi tham gia hội chợ quốc tế”.
https://vov.vn/du-lich/viet-nam-lo-co-hoi-vang-vi-vang-mat-tai-cac-hoi-cho-du-lich-post1081952.vov - theo vov.vn