Vì sao liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, hậu quả thương tâm do hàn xì?
10:06 04-08-2022
VOV.VN - Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ do hàn xì là từ nguồn nhiệt trong quá trình hàn rất lớn, khi hàn cắt không đảm bảo các khoảng cách an toàn nguồn nhiệt từ khu vực hàn tới các nguyên, vật liệu dễ bắt cháy, người thợ hàn không được đào tạo, huấn luyện an toàn, phòng chống cháy nổ...
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ cháy tại quán karaoke số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngày 1/8 khiến 3 chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) hy sinh, bắt nguồn quá trình sửa chữa, hàn xì. Trước đó, hàng loạt các vụ cháy nghiêm trọng khác cũng có nguyên nhân từ hàn xì kim loại. Có thể kể đến như vụ cháy trung tâm thương mại ITC TP.HCM năm 2002 khiến 60 người chết, vụ cháy quán bar ở Trần Thánh Tông, Hà Nội năm 2013 khiến 6 người chết, hay vụ cháy quán karaoke phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) năm 2016 khiến 13 người chết…. Điểm chung của các vụ cháy này đều do sự sơ suất, tắc trách trong quá trình hàn xì. Thực tế cho thấy nhiều thợ làm hàn xì vẫn thiếu những hiện pháp an toàn về PCCC, thiếu hiểu biết về những đặc tính nguy hiểm của hàn xì, chủ quan, dẫn đến những hậu quả thương tâm.
TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.
TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về kiểm định và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.
PV: Thưa ông, những năm gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, đáng chú ý, nhiều vụ cháy bắt nguồn từ việc hàn xì kim loại không đảm bảo an toàn. Vậy theo ông, việc hàn xì có những đặc tính gì nguy hiểm dễ dẫn đến cháy nổ?
TS Đặng Xuân Trọng: Trong quá trình sản xuất và thi công, việc hàn cắt kim loại hay còn gọi là hàn xì rất phổ biến. Có thể hiểu đơn giản hàn cắt kim loại gồm: Quá trình hàn là sử dụng ngọn lửa khi cháy có nhiệt độ cao để làm nóng chảy các kim loại và cho chúng dính kết với nhau theo tiêu chuẩn. Quá trình cắt, ta hay gọi là xì cũng là sử dụng ngọn lửa khi cháy nhưng có nhiệt độ cao hơn làm nóng chảy các tấm, thanh kim loại thành các tấm, các thanh có kích thước cần dùng, hoặc khi phá dỡ các kết cấu kim loại liên kết với nhau. Phương pháp hàn cắt kim loại ngoài việc sử dụng khí axêtylen hay khí đốt hóa lỏng (gọi là hàn hơi), còn dùng phương pháp hàn điện.
Đa số các vụ tai nạn cháy, nổ xảy ra vừa qua trên thực tế chủ yếu là do quá trình hàn hồ quang điện. Hàn hồ quang điện là một trong những phương pháp hàn nóng chảy, nhiệt của hồ quang sẽ nung nóng kinh loại chỗ cần hàn đến trạng thái nóng chảy. Kim loại lỏng ở vùng hàn sẽ kết dính lại hình thành mối hàn nối liền các chi tiết lại với nhau tạo thành một khối không thể tháo rời được.
Nhiệt độ tâm ngọn lửa có thể đạt tới 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700 độ C -1.800 độ C. Trong quá trình hàn cắt kim loại, vảy hàn bắn tung toé ra xung quanh rất dễ gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu cháy. Khi các hạt kim loại nóng chảy với nhiệt độ cao (nhiệt độ bắt cháy khoảng 2.500 độ C đến 4.000 độ C) tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút, mút xốp… có nhiệt độ bắt cháy thấp thường dưới 500 độ C sẽ rất dễ gây cháy, nếu sự cháy không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý, đám cháy sẽ phát triển mạnh, cháy lớn gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Như vậy nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ do hàn xì là từ nguồn nhiệt quá trình hàn rất lớn, khi hàn cắt không đảm bảo các khoảng cách an toàn nguồn nhiệt từ khu vực hàn tới các nguyên, vật liệu dễ bắt cháy, người thợ hàn không được đào tạo, huấn luyện an toàn, phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, người chủ sử dụng lao động cũng thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra giám sát quá trình thực hiện công việc và đảm bảo các điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ.
PV: Để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, người thợ hàn xì cần đảm bảo những quy tắc nào trong quá trình hành nghề?
TS Đặng Xuân Trọng: Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức mặt bằng khu vực làm việc, che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt, không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ.
Phải có người có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt và ít nhất có mặt sau 30 phút, kiểm tra thật kỹ trước trước khi kết thúc việc hàn cắt.
Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai chứa khí trong thời hạn kiểm định, máy hàn, kìm hàn, mỏ hàn và các phụ kiện phải đồng bộ và đạt chuẩn đồng thời phải kiểm tra trước mỗi khi sử dụng. Nguồn điện phải đảm bảo ổn định. Vị trí đặt máy, khoảng cách dây dẫn phải đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn liên quan.
Trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Thợ hàn phải là người đã được cấp chứng chỉ về công việc hàn, được huấn luyện về an toàn lao động, về nghiệp vụ PCCC, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.
Hàn cắt trong những điều kiện đặc biệt như hầm kín, thùng, khoang, bể, đường ống,…; hàn dưới nước, hàn trong môi trường phát sinh bụi, khí độc, khí cháy nổ phải do những người thợ hàn tay nghề cao, có kinh nghiệm thực tế và phải thực hiện đánh giá rủi ro và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu như thông gió, chiếu sáng,… phải cử người giám sát và trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân như kính hàn, giày, tạp dề, găng tay,…
Nhiều thợ hàn "tay ngang" chưa được đào tạo về an toàn, phòng chống cháy nổ
PV: Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành bộ quy chuẩn về an toàn lao động với công việc hàn, tuy nhiên từ thực tế, ông đánh giá ra sao về mức độ hiểu biết và sự tuân thủ các quy tắc an toàn này của công nhân hàn xì?
TS Đặng Xuân Trọng: Hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động đối với máy hàn điện và nghề hàn điện và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với công việc hàn hơi quy định rất chặt chẽ về các yêu cầu đối với công việc hàn cắt.
Luật An toàn vệ sinh lao động, Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH quy định hàn cắt kim loại là một trong các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn- vệ sinh lao động.
Tuy nhiên việc tuân thủ các quy định này phần lớn chỉ được thực hiện trong các nhà máy sản xuất hoặc công trình xây dựng được tổ chức bài bản và có hệ thống quản lý an toàn bài bản. Trong thực tế ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, cơ sở dịch vụ nhỏ lẻ, phân tán, lao động tự do vẫn xảy ra phổ biến tình trạng vi phạm các quy định về an toàn lao động, PCCC và hầu hết người lao động chưa qua đào tạo, chưa được tập huấn về an toàn lao động và bài học đau xót là nhiều sự cố tai nạn, sự cố cháy nổ nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua gây thiệt hại về người và tài sản.
Nguy cơ tai nạn lao động, nguy cơ cháy nổ đối với công việc hàn cắt kim loại là rất lớn. Người lao động chưa được đào tạo, gọi là “hàn tay ngang” họ chỉ thực hiện theo kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên đây là một công việc đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và rủi ro cao, nếu không nắm bắt và tuân thủ các quy trình công nghệ hàn cũng như đánh giá, nhận diện được những nguy cơ trong quá trình làm việc thì sự cố xảy ra là đương nhiên và người lao động cũng không biết cách ứng cứu, xử lý, khắc phục khi có sự cố tai nạn.
PV: Từ thực tế công tác, ông đánh giá thế nào về việc tuân thủ quy định cũng như mức độ quan tâm của các chủ doanh nghiệp về việc huấn luyện định kỳ an toàn lao động, vệ sinh lao động cho thợ hàn?
TS Đặng Xuân Trọng: Theo Luật An toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động và những người có liên quan; đồng thời phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn lao động; giám sát kiểm tra việc thực hiện các quy trình làm việc, đặc biệt là công việc hàn cắt kim loại. Người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề, thử việc phải được tập huấn trước khi làm việc, tập huấn định kỳ theo quy định và được cấp thẻ an toàn.
Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là hiện nay, nhiều chủ doanh nghiệp, chủ thầu, chủ đầu tư thường không quan tâm đến các quy định này hoặc khoán trọn, phó mặc việc đảm bảo an toàn lao động, PCCC cho đơn vị thi công hoặc các nhà thầu, vì vậy hầu hết các vụ tai nạn đã xảy ra thì công nhân hay thợ hàn đều chưa đảm bảo có đủ năng lực theo Luật An toàn vệ sinh lao động và các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn tương ứng.
PV: Từ hàng loạt các vụ cháy nổ do hàn xì diễn ra trong những năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần yêu cầu nghiêm ngặt chứng chỉ hành nghề với người làm công việc hàn xì, đặc biệt họ cần được học về an toàn lao động, PCCC trước khi học nghề?
TS Đặng Xuân Trọng: Đào tạo nghề thì phải học an toàn vệ sinh lao động, việc học và thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động như việc chúng ta rửa mặt hàng ngày mỗi khi ngủ dậy nên phải làm thường xuyên, liên tục.
Việc yêu cầu chứng chỉ hành nghề và được học an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy đã được quy định rất rõ trong các quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động với công việc hàn và trong Luật An toàn vệ sinh lao động, vấn đề là chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư khi xây mới, cải tạo, sửa chữa các công trình, nhà xưởng, kho tàng phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ có liên quan theo Luật An toàn vệ sinh lao động và các luật chuyên ngành khác. Đồng thời người lao động, người dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc và nơi ở. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì phải tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các doanh nghiệp, các công trình để không còn có những vụ tai nạn, cháy nổ thương tâm như trong thời gian qua.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/vi-sao-lien-tiep-xay-ra-cac-vu-chay-nghiem-trong-hau-qua-thuong-tam-do-han-xi-post960894.vov - theo vov.vn