Vì sao Hà Nội thiếu sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc?
10:22 06-11-2023
VOV.VN - Nhiều điểm du lịch ở Hà Nội đang mang những sản phẩm thông thường ra bán cho du khách, chứ chưa phải là quà tặng du lịch đặc trưng, chưa truyền tải được thông điệp văn hóa hay bản sắc của Hà Nội.
Từ nhiều năm nay, ngành du lịch Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm quà tặng du lịch; xây dựng cầu nối giúp các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh quà tặng và đơn vị thiết kế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu khách hàng, thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của quà tặng du lịch Hà Nội trên thị trường.
Tuy nhiên mỗi năm lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Hà Nội rất lớn và mỗi phân khúc lại có nhu cầu khác nhau về mua sắm sản phẩm quà tặng. Tại tọa đàm “Phát triển sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2023” trong khuôn khổ Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023 do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp quan trọng nhất cho ngành quà tặng du lịch Hà Nội là xây dựng sản phẩm mang theo thông điệp, câu chuyện văn hóa và mở rộng kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm đó tới du khách
Một chuyên gia cho biết, nhiều năm qua các công ty du lịch không có nhiều lựa chọn khi tìm mua quà tặng cho khách nước ngoài. "Khi đưa khách nước ngoài đến Hà Nội, chúng tôi thường phân vân giữa tặng đồ ăn thức uống hay đồ lưu niệm. Nhắc về Hà Nội người ta thường nói đến món bánh cốm, nhưng nhiều nơi bán quá nên công ty cũng không biết chọn mua ở đâu. Tặng khách nước ngoài cần sản phẩm gọn nhẹ, dễ vận chuyển nên công ty thường mua tranh sơn mài nhỏ, trên đó thể hiện đường nét gì đó của Hà Nội và gửi gắm thêm các câu chuyện".
Theo đó, du khách châu Á hay châu Âu sẽ có nhu cầu khác nhau về mua quà, nhưng họ đều muốn nghe những câu chuyện gắn với sản phẩm hoặc điểm đến. Nếu các điểm du lịch xây dựng được một câu chuyện văn hóa, dẫn dắt du khách tìm hiểu về sản phẩm thì cuối cùng khi đến cửa hàng, họ sẽ có xu hướng chọn mua một món quà lưu niệm mà họ đã hiểu được ý nghĩa và giá trị của chúng.
Tuy nhiên một số làng nghề, điểm đến tại Hà Nội vẫn "loay hoay" trong phát triển sản phẩm quà tặng hoặc thiếu không gian giới thiệu sản phẩm đến với du khách. "Làng nghề với các nghệ nhân, gia đình đơn lẻ thường chỉ biết cần cù với công việc chuyên môn. Chúng tôi không thể tự phát triển thương hiệu, phát triển ngôi làng thành điểm du lịch dù rất muốn như vậy. Không gian để giới thiệu sản phẩm, nơi cho khách trải nghiệm vẫn còn hạn chế", đại diện làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) chia sẻ tại tọa đàm.
Một ý kiến khác cho biết, nhiều du khách nước ngoài rất hứng thú nghe kể chuyện tại làng nghề nhưng lại không mua hàng, có thể do chưa kịp cảm nhận được câu chuyện văn hóa hoặc sản phẩm không thực sự hữu dụng với họ. "Trước đây chúng tôi quá tập trung vào câu chuyện lịch sử của đôi dép cao su nhưng lại không bán được hàng. Mọi người nghe kể thì thấy hay nhưng không mua, có tháng bán không nổi 20 - 30 đôi. Sau này công ty quyết tâm sáng tạo, làm ra những đôi dép thuận tiện, thời trang hơn. Khi sản phẩm thực sự hữu ích thì du khách sẽ mua, có tháng bán được 14.000 đôi. Theo tôi, phải bán được sản phẩm trước đã thì mới hi vọng truyền tải được câu chuyện văn hóa, lịch sử", đại diện thương hiệu “Vua dép lốp” chia sẻ.
Theo ông Lê Bá Ngọc - Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), Hà Nội muốn phát triển lĩnh vực quà tặng du lịch thì phải xác định được sản phẩm nào bán cho ai, vì đối tượng khác nhau thì mẫu mã, thiết kế sẽ khác nhau. "Hà Nội phải có chiến lược rõ ràng về sản phẩm, cũng như kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến. Tốt nhất là sản phẩm quà tặng phải mang thông điệp của Hà Nội. Sau đó, xây dựng kênh bán trực tiếp tại các tuyến phố trung tâm, bán ngay tại làng nghề hoặc bán tại sân bay, trên máy bay. Kênh trực tuyến là xây dựng một sàn thương mại điện tử cho riêng quà tặng du lịch, giới thiệu để khách tìm hiểu, ngắm nghía trước sản phẩm và khi họ đến Hà Nội chỉ việc nhận hàng hoặc đến thẳng nơi bán".
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - bà Đặng Hương Giang kỳ vọng các nghệ nhân, nhà cung ứng dịch vụ quà tặng du lịch nỗ lực sáng tạo, làm thêm các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội và đáp ứng tiêu chí của khách du lịch như gọn nhẹ, thân thiện..., thay vì mang những sản phẩm thông thường để bày bán cho khách. "Một sản phẩm quà tặng cho khách du lịch nên mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, tinh thần, đặc biệt cần thiết kế nhỏ gọn, không nguy hại và nên sử dụng chất liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thì khách du lịch sẽ nhớ mãi về sản phẩm, về điểm đến chứ không chỉ dừng lại giữa việc mua và bán".
https://vov.vn/du-lich/vi-sao-ha-noi-thieu-san-pham-qua-tang-du-lich-dac-sac-post1057329.vov - theo vov.vn