Vì sao có sự phản ứng khác nhau về cuộc đảo chính ở Myanmar?

13:57 04-02-2021

VOV.VN - Đằng sau những phản ứng khác biệt đối với cuộc chính biến ở Myanmar là lợi ích chiến lược của các bên giữa bối cảnh cạnh tranh nước lớn đang diễn ra trong khu vực châu Á.

Cuộc đảo chính ở Myanmar đã diễn ra hôm 1/2 vừa qua. Về lý do cũng đã được giới quân nhân giải thích rằng, chính phủ dân sự đã thờ ơ trước cáo buộc có gian lận và cuộc bầu cử vẫn diễn ra trong đại dịch Covid-19. Ngay sau khi tuyên bố đảo chính, các đường dây liên lạc và internet ở Myanmar đã bị cắt đứt, quân đội tiếp quản kênh truyền hình quốc gia. Các nước trên thế giới đã có sự phản ứng khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về tình hình diễn tiến tại Myanmar, khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao?


Các phương tiện được vũ trang của Quân đội Myanmar trên đường phố sau cuộc chính biến hôm 1/2. Ảnh: Reuters
Phản ứng “yếu ớt” của Mỹ

Ngay sau khi cuộc đảo chính diễn ra tại Myanmar, tân Tổng thống Mỹ Biden và giới chức Nhà Trắng đã ra tuyên bố đe dọa sẽ trừng phạt quân đội Myanmar vì họ đã “tước đoạt quyền lực” từ chính phủ dân sự. Do đó, “Mỹ sẽ đứng lên ủng hộ dân chủ ở bất cứ nơi nào bị tấn công”, đồng thời yêu cầu quân đội Myanmar ngay lập tức từ bỏ quyền lực mà họ vừa chiếm giữ.

Ông Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trên khắp thế giới để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và pháp quyền, cũng như quy trách nhiệm cho những người liên đới trong việc đảo lộn quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar”.
Ông Biden kêu gọi “cộng đồng quốc tế” chung một tiếng nói thúc ép quân đội Myanmar từ bỏ ngay quyền lực mà họ đang nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ, dỡ bỏ mọi hạn chế viễn thông… Tuy nhiên, những động thái vẫn bị dư luận trong chính giới Mỹ cho là sự phản ứng “yếu ớt”.

Nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Biden phải quyết đoán hơn nữa trước tình hình ở Myanmar. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, yêu cầu một phản ứng cứng rắn hơn của chính phủ. Ông McConnell đòi hỏi: “Chính quyền Biden phải có lập trường mạnh mẽ hơn, lên án cuộc tấn công vào nền dân chủ ở Myanmar”.

Thượng nghị sĩ Robert Menendez, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã kêu gọi các quốc gia khác cùng Mỹ “áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn” đối với quân đội Myanmar và giới lãnh đạo quân sự nếu họ không trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử.

Phản ứng trung dung của một số quốc gia

Ngay sau khi xảy ra cuộc đảo chính ở Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố: “Trung Quốc là một nước láng giềng hữu nghị của Myanmar và hy vọng các bên ở Myanmar sẽ giải quyết khác biệt một cách phù hợp trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật để bảo vệ ổn định chính trị và xã hội”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh: “Chúng tôi (tức Trung Quốc) chú ý đến những gì xảy ra ở Myanmar và chúng tôi đang tìm hiểu thêm tình hình. Trung Quốc và Myanmar là 2 nước láng giềng hữu nghị. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ giải quyết khác biệt một cách phù hợp theo hiến pháp và khuôn khổ pháp luật để duy trì ổn định chính trị và xã hội”.

Ngoài ra còn có một số nước cũng tuyên bố theo hướng trung dung như: Đây là công việc nội bộ của Myanmar; chúng tôi không bình luận và tham gia vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào; điều chúng tôi quan tâm là sự an toàn của công dân... hoặc có quốc gia chỉ kêu gọi công dân không rời khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết và cho biết họ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Myanmar.

Những lý do đằng sau các tuyên bố

Với chính quyền của tân Tổng thống Biden, mặc dù cũng phản ứng theo lập trường khôi phục quá trình dân chủ ở Myanmar nhưng lời lẽ và động thái bị giới chức Mỹ cho là “yếu ớt” bởi trong chính sách đối ngoại của mình ông Biden đã có sự điều chỉnh theo hướng ít găy gắt hơn với Bắc Kinh, nhất là quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Giới phân tích cho rằng, chính quyền của ông Biden có thể áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt mới đối với Myanmar sau vụ đảo chính như: cắt viện trợ, trừng phạt tướng lĩnh cấp cao... giống như người tiền nhiệm D. Trump.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ông Biden không có nhiều lựa chọn trong việc trừng phạt Myanmar. Derek Mitchell, Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Myanmar, cho rằng: “Mỹ không còn giữ được những lợi thế ở khu vực châu Á như trước đây để gây áp lực với giới chức quân đội Myanmar”.

Chiến lược gia Murray Hiebert tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét: “Đưa tuyên bố trừng phạt thì dễ nhưng ông Biden rất khó để xác định nên làm gì tiếp theo với Myanmar. Tôi nghĩ Mỹ chỉ có thể trừng phạt vài công ty quân đội của Myanmar. Điều này sẽ gây ra chút ít áp lực. Ảnh hưởng của quân đội đã ăn sâu vào nhiều lĩnh vực kinh tế của Myanmar”.

Daniel Russel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Obama thì cho rằng: “Thêm nhiều lệnh trừng phạt sẽ không giải quyết được tình hình ở Myanmar. Mỹ cần có chính sách ngoại giao mềm dẻo, khéo léo để xoa dịu khủng hoảng và tìm cách đưa chính phủ dân cử ở Myanmar trở lại”.

Mặt khác, cũng theo giới phân tích, cuộc đảo chính ở Myanmar là một thử thách nặng nề đối với chính quyền của tân Tổng thống Biden và những nỗ lực của họ trong việc xây dựng một liên minh mạnh mẽ ở châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc.

Nhiều chuyên gia trong nhóm hoạch định chính sách châu Á của Mỹ, bao gồm người đứng đầu Kurt Campbell, từng là quan chức dưới thời ông Obama. Nhóm này, vào cuối nhiệm kì của ông Obama, đã ca ngợi việc việc chấm dứt nhiều thập kỷ cai trị của quân đội ở Myanmar như một thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng.

Giờ đây, chính quyền của ông Biden, mặc dù cũng phản ứng theo lập trường khôi phục quá trình dân chủ ở Myanmar nhưng lời lẽ và động thái được cho là “yếu ớt một cách đáng thất vọng”, bởi đây thực sự là một phép thử đối với quyết tâm ủng hộ tiến trình dân chủ, nhưng ông Biden lại còn quá ít sự lựa chọn.

Đối với Trung Quốc là nước láng giềng của Myanmar, hai nước có chung đường biên giới hơn 2.100km ở phía Bắc, khu vực lâu nay vẫn xảy ra những cuộc xung đột giữa chính phủ với các nhóm phiến quân địa phương.

Trung Quốc hiện còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Myanmar, chỉ đứng sau Singapore. Myanmar cũng là chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, nhằm thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng trước khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức.

Ngày 12/1 vừa qua, trong cuộc gặp hai bên tại Nay Pyi Taw, ông Vương Nghị nói với Tổng tư lệnh Myanmar rằng: “Trung Quốc đánh giá cao việc quân đội Myanmar gìn giữ sứ mệnh làm hồi sinh quốc gia và có tầm nhìn về tương lai lâu dài, sự phát triển của đất nước”.

Giới quan sát cho rằng, những động thái “thân thiện” với cả hai bên (phe quân đội làm đảo chính và phe dân chủ của bà Aung San Suu Kyi) này khiến chính quyền của ông Biden thêm “khó xử”.

Như vậy, đằng sau những phản ứng khác biệt đối với sự kiện ở Myanmar là lợi ích chiến lược của các bên giữa bối cảnh cạnh tranh nước lớn diễn ra trong khu vực châu Á. Điều này đã khiến an ninh khu vực và thế giới ngày càng khó đoán định hơn, thậm chí cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/2 đã không tập hợp được đủ số phiếu thuận để ra quyết định về tình hình ở Myanmar./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-co-su-phan-ung-khac-nhau-ve-cuoc-dao-chinh-o-myanmar-835324.vov - theo vov.vn