Vẫn “nóng” chuyện tăng lương
14:32 27-11-2023
VOV.VN - Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Chính chế độ tiền lương hợp lý để nâng cao mức sống của người lao động là một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả nhất, đồng thời là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm hơn đến mức sống của cán bộ, công chức, viên chức, có giải pháp để họ sống được bằng lương. Chính chế độ tiền lương hợp lý để nâng cao mức sống của người lao động là một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả nhất, đồng thời là nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Tiền lương: Nóng từ thực tiễn đến nghị trường
Thời gian qua dù nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống tối thiểu. Điều này khiến cuộc sống của nhiều công chức, viên chức rất khó khăn, nhất là tại những đô thị lớn. Nên mới có hiện tượng công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ….
Chẳng hạn, con số mới nhất từ Báo cáo của đại diện chính quyền tỉnh Bình Dương trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra Bộ Nội vụ vào ngày 21/11 vừa qua: “Từ ngày 1/1/2022 đến 30/9/2023, toàn tỉnh có 1.125 công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc (gồm 108 công chức, 1.017 viên chức)”. Hoặc, số liệu từ Báo cáo của 28 cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành mà Bộ Nội vụ công bố thì từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc..
Chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời gian qua. Có lẽ vì thế mà trên nghị trường Quốc hội sáng 21/11 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cũng nói lên tiếng lòng của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức mong đợi. “Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm hơn đến mức sống của cán bộ, công chức, viên chức, có giải pháp để họ sống được bằng lương. Một trong những giải pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả là chế độ tiền lương hợp lý để nâng cao mức sống của người lao động”, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh nói.
Tín hiệu đáng mừng là mức lương của cán bộ, công chức, viên chức đã được điều chỉnh từ 1/7/2023. Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).
Nỗ lực “chặn dòng” chảy chất xám khỏi khu vực công
Thực tế, trong số hàng triệu cán bộ, công chức có thể một bộ phận nào đó việc tăng tiền lương với họ không có ý nghĩa quá lớn, nhưng số lượng này không nhiều. Vì đa số cán bộ, công chức vẫn đang sống nhờ vào tiền thu nhập chính thức và họ có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng thu nhập chính thức.
Do đó, việc này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong đề xuất, tính toán các điều kiện cần thiết. Đây cũng là sự cố gắng của Chính phủ trong cân đối ngân sách để có nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc tăng lương cơ sở nhằm hướng tới ổn định cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức, ngăn chặn làn sóng bỏ việc, nghỉ việc đang diễn ra ồ ạt, đặc biệt là ở 2 ngành y tế và giáo dục.
Nhưng xin nói thẳng, ở các vùng nông thôn, miền núi, chi tiêu và mức sống thấp và con số này là tín hiệu hết sức vui mừng. Còn ở các thành phố, đô thị lớn, khoản tăng này chẳng đáng bao nhiêu, chưa thể thay đổi được cuộc sống, mức sinh hoạt hay tích lũy cho công chức, viên chức được. Thậm chí, phần tăng lương này chỉ đủ làm vui người ở lại, chứ với người quyết tâm "dứt áo ra đi" thì phần tăng này không đủ hấp dẫn giữ chân họ. Nếu nhân theo hệ số lương trung bình thì lần này tăng thêm được tầm 20%, xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng.
Nếu muốn giữ được cán bộ, công chức, viên chức làm việc cống hiến bằng tiền lương thì tối thiểu số lương phải chiếm 70% cơ cấu thu nhập, sau đó mới đến các khoản trợ cấp, phụ cấp, bồi dưỡng… Người lao động phải đủ mức chi tiêu cho sinh hoạt, con cái học hành… có tích lũy để có thể mua nhà, mua xe, thì họ mới trân trọng, tận tâm cống hiến cho công việc được, bởi nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống là nhu cầu chính đáng tự nhiên của mọi người.
Để đảm bảo lộ trình cải cách tiền lương bền vững và đạt được mục tiêu đề ra, các cơ quan chức năng còn nhiều việc phải làm cả trước mắt và lâu dài. Đặc biệt làm sao để “miếng bánh ngân sách” dành cho tiền lương lớn lên và số người hưởng ngân sách ở mức hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phục vụ nhân dân.
Chính vì vậy, chừng nào chúng ta đạt được mục đích lương của cán bộ, công chức, viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội thì mới tạo động lực quan trọng phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội.
https://vov.vn/xa-hoi/van-nong-chuyen-tang-luong-post1061787.vov - theo vov.vn