Ukraine tìm cách bổ sung hệ thống phòng không lai ghép trước mùa đông

08:13 01-11-2023

VOV.VN - Để đáp ứng nhu cầu, Mỹ đang tạo ra các tổ hợp phòng không Franken - kết hợp tên lửa của phương Tây với các bệ phóng và radar từ thời Liên Xô vẫn còn trong kho dự trữ của Ukraine.

Khi mùa đông đang đến gần, Ukraine muốn có thêm hệ thống phòng không để bảo vệ lưới điện khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga có thể khiến nước này chìm vào bóng tối lạnh giá.

Theo New York Times, do nhu cầu cấp bách, Ukraine sẵn sàng thử nghiệm các hệ thống vũ khí tự chế, xuất phát từ ý tưởng của chính Kiev mà Lầu Năm Góc hiện đang theo đuổi.

Các quan chức Mỹ gọi đây là chương trình FrankenSAM (hệ thống phòng không lai ghép), kết hợp các tên lửa đất đối không cỡ nòng tiêu chuẩn của phương Tây với các bệ phóng hoặc radar từ thời Liên Xô mà Ukraine có trong kho và đã được chỉnh sửa.

 

Giải quyết nhu cầu cấp bách của Ukraine trước mùa đông

Hai biến thể của hệ thống phòng không tự chế này – một là sự kết hợp giữa bệ phóng Buk và tên lửa Sea Sparrow, một là sự kết hợp giữa radar thời Liên Xô với tên lửa Sidewinder của Mỹ - đã được thử nghiệm trong nhiều tháng tại các căn cứ quân sự ở Mỹ và dự kiến chuyển tới Ukraine trong mùa thu.

 

Biến thể thứ ba, hệ thống tên lửa Hawk từ thời Chiến tranh Lạnh, đã có mặt trên chiến trường Ukraine lần đầu tiên trong tuần trước.

Laura K. Cooper, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng M về chính sách Nga, Ukraine và Á-Âu, cho biết, các hệ thống FrankenSAM đang “góp phần lấp đầy những lỗ hổng quan trọng trong mạng lưới phòng không của Ukraine và đây là thách thức quan trọng nhất mà Ukraine phải đối mặt hiện nay”.

Kể từ khi xung đột bùng phát đầu năm 2022, Ukraine đã tự tìm cách kết hợp các loại vũ khí từ kho dự trữ thời Liên Xô với những vũ khí nhận được từ phương Tây. Trong một số trường hợp, họ đã thành công.

Dự án FrankenSAM cũng đang cố gắng làm điều tương tự cho mạng lưới phòng không Ukraine.

Trong 20 tháng qua, phương Tây đã cung cấp một loạt hệ thống phòng không cho Ukraine, bao gồm hệ thống Patriot và IRIS-T hiện đại, xe tăng trang bị pháo phòng không và hơn 2.000 tên lửa vác vai Stinger.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 3 tổ hợp phòng không phức tạp, bao gồm một hệ thống Patriot nữa, trong “gói hỗ trợ mùa đông” trị giá gần 1,5 tỷ USD.

“Khi mùa đông đến gần, chúng tôi sẽ dựng một lá chắn bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mới của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng, nước và sưởi ấm [của Ukraine]”, ông Scholz nhấn mạnh.

Các hệ thống phòng không là một phần trong khoản viện trợ quân sự trị giá gần 100 tỷ USD mà Ukraine đã nhận được từ các đồng minh kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Mỹ, quốc gia viện trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine cũng đang cân nhắc viện trợ thêm 60 tỷ USD như một phần trong kế hoạch chi tiêu khẩn cấp mới của chính quyền Biden.

Ngày 26/10, Mỹ đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 150 triệu USD khác cho Ukraine, một gói vũ khí bao gồm đạn dược bổ sung cho các tổ hợp phòng không – bao gồm cả tên lửa Sidewinder sử dụng trong hệ thống FrankenSAMS.

Hoán cải vũ khí từ thời Liên Xô trong kho của Ukraine

Chương trình FrankenSAM bắt đầu từ cuối năm 2022, khi các quan chức Ukraine yêu cầu đồng minh giúp họ tìm tên lửa cho khoảng 60 bệ phóng BuK và radar thời Liên Xô đang nằm im trong kho vũ khí của Kiev. Biết rằng phương Tây sẽ khó có được vũ khí do Nga sản xuất phù hợp với hệ thống Buk, Ukraine đã đề xuất chỉnh sửa các bệ phóng mà Kiev có trong kho để có thể phóng tên lửa phòng không cỡ nòng tiêu chuẩn NATO do Mỹ viện trợ.

“Chúng tôi nhận ra rằng mình cần phải đưa ra một số giải pháp”, bà Oleksandra Ustinova, Chủ tịch ủy ban Quốc hội Ukraine chuyên giám sát việc chuyển giao vũ khí từ phương Tây, cho hay.

Bà nói rằng phía Ukraine đã đề nghị tự mình hoán cải vũ khí để tiết kiệm thời gian, “bởi trong giai đoạn mùa đông, chúng tôi rất cần lực lượng phòng không và đó sẽ là những hệ thống sẽ được sử dụng”.

Tuy nhiên, các kỹ sư Mỹ nhất quyết thực hiện việc này. Họ cần tới hơn 7 tháng để thử nghiệm và phê duyệt phiên bản vũ khí kết hợp sau khi Lầu Năm Góc đồng ý cung cấp tên lửa Sea Sparrow cho dự án vào tháng 1/2023.

Theo bà Ustinova, một số tên lửa và bệ phóng Buk đã chỉnh sửa đầu tiên chỉ mới đến Ukraine gần đây. Ukraine đã chuẩn bị gửi thêm 17 bệ phóng Buk tới Mỹ để chỉnh sửa, nhưng các kỹ sư Mỹ chỉ có thể xử lý 5 bệ phóng mỗi tháng.

Ukraine cũng phải đợi các hệ thống Hawk cũ hơn được hoán cải và sẵn sàng hoạt động sau khi Tây Ban Nha cam kết trợ giúp quá trình này vào tháng 10/2022. Một tháng sau đó, Mỹ thông báo sẽ chi tiền để tân trang lại các tên lửa Hawk cũ hơn cho các hệ thống do Tây Ban Nha tài trợ. Một số hệ thống loại này đã được chuyển đến Ukraine nhưng không có radar kèm theo. Phải mất thêm 9 tháng nữa radar này mới được chuyển cho Kiev.

Chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola O Meatchuk, cho biết, tính đến tuần trước, hệ thống Hawks đã được đưa vào vận hành và có thể bắn hạ mục tiêu bên cạnh các hệ thống phòng không hiện đại hơn.

“Đánh trúng 100% mục tiêu không phải là điều dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu đó mỗi ngày”, ông Meatchuk viết trên Telegram.

Xả kho vũ khí bám bụi của NATO

Một hệ thống FrankenSAM khác là sự kết hợp radar thời Liên Xô để bắn các tên lửa cũ mà Mỹ thường sử dụng trên máy bay chiến đấu.

Hệ thống này sử dụng tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9M Sidewinder do Mỹ sản xuất, được phát triển từ những năm 1950 và được sử dụng trên máy bay chiến đấu F-16 và F-18. AIM-9M Sidewinder đã được chỉnh sửa để bắn từ các bệ phóng mặt đất tự chế. Hiện chưa rõ chính xác khi nào hệ thống này sẽ đến Ukraine.

Các quan chức và kỹ sư quốc phòng Mỹ vẫn đang thử nghiệm loại FrankenSAM mạnh nhất từ trước đến nay: kế hợp tên lửa Patriot với trạm phóng hoạt động cùng các hệ thống radar cũ hơn do Ukraine sản xuất trong nước.

Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, trong cuộc thử nghiệm tại Bãi thử tên lửa White Sands ở New Mexico gần đây, tên lửa của hệ thống đã bắn trúng mục tiêu là máy bay không người lái. Hệ thống này dự kiến sẽ được gửi tới Ukraine vào mùa đông.

Can Kasapoglu, nhà phân tích quốc phòng của Viện Hudson ở Washington, đánh giá cao ý tưởng tích hợp thiết bị thời Liên Xô với các tên lửa tinh vi hơn của phương Tây như một cách giúp Ukraine duy trì kho vũ khí cho cuộc xung đột chưa có hồi kết. Mặt khác, điều này cũng “tạo cơ hội để đưa những vũ khí đang bám bụi trong kho của các thành viên NATO vào sử dụng thực tế”.

https://vov.vn/the-gioi/ukraine-tim-cach-bo-sung-he-thong-phong-khong-lai-ghep-truoc-mua-dong-post1056203.vov - theo vov.vn