Ukraine cải biên vũ khí từ Thế chiến 2 để đối phó với UAV cảm tử
08:39 13-12-2022
VOV.VN - Để đối phó với máy bay không người lái cảm tử, Ukraine đã nâng cấp pháo phòng không cổ bằng cách tích hợp máy ảnh và máy tính bảng.
Mỹ và châu Âu đang lấy nhiều loại vũ khí cũ từ kho vũ khí của các nước này để cung cấp cho Ukraine nhằm đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái cảm tử. Phía Ukraine dường nhưng cũng đang tìm ra những cách thức riêng để cải thiện hiệu quả của các loại vũ khí đó bằng cách sử dụng công nghệ sẵn có trên thị trường thương mại (COTS).
Máy bay không người lái Shahed của Iran. Ảnh: Sputnik
Ukraine Weapon Tracker - trang tin theo dõi tình hình quân sự Nga-Ukraine đã tập trung sự chú ý vào những hình ảnh về cuộc diễn tập phòng không do Bộ tư lệnh miền Đông của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine đăng tải vào ngày 7/12. Trong đó, có một khẩu pháo phòng không Zastava M75 20 mm được trang bị hai camera do công ty Hikvision của Trung Quốc chế tạo. Các camera này gửi video đến một máy tính bảng được gắn trên giá đỡ tay cầm để các xạ thủ có thể dễ dàng quan sát. Giá đỡ tay cầm này do công ty North Bayou có trụ sở tại Dallas, Mỹ sản xuất. Đây là những thiết bị sẵn có, được bán trên nhiều sàn thương mại điện tử.
Trên trang Amazon, giá đỡ của North Bayou có giá gần 30 USD, trong khi camera quan sát của Hikvision có giá từ hàng trăm đến hàng nghìn USD tùy loại. Pháo phòng không Zastava M75 20 mm là bản sao của pháo phòng không tự động Hispano-Suiza HS.804 của Tây Ban Nha được sử dụng trong Thế chiến II. Nó sử dụng loại đạn dài 110mm. Mỗi băng đạn dài có 10 viên, còn băng đạn trống có 20 viên. Nhiều khả năng Ukraine đã được Croatia hoặc Slovenia cung cấp loại pháo này.
Lý do Ukraine vận hành pháo phòng không từ Thế chiến 2
Ukraine đặc biệt quan tâm đến vũ khí phòng không tầm ngắn như một biện pháp đối phó hợp lý với máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 do Iran sản xuất mà Kiev cho là Nga đang sử dụng để tấn công các thành phố của nước này, đặc biệt là cơ sở hạ tầng năng lượng. UAV Shahed-136 mang rất nhiều chất nổ, hơn nữa không lớp bảo vệ và bay khá chậm, nhưng việc bắn hạ chúng trong thời gian ngắn bằng pháo phòng không vẫn là một thách thức.
UAV do Iran chế tạo có tốc độ tương đối chậm, khoảng 200km/h, gần bằng tốc độ của máy bay chiến đấu 2 tầng sử dụng trong Thế chiến 1, nên chúng dễ bị bắn hạ trước khi nhắm trúng mục tiêu. Tuy vậy do các UAV này có giá thành rẻ và luôn sẵn có nên chúng vẫn gây ra nhiều thiệt hại lớn cho Ukraine. Đây là lý do Ukraine muốn tiếp cận với các hệ thống phòng không có giá phải chăng, trong đó có cả súng phòng không hạng nhẹ kiểu cũ. Vì các khẩu pháo tự động này chỉ có thể bảo vệ một khu vực hạn chế, nên Kiev sẽ cần rất nhiều để che chắn cho các mục tiêu tiềm năng. Khi được cung cấp pháo một nòng M75, Ukraine đã cố gắng cải thiện hiệu quả của nó bằng cách gia tăng độ chính xác và khả năng quan sát ban đêm thông qua việc sử dụng ống ngắm của camera.
Mặc dù pháo phòng không đã gây thiệt hại nặng nề cho các chiến đấu cơ bay ở tầm thấp trong Thế chiến 2, nhưng hầu hết các binh sỹ đều nhận thấy rằng các loại pháo cỡ nòng 20mm như M74 hoạt động thiếu chính xác khi máy bay chiến đấu tăng tốc độ hoặc có lớp vỏ ngoài kiên cố. Do đó, các bệ pháo nhiều nòng, hoặc các khẩu pháo cỡ 37 hoặc 40mm vẫn được ưa chuộng hơn. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng phổ biến pháo 2 nòng ZU-30. Nhưng vũ khí này vẫn kém tinh vi hơn so với hệ thống phòng không tự hành Gepard tinh vi do Đức chế tạo được trang bị radar và pháo kép 35 mm. Gerard đã chứng minh hiệu quả trong việc đối phó với UAV và tên lửa.
Đức đã cung cấp cho Ukraine 14 pháo tự hành Gerard, nhưng do số lượng ít nên hệ thống pháo này thường chỉ được sử dụng để bảo vệ các khu vực có tầm quan trọng chiến lược.
Nâng cấp vũ khí để bảo vệ lãnh thổ
Một loại vũ khí khác cũng thu hút sự chú ý trong cuộc tập trận của Ukraine gần Dnipro là súng máy hạng nặng DShKM 12,7 mm, được trang bị kính ngắm ảnh nhiệt AGM Adder TS35-640 do công ty AGM Global Vision có trụ sở tại Arizona, Mỹ chế tạo. Adder, hiện có giá 4.194 USD có độ phóng đại lên tới 8 lần, có chức năng quay video và truyền dữ liệu qua wi-fi.
DShKM do nhà máy cơ khí Kujir của Romania (UMC) chế tạo vào năm 2015. Ngoài việc viện trợ Ukraine áo giáp và nhiên liệu, Romania được cho là đã âm thầm cung cấp một số vũ khí sát thương cho Kiev kể từ khi cơ quan lập pháp nước này thông qua luật mới nhằm hợp pháp hóa việc chuyển giao những vũ khí như vậy. DShKM có thể chống lại các phương tiện bọc thép hạng nhẹ, máy bay và binh sỹ của đối phương. Quân đội Liên Xô đã sử dụng khá nhiều súng máy hạng nặng DShKM trong Thế chiến 2.
Các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phòng thủ trong khu vực, được trang bị vũ khí hạng năng tương đối hạn chế, chẳng hạn nhưu súng cối, pháo phòng không ZU-23, súng máy hạng nặng Dushka, súng phóng lựu chống tăng xách tay. Dù đây là những loại vũ khí lỗi thời nhưng việc sử dụng các công nghệ sẵn có trên thị trường thương mại để nâng cao hiệu quả của chúng với giá thành phải chăng được coi là biện pháp phù hợp để nâng cao khả năng chiến đấu của các đơn vị này./.
https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ukraine-cai-bien-vu-khi-tu-the-chien-2-de-doi-pho-voi-uav-cam-tu-post989917.vov - theo vov.vn