“Tuyển chọn Bí thư huyện là chủ trương rất mới”
08:10 28-02-2020
VOV.VN - Theo ông Bùi Văn Cường, tuyển chọn Bí thư huyện không phải là hình thức mà đấy là cách thực chất nhất trong đánh giá cán bộ.
Ban thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk vừa ban hành quy định về thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở và Quy chế về “thí điểm tuyển chọn bí thư cấp huyện”. Theo đó sẽ thi tuyển với các chức danh Giám đốc Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và môi trường và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; thi tuyển chọn 2 bí thư huyện Buôn Đôn và huyện Lăk vào tháng 3/2020.
Ông Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk .
Đây được xem là bước đột phá trong công tác cán bộ hiện nay khi Đắk Lắk lần đầu tiên thực hiện tuyển chọn Bí thư cấp huyện. Sự thay đổi này kỳ vọng sẽ từng bước xây dựng cơ chế sử dụng và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý bình đẳng, dân chủ, công khai, khách quan để chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên VOV tại khu vực Tây Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đăk Lăk.
PV: Thưa ông, thi tuyển cán bộ lãnh đạo là chủ trương lớn của Đảng nhưng đang ở mức thí điểm, trong khi đó Đắk Lắk là tỉnh khá đặc thù ở khu vực Tây Nguyên. Vậy tại sao Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định đổi mới tuyển chọn cán bộ lãnh đạo bằng hình thức thi tuyển trong thời điểm được coi là nhạy cảm trước đại hội Đảng các cấp?
Ông Bùi Văn Cường: Thực hiện nghị quyết 26 kết luận của Bộ Chính trị cũng như chỉ đạo của Ban bí thư trung ương Đảng, từ năm 2015, Đắk Lắk đã được chọn trong 22 tỉnh, thành thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng. Thực tiễn thời gian qua, Đắk Lắk cũng đã thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Y tế, một số chức danh trưởng, phó phòng. Hiện Đắk Lắk đang khuyết 2 vị trí Giám đốc sở và 1 Phó Giám đốc của 1 sở thì Đắk Lắk tiếp tục thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, cấp phòng theo chủ trương thí điểm mà Bộ Chính trị đã chỉ đạo.
Về ý kiến nói rằng thời điểm này nhạy cảm đối với công tác thi tuyển, phải nói rõ là không có gì gọi là nhạy cảm. Bởi lẽ việc 2 đồng chí Bí thư đến tuổi nghỉ hưu và chuyển công tác, 2 đồng chí Giám đốc sở nghỉ hưu thì rõ ràng là đây là thời điểm phải thi chứ không phải có điểm gì là mới cả. Còn đại hội vẫn tiến hành bình thường, công tác cán bộ trong quá trình đại hội vẫn thực hiện theo chỉ thị 35 của Bộ Chính trị cũng như hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương.
PV: Thi tuyển lãnh đạo là bước đột phá trong tuyển chọn cán bộ, đến nay không phải tỉnh nào cũng đã làm. Ông nghĩ thế nào khi có người vẫn hoài nghi rằng “Thi tuyển chỉ là hình thức”?
Ông Bùi Văn Cường: Ý kiến đấy là tuỳ cá nhân của mỗi người, nhưng rõ ràng nếu như không qua thi tuyển chúng ta không đánh giá được năng lực cán bộ. Trước đây chúng ta chỉ đánh giá thông qua công việc, quá trình công tác, hồ sơ. Còn bây giờ đánh giá bằng việc xây dựng đề án. Nếu được làm Giám đốc Sở, anh làm gì, làm như thế nào, anh nào đề án tốt hơn, báo cáo rõ ràng mạch lạc hơn và trả lời các câu hỏi tình huống do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đặt ra, các chuyên gia đặt ra thì các anh ấy chắc chắn phải khá hơn các anh khác. Nói thi chỉ là hình thức đấy là suy diễn. Tôi cho đấy không phải là hình thức mà đấy là cách thực chất nhất trong đánh giá cán bộ.
PV: Vâng, thi tuyển lãnh đạo chính quyền hay sở ngành một số tỉnh đã làm, nhưng với thi tuyển chọn bí thư huyện ủy thì Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên. Vậy cách thức tuyển chọn sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Văn Cường: Hiện nay Đắk Lắk thi tuyển chức danh là theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị và là 1 trong 22 tỉnh tiến hành thi tuyển, riêng tuyển chọn bí thư cấp huyện đang thí điểm. Hiện nay có hai huyện khuyết Bí thư, theo nghị quyết 26, Bí thư không phải là người địa phương do đó phải đưa từ nơi khác về. Một là Phó Bí thư các huyện, thị xã, thành phố hoặc phó giám đốc các sở ngành có quy hoạch tỉnh uỷ viên thì chúng tôi lựa chọn. Hiện nay đã lựa chọn mỗi vị trí 5 người. Bình thường chọn 1-2 người, bây giờ chọn 5 đã mở rộng hơn được đối tượng. Trước đây chúng ta xem xét để chọn lấy một người, thông thường theo ý của người đứng đầu. Còn bây giờ thông qua thi tuyển, các ứng viên sẽ thuyết trình trước Ban thường vụ để đánh giá. Đề án anh nào khá hơn sẽ được chọn hết sức rõ ràng minh bạch.
Việc chọn này sẽ được gì? Được thứ nhất, đánh giá cán bộ sẽ thực chất hơn. Thứ hai, giúp cho cán bộ phải tự đọc, tự nghiên cứu nâng cao trình độ để bảo vệ đề án chương trình hành động của mình trước tập thể Ban thường vụ Tỉnh uỷ. Thứ ba, chắt lọc các giải pháp để phát triển huyện đó về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Các ứng viên đã trình bày đề án của mình nếu được làm Bí thư thì sẽ làm gì nên khi được chọn có thể bắt tay ngay vào việc luôn. Điểm nữa là tạo cơ hội cho nhiều người. Cuối cùng là chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Việc đổi mới tuyển chọn là chủ trương rất mới và chúng tôi cho rằng sẽ đánh giá thực chất hơn, nhất là với Bí thư từ nơi khác về.
Ông Bùi Văn Cường trao đổi với cơ quan báo chí.
PV: Thưa ông, hiện nay, Bí thư theo cơ chế bầu cử, hoặc chỉ định vậy có gì khó khăn hay bất cập về quy trình và quy định không?
Ông Bùi Văn Cường: Quy trình làm theo đúng quy định 105 của Đảng, trước Đại hội Đảng vẫn tiến hành bình thường, bởi 2 huyện này thiếu Bí thư buộc phải chọn còn đến Đại hội vẫn tiến hành bầu cử bình thường như tất cả các quy định khác. Tuyển chọn này chỉ là 1 khâu để trên cơ sở đó sẽ giới thiệu về làm qui trình 3 bước từ nơi khác về theo quy định, nếu đạt thì làm quyết định bổ nhiệm. Nếu không đạt thì chọn đồng chí thứ 2, sao cho đến khi có người làm Bí thư huyện như vậy mới nâng cao được chất lượng cán bộ trong hệ thống chính trị.
Chúng tôi đã làm báo cáo bằng văn bản xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ đã đồng ý. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn theo phương pháp mới sẽ đánh giá cán bộ thực chất hơn. Tất nhiên trong quá trình thực hiện có thể nói dư luận chung rất ủng hộ nhưng cũng có ý kiến không đồng tình. Bởi vì cái mới bao giờ cũng có những suy nghĩ trái chiều. Nhất là cái mới trong công tác cán bộ. Rõ ràng có ý kiến trái chiều là chuyện bình thường. Chúng tôi quyết định cứ tiến hành, cứ thí điểm thấy tốt sẽ nhân rộng.
Còn vướng gì không thì chúng tôi cho là không vướng gì cả. Vì tất cả những quy định chúng tôi vẫn làm bình thường. Thay vì khâu tuyển chọn trước đây bằng việc ngồi nhận xét anh A, anh B, anh C và không nghe các anh ấy trình bày, các anh cũng không nói xuống đó các anh làm gì thì không biết được anh ấy khá hay không khá. Còn bây giờ, 5 anh trình bày chương trình hành động của mình thì rõ ràng anh nào khá hơn thì anh ấy được. Đây đổi mới 1 khâu tuyển chọn, chúng tôi suy nghĩ là sẽ tốt hơn và cũng chính câu chuyện tốt hơn này không chỉ ở đánh giá mà còn ở tâm thế cho các ứng viên tham gia.
Rõ ràng các ứng viên đã phải suy nghĩ, trăn trở để báo cáo trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thì phải làm thật tốt, thật kỹ lưỡng về các giải pháp, nhất là các giải pháp khả thi đột phá trên cơ sở nghị quyết của Đại hội đảng bộ huyện đó và nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh. Nhưng nghị quyết thường chỉ nêu nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp mang tính định hướng lớn, còn giải pháp cụ thể làm gì trong phát triển kinh tế thì ông Bí thư phải chỉ đạo để có nghị quyết của Ban thường vụ hay nghị quyết của Ban chấp hành cũng như chỉ đạo uỷ ban phải thực hiện, rõ ràng các ứng viên phải nghiên cứu và có tâm thế khi xuống phải làm ngay. Tôi tin cứ làm và rút kinh nghiệm khi mọi người hiểu đúng mọi người sẽ ủng hộ sẽ làm tốt hơn trong công tác cán bộ.
PV: Để chọn được cán bộ có đức, có tài thì hình thức thi tuyển như thế này có phải là cách làm duy nhất không thưa ông?
Ông Bùi Văn Cường: Có thể nói, chọn cán bộ đang thực hiện theo mấy quy định: Một là phải đánh giá cán bộ. Hai là thông qua công tác đánh giá cán bộ thi tuyển hoặc tuyển chọn bằng việc báo cáo chương trình hành động khi được chọn đó. Thứ 3 thông qua việc xem xét quá trình cống hiến của các ứng viên thông qua công việc ở từng vị trí anh thể hiện được, anh làm được, làm tốt bằng việc có các sản phẩm mới, bằng việc làm cho địa phương, địa bàn ấy phát triển.
Nếu vẫn địa bàn ấy nhưng bố trí lãnh đạo tốt thì địa phương địa bàn ấy phát triển. Nếu bố trí không tốt thì cứ bình bình như bình thường. Việc đánh giá xem xét bố trí cán bộ cũng có nhiều cách. Tuy nhiên, đây cũng là cách để cùng với việc xem xét hồ sơ, cùng với việc xem xét quá trình công tác thêm phần đánh giá nữa thì sẽ chọn được người khá nhất trong các đồng chí dự kiến lựa chọn như vậy sẽ làm cho công tác bố trí cán bộ sẽ chặt chẽ hơn, tốt hơn, tránh tình trạng “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
PV: Xin cảm ơn ông./.
https://vov.vn/chinh-tri/tuyen-chon-bi-thu-huyen-la-chu-truong-rat-moi-1015355.vov - theo vov.vn