Từ vụ nữ sinh tự tử: “Giáo dục là sẻ chia, không phải dùng kỷ luật làm quyền uy, áp đặt”

10:54 09-12-2020

VOV.VN - TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giáo dục thực sự phải là sự đồng hành cùng học trò, chia sẻ và giúp đỡ các em. Giáo dục không phải lấy kỷ luật làm quyền uy, áp đặt.

Liên quan đến vụ việc nữ sinh Y, học sinh lớp 10 trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử do bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức bêu tên trước cờ, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đây là sự việc đau lòng, không mong muốn. Bản thân mỗi gia đình khi gửi con đến trường, trước hết, mong muốn con được an toàn, sau đó mới là học kiến thức, kỹ năng. Nhưng nhà trường đã không làm tròn trách nhiệm.


Bức thư tuyệt mệnh của học sinh để lại trước khi tự tử.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh rằng, hiện sức khỏe của em Y có thể ổn định hơn, nhưng đáng ngại nhất là những tổn thương về mặt tâm lý.

“Trong câu chuyện này, chưa cần vội bàn đến ai đúng ai sai, nhưng việc đầu tiên ngành giáo dục cần làm là tìm chuyên gia tâm lý để hỗ trợ cho em học sinh vượt qua tổn thương tinh thần. Gia đình và nhà trường cần có sự quan tâm, giải pháp để giảm thiểu tới mức thấp nhất những tổn thương cho em Y.

Giáo viên và ban giám hiệu nhà trường phải đến gặp gia đình và dám nhận lỗi sai”, thầy Nguyễn Tùng Lâm nói.


TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cần lập tức có những hỗ trợ về mặt tâm lý cho nữ sinh Y để giảm thiểu tới mức thấp nhất những tổn thương tinh thần.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng bức xúc cho rằng, từ nhiều tháng nay, Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan truyền thông đã phổ biến về quy định mới theo Thông tư 32 về kỷ luật và khen thưởng học sinh. Vậy những quy định này có được phổ biến về đến trường hay không. Các thầy cô giáo cùng ban giám hiệu nhà trường không biết đến những quy định kỷ luật học sinh, hay biết nhưng vẫn cố tình làm theo, áp đặt học sinh theo cách cũ.

“Hiện nay thực hiện chương trình GDPT mới, nhà trường đưa ra các mục tiêu giáo dục rất nhân văn, nhưng phải tổ chức sao để học sinh thực hiện những mục tiêu đó, chứ không thể áp đặt. Các văn bản mới đã quy định, không được kỷ luật, phê bình học sinh trước cờ. Quy định này được rút ra từ nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Nhà trường nêu khẩu hiệu dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm từ cả thế kỷ trước, nhưng tại sao khẩu hiệu này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tại sao thầy cô lại không lắng nghe học sinh, trong khi muốn các em phải làm theo điều mình mong muốn. Trách nhiệm của nhà trường với mỗi học sinh ra sao? Tại sao lại có chuyện gây sức ép để các em học thêm?”, TS Nguyễn Tùng Lâm đặt ra hàng loạt các câu hỏi.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, giáo dục thực sự phải là sự đồng hành cùng học trò, chia sẻ và giúp đỡ các em. Giáo dục không phải lấy kỷ luật làm quyền uy, áp đặt. Hiện nay nhiều trường vẫn đang nhầm lẫn rằng nếu chiều theo ý học sinh, sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường. Tuy nhiên, điều này không đúng. Như trường hợp kỷ luật nữ sinh Y, để học sinh cảm thấy phẫn uất đến mức phải tự tử, nhà trường đã vi phạm nghiêm trọng quy chế về kỷ luật của Bộ GD-ĐT.

“Nhà trường đã phê bình, cảnh cáo học sinh trước cờ, thì cũng cần phải xin lỗi trước cờ”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh lại.

Cũng từ trường hợp của nữ sinh Y, TS Nguyễn Tùng Tâm cho rằng, việc tìm đến cái chết để giải quyết một vấn đề nào đó là rất tiêu cực: “Các em còn nhiều cách giải quyết, đấu tranh và giành lại lẽ phải theo đúng trình tự pháp lý, các em có quyền bày tỏ ý kiến, khiếu nại trước những cáo buộc không đúng. Hơn bất cứ thứ gì, các em cần biết quý trọng cuộc sống của chính bản thân mình và cả bố mẹ, gia đình, đó mới là điều quan trọng nhất”, thầy Lâm nhấn mạnh.

Liên quan đến sự việc này, Bộ GD-ĐT cho biết, đã yêu cầu xác minh làm rõ sự việc, tổ chức thăm hỏi học sinh. Đồng thời, tới đây, Bộ cũng yêu cầu ngành giáo dục địa phương cần xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan như nhà trường, giáo viên, học sinh, gia đình học sinh... để có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động giáo dục nhà trường, thực hiện theo đúng quy định.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, trong quy định kỷ luật học sinh phổ thông hiện nay chưa có khái niệm cấm túc như hình thức phạt của trường THPT Vĩnh Xương. Nhà trường có thể áp dụng những biện pháp giáo dục tích cực, nhưng phải đảm bảo tính giáo dục, thân thiện, giúp học sinh tự nhận ra khuyết điểm và sửa chữa.

Trước đó, ngày 15/9/2020, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo đó, học sinh THCS, THPT vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, từ ngày 1/11/2020, khi Thông tư 32 chính thức có hiệu lực, đã không còn các hình thức kỷ luật phê bình trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ. Thay vào đó, các hình thức kỷ luật học sinh theo quy định mới tập trung vào việc giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm./.

https://vov.vn/xa-hoi/tu-vu-nu-sinh-tu-tu-giao-duc-la-se-chia-khong-phai-dung-ky-luat-lam-quyen-uy-ap-dat-822943.vov - theo vov.vn