Trung Quốc ngừng bán UAV cho Nga và Ukraine trong bối cảnh xung đột hiện nay
10:36 05-05-2022
VOV.VN - Trung Quốc vừa quyết định ngừng xuất khẩu các lô máy bay không người lái (UAV) lưỡng dụng sang cả Nga và Ukraine. Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh hướng tới việc cân bằng giữa mối quan hệ đồng minh chiến lược với Nga và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trung Quốc thận trọng nghe ngóng
DJI - nhà sản xuất UAV số 1 của Trung Quốc, đã ngừng các hoat động của mình ở hai nước tham chiến này. DJI, có trụ sở ở Thâm Quyến, đồng thời là nhà sản xuất UAV lớn nhất thế giới. Động thái mới nhất này thể hiện nỗ lực giữ cân bằng của Trung Quốc trước cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
UAV Mavic 3 của hãng DJI (Trung Quốc). Ảnh: Facebook.
DJI cũng là công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc ngừng làm ăn ở cả Nga và Ukraine trong bối cảnh phương Tây đã lên án và trừng phạt Nga, còn Trung Quốc chủ yếu đứng bên lề dù có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Nga.
Trong một thông cáo vào hôm 26/4/2022, DJI tuyên bố họ sẽ tạm ngừng toàn bộ các hoạt động thương mại ở Nga và Ukraine, chờ một đánh giá nội bộ về các yêu cầu tuân thủ ở các khu vực khác nhau.
Trong một tuyên bố khác, DJI nói rằng họ không bán sản phẩm của mình cho các khách hàng có kế hoạch rõ ràng sẽ sử dụng sản phẩm phục vụ mục đích quân sự hoặc sẽ chỉnh sửa sản phẩm cho mục đích quân sự, đồng thời không bao giờ chấp nhận tình trạng sử dụng bất cứ sản phẩm của họ để gây hại cho người khác.
Ngoài ra, trong một thông báo khác, phát ngôn viên khu vực châu Âu của DJI - Barbara Stelzner cho biết quan điểm của công ty là “không đưa ra tuyên bố về bất cứ quốc gia nào, mà chỉ đưa ra tuyên bố về các nguyên tắc của chúng tôi”. Bà Stelzner tỏ ra ái ngại trước thực trạng sử dụng UAV để gây hại cho người khác. Bà nói hãng của bà đang ngừng bán sản phẩm ở Nga và Ukraine nhằm bảo đảm không ai có thể sử dụng UAV của họ cho mục đích chiến đấu.
Phát ngôn viên Stelzner nói thêm: “Việc sử dụng UAV cho mục đích quân sự là đi ngược lại các nguyên tắc của chúng tôi… Quan điểm tuân thủ của chúng tôi liên quan đến nhiều khía cạnh. Một trong số đó là các luật kiểm soát xuất khẩu được áp dụng ở các khu vực địa lý khác nhau”.
Hé lộ nguyên nhân sâu xa Trung Quốc khó bỏ rơi Nga trong khủng hoảng Ukraine
VOV.VN - Giới chức Trung Quốc đang đối diện với các áp lực lớn về đối ngoại khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ khó bỏ rơi đồng minh địa chính trị Nga trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
UAV dân sự nhưng rất lợi hại trên chiến trường
Các sản phẩm chủ lực của DJI là các UAV loại nhỏ thường được sử dụng cho quay phim và chụp ảnh từ trên không.
Tuy nhiên, trên thực tế các UAV của hãng này đang được cả Nga và Ukraine sử dụng ở quy mô lớn cho việc trinh sát, phát hiện trọng pháo, bắn tỉa và phục kích.
Tháng 4/2022, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đăng các bức ảnh về UAV Mavic 3 của hãng DJV xuất hiện trên một chiếc xe tải. Ông cũng cho hay, Ukraine đã mua 2.372 chiếc UAV loại có 4 trục cánh quạt và 11 UAV quân sự trị giá 6,8 triệu USD.
Aerorozvidk – một tổ chức xã hội dân sự ủng hộ quân đội Ukraine, được cho là đã dùng các UAV dân sự để truy lùng vị trí quân Nga trong đêm trước khi dùng UAV R18 tự chế của Ukraine chở lựu đạn chống tăng thả xuống đội hình quân Nga hoặc gọi hỏa lực pháo binh thông qua liên lạc vệ tinh Starlink.
Tương tự, quân Nga đã và đang sử dụng UAV để phát hiện và tiêu diệt các hệ thống pháo binh và phòng không của Ukraine.
Khi xem xét kỹ các UAV Orlan-10 thu được của Nga, người ta phát hiện thấy các thiết bị điện tử viễn thông và định hướng của Mỹ bên các linh kiện khác do Trung Quốc sản xuất.
Ngoài ra, Ukraine cũng tố DJI đã thay đổi một số thiết bị dò tìm UAV AeroScope (loại cung cấp cho người dùng thông số về vị trí, tốc độ, độ cao và hướng của mỗi UAV của DJI trong cự ly sóng vô tuyến (48km)), cho phép các UAV do Nga điều khiển tránh được sự phát hiện của Ukraine.
UAV (còn gọi là drone) là môt ví dụ điển hình về công nghệ lưỡng dụng (có thể dùng cho các mục đích dân sự lẫn quân sự). Tính mập mờ này của công nghệ UAV giúp Trung Quốc cân bằng lợi ích của mình thông qua Nga, châu Âu, và Mỹ trong bối cảnh xung đột quân sự đang diễn ra ở châu Âu.
UAV được dùng hiệu quả ở Nagorno-Karabakh, châu Âu buộc phải tìm cách phòng thủ
Nỗ lực thích ứng của Trung Quốc
Mối đe dọa của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với DJI có thể là một nhân tố trong quyết định của công ty này tạm ngừng hoạt động của mình ở Nga và Ukraine. Các lệnh trừng phạt đó có nguy cơ dẫn tới việc các UAV do Trung Quốc sản xuất đánh mất các thị trường Mỹ và châu Âu vốn đem lại nhiều lợi nhuận hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ ra lưỡng lự trong việc chỉ trích Nga tấn công Ukraine. Nhiều công ty Trung Quốc ở Nga đã chuyển sang hoạt động âm thầm hơn hoặc giảm đến mức tối thiểu quy mô hoạt động kinh doanh thay vì ngừng hoàn toàn ngay lập tức mọi hoạt động của mình.
Nga vẫn là đối tác chiến lược hàng đầu của Trung Quốc vì mục đích cân bằng với Mỹ. Một nước Nga suy yếu do tình hình chiến sự ở Ukraine và do các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây là điều ít có lợi cho Trung Quốc. Nếu Nga mạnh, đây là sẽ nguồn gây xao lãng cho Mỹ ở châu Âu, khiến Mỹ bớt chú ý đến khu vực Thái Bình Dương. Nhưng hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ trợ giúp Nga đến mức độ nào liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine.
Giúp đỡ Nga bằng những chuyến hàng thiết bị quân sự lộ liễu có khả năng sẽ khiến Trung Quốc hứng chịu trừng phạt và bị suy giảm danh tiếng trong mắt phương Tây. Tuy nhiên, bản chất mơ hồ của các thiết bị lưỡng dụng như UAV, chất bán dẫn, và các thiết bị liên lạc cho đến nay vẫn cho phép Trung Quốc hỗ trợ Nga mà chưa bị Mỹ và phương Tây trừng phạt.
Các lệnh trừng phạt và sự cô lập quốc tế có thể đẩy Nga vào chỗ ngày càng phụ thuộc Trung Quốc. Thực tế này có thể làm Nga e ngại về khả năng trở thành bên chiếu dưới trong mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc.
Tình huống như vậy có thể buộc Nga phải đẩy nhanh các dự án nội địa để có được các công nghệ trọng yếu. Tuy nhiên, với thực trạng kinh tế hiện nay, Nga có thể không có đủ lực theo đuổi các mục tiêu công nghệ đó và họ đành chấp nhận để Trung Quốc gây ảnh hưởng.
Cuối cùng, ngoài các lý do trên, Trung Quốc hoàn toàn có thể xem bản thân là một bên độc lập trong mối quan hệ với cuộc chiến ở Ukraine./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-ngung-ban-uav-cho-nga-va-ukraine-trong-boi-canh-xung-dot-hien-nay-post941556.vov - theo vov.vn