Trao thêm quyền để TP.Thủ Đức thoát khỏi "chiếc áo chật" của cơ chế

10:34 28-12-2021

VOV.VN - Để TP.Thủ Đức thoát khỏi "chiếc áo chật", nhiều chuyên gia đề nghị TP.HCM cần phải trao thêm quyền hạn cho Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức trong lĩnh vực tài chính ngân sách, lĩnh vực đầu tư công, có quyền chủ động quyết định các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, thu hút đầu tư,...

TP.Thủ Đức – mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên trên cả nước đã đi vào hoạt động được 1 năm. Được kỳ vọng là mô hình mới, hạt nhân thúc đẩy cho TP.HCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tuy nhiên đến nay TP.Thủ Đức vẫn còn đang mặc một “chiếc áo chật" của cơ chế chưa thể bứt phá vươn lên.


TP.Thủ Đức vẫn đang mặc "chiếc áo chật" nên chưa có nhiều đột phá.
Chưa nhiều đột phá

TP.Thủ Đức được thành lập từ ngày 1/1/2021 trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi sáp nhập, TP.Thủ Đức có tổng diện tích 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người. Ông Trần Việt Trung, ngụ phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức cho biết: Bộ máy của TP.Thủ Đức hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, điều này phần nào có ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Một vấn đề mà người dân có thể cảm nhận rõ nét nhất là việc giải quyết giấy tờ thủ tục hành chính.

Ông Trung dẫn chứng: Việc giải quyết thủ tục tạm trú, tạm vắng hoặc chuyển hộ khẩu từ phường này sang phường khác vẫn còn chậm. Sau khi không còn 3 quận như trước, công việc hành chính được thực hiện tại các phường. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, cách làm vẫn còn nhiêu khê, rườm rà dẫn đến thời gian mà người dân phải chờ đợi lâu.

"Giải quyết tạm trú, tạm vắng cho người dân, nhất là những người lên đây thuê ở nhà trọ để đi làm thì những thủ tục đòi hỏi người ta hơi vô lý. Theo tôi chỉ cần mỗi căn cước công dân là biết được người ta ở đâu, cần gì phải hỏi đến giấy tờ nhà. Họ thuê nhà ở sao lại hỏi giấy tờ nhà? Vấn đề đó cần phải sửa ngay"" - ông Trung bày tỏ.

TP.Thủ Đức được đánh giá có tiềm năng nhưng đến nay, sự khác biệt về phát triển vẫn chưa rõ nét. Bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng đoàn chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết: Hiện nay, UBND TP.Thủ Đức gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nếu như áp dụng các điều kiện của một huyện cho TP.Thủ Đức thì rất khó khăn cho cán bộ trong thực thi công việc.

Nói về việc giải quyết thủ tục hành chính, bà Tuyết cho rằng, số lượng cán bộ, công chức hiện nay của TP.Thủ Đức tương đương một đơn vị hành chính cấp huyện, không thể đảm đương nổi với khối lượng công việc lớn: "Chưa kể trong công việc vừa phải gắn bó với người dân, vừa phải thực hiện song song các nhiệm vụ khác. Ví dụ, trong đợt dịch vừa rồi, trong việc nắm tình hình nhân dân, hỗ trợ kịp thời rồi xử lý các công việc liên quan đến chống dịch, nếu TP.Thủ Đức thực hiện đúng theo lộ trình sắp xếp đội ngũ cán bộ thì con số cuối cùng chốt lại sẽ không đảm bảo nhiệm vụ".


Cần có cơ chế riêng cho TP.Thủ Đức để phát triển xứng tầm với kỳ vọng.
Cần cơ chế riêng

Theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, qua nghiên cứu các quy định đang được UBND TP.HCM dự thảo để phân cấp, phân quyền cho TP.Thủ Đức thấy rằng, sự phân cấp, phân quyền cũng không được nhiều, chưa thực sự tạo được động lực giúp cho TP.Thủ Đức trong tương lai và tiến đến mục tiêu đặt ra khi thành lập. Hạn chế này là do các ràng buộc theo quy định của pháp luật hiện nay, do đó UBND TP.HCM cần đề xuất với Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách khác cho TP.Thủ Đức để không phải áp dụng các quy định của một đơn vị hành chính cấp huyện.

Ở góc độ chuyên gia, Thạc sỹ Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng bộ môn Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TP.HCM đề nghị cần phải trao thêm quyền hạn cho Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức trong lĩnh vực tài chính ngân sách, lĩnh vực đầu tư công, có quyền chủ động quyết định các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị, thu hút đầu tư…Việc tăng cường thẩm quyền cho UBND và Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức phải gắn liền với xu hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Cửu Việt – nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, để tăng thẩm quyền cho TP.Thủ Đức, cần phá bỏ tư duy hành chính và tạo ra cơ chế riêng: "Đứng về mặt hành chính hoặc một số mặt thì TP.Thủ Đức có thể thuộc TP.HCM. Nhưng nhiều mặt không nhất thiết cứ phải thuộc. Muốn TP.Thủ Đức phát triển thì phải cho cơ chế đặc biệt, làm sao đủ quyền để xây dựng và phát triển".

Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết: Sau khi TP.Thủ Đức được thành lập, UBND TP.HCM đã lập tổ công tác về nội dung xây dựng cơ chế riêng cho TP.Thủ Đức. Ngoài ra, Thành ủy TP.HCM giao nhiệm vụ cho Thành ủy TP.Thủ Đức đề xuất, tham mưu một nghị quyết riêng, trong đó nói lên vấn đề cốt lõi là các cơ chế đặc biệt, dành riêng để phát triển TP.Thủ Đức.

"Chúng ta sáp nhập 3 quận lại, quy mô rất lớn. Vì vậy cần có cơ chế phù hợp để tăng tốc và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Hy vọng TP.HCM sẽ ban hành một số nội dung phân cấp, ủy quyền dành cho TP.Thủ Đức. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ đề xuất với các cơ quan Trung ương một số nội dung vượt thẩm quyền của TP.HCM" - Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức bày tỏ quan điểm.

Nhìn lại 1 năm sau khi thành lập, TP.Thủ Đức vẫn còn rất nhiều thách thức như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa bài bản; việc kết nối giữa doanh nghiệp với các nghiên cứu khoa học còn hạn chế; môi trường đầu tư, kinh doanh không có nhiều khác biệt, chưa tạo được điểm nhấn thu hút. Để tháo gỡ, rất cần có cơ chế, chính sách riêng, tạo hành lang pháp lý cho TP.Thủ Đức phát triển./.

https://vov.vn/chinh-tri/trao-them-quyen-de-tpthu-duc-thoat-khoi-chiec-ao-chat-cua-co-che-post914327.vov - theo vov.vn