Tranh chấp ở trường Newton–Pascal: Chuyển nhượng đất thuê của Nhà nước trái luật
09:09 28-06-2022
VOV.VN - Doanh nghiệp được Nhà nước cấp đất thuê thời hạn 50 để làm dự án giáo dục, tuy nhiên các cổ đông trong doanh nghiệp đã thỏa thuận chuyển nhượng các phần diện tích đất trong dự án trái luật.
Các cổ đông thỏa thuận chuyển nhượng diện tích đất thuê của Nhà nước
Dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Pascal được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 3/8/2011. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục - TDS Việt Nam (Công ty TDS) là chủ đầu tư dự án.
Địa điểm xây dựng tại các ô đất NT, TH1, TH2 - khu đô thị mới Cổ Nhuế tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội (nay là Phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).
Diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 27.496 m2. Trong đó, ô đất NT xây dựng trường mầm non với diện tích 3.000 m2; ô đất TH2 xây dựng trường tiểu học với diện tích 12.529 m2 và ô đất TH1 xây dựng trường trung học cơ sở với diện tích 11.967 m2. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư (thời hạn giao đất, cho thuê đất thực hiện theo quy định của Luật Đất đai).
Sau quyết định của tòa án dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Pascal được chia đôi, thi hành án thực hiện việc này giữa khuôn viên trường học có một bức tường chắn ngang.
Ngày 30/6/2016, các cổ đông của Công ty TDS đã lập biên bản và lập Điều lệ Tổ chức và hoạt động của công ty, phân chia diện tích đất được giao cho 2 nhóm cổ đông của công ty để các nhóm cổ đông của Công ty TDS sử dụng đất.
Cụ thể, các cổ đông bà Lê Thị Bích Dung, bà Nguyễn Thị Minh Tín, bà Lan Anh sử dụng lô đất TH2; các cổ đông Trần Kim Phương, Nghiêm Thuận Ánh, Nghiêm Nhật Anh sử dụng lô đất TH1 và NT.
Sau đó 2 nhóm cổ đông phát sinh tranh chấp, vụ việc được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý. Trong vụ việc tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội công nhận một phần đất (lô đất TH2) của dự án đầu tư xây dựng trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal cho nhóm cổ đông thuộc một đơn vị không có tên trong giấy chứng nhận đầu tư.
Việc các cổ đông họp thống nhất phân chia sử dụng các lô đất NT, TH1, TH2 - khu đô thị Cổ Nhuế, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho các cổ đông là trái với quy định tại Điều 115, Luật Doanh nghiệp (các cổ đông không có quyền phân chia sử dụng đất của doanh nghiệp).
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TDS thừa nhận: “Vấn đề đất đai của Công ty TDS giờ mới phát hiện ra sai phạm, chúng tôi tự phân bổ cho nhau, từng nhóm một ở các ô đất. Sau đó thì tự chuyển nhượng cho nhau, sau này chúng tôi mới biết là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, chúng tôi đã hủy các hợp đồng chuyển nhượng này”.
UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo làm rõ việc quản lý đất đai ở Công ty TDS sai phạm để chấn chỉnh. Công ty TDS đang chờ đợi điều này, bà Trần Kim Phương cho biết thêm.
Vụ tranh chấp trường Newton–Pascal nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thực thi giám sát đúng đối tượng được giao đất
Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc, UBND thành phố Hà Nội cấp đất cho Công ty TDS làm dự án trường học nhưng nhóm cổ đông trong công ty lại chia nhỏ khu đất, triển khai xây dựng theo từng nhóm. Trong đó nhóm cổ đông mà bà Lê Thị Bích Dung đại diện xây dựng với tư cách một doanh nghiệp khác. Việc này trái với Điều 9 Luật Đất đai (năm 2003 tại thời điểm được cấp).
Cụ thể, trái quy định của Luật Đất đai là: “đất Nhà nước cấp cho người nào, đơn vị nào, đơn vị chủ thể đó được sử dụng đất”. Việc sử dụng đất ở đây là dự án đầu tư được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư do đó triển khai thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư. Thực tế, Công ty TDS không thực hiện theo giấy phép đầu tư, vi phạm về việc đầu tư, vi phạm Luật Đất đai về chủ thể sử dụng đất.
Liên quan việc 2 nhóm cổ đông phát sinh tranh chấp, Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã giải quyết tranh chấp. Trong bản án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm đã giao diện tích đất thuộc quyền sử dụng của Công Ty TDS được UBND thành phố Hà Nội cấp cho một chủ thể khác. Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc này trái với pháp luật vì đây là đất thuê của Nhà nước, doanh nghiệp (Công ty DTS) không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất do đó không có căn cứ để Toà án chuyển giao quyền sử dụng đất của Công ty TDS cho đơn vị khác.
“Cổ đông theo Luật Doanh nghiệp chỉ được sở hữu cổ phần và được tham gia vào việc lập các phương án kinh doanh và điều hành doanh nghiệp, họ không có quyền chia quyền sử dụng đất, cổ đông thỏa thuận chia đất là trái với quy định của pháp luật, theo quy định của bộ Luật Dân sự là bị vô hiệu vì vi phạm điều cấm. Trực tiếp sử dụng đất phải là Công ty TDS được cấp đất theo giấy phép đầu tư và thực hiện đúng theo giấy phép đầu tư. Trường hợp muốn thay đổi mục đích sử dụng đất, chủ thể sử dụng đất phải đề nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Việc giao đất cho chủ thể không được cấp theo giấy chứng nhận đầu tư là trái với Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp và trái quy định của bộ Luật Dân sự” - luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Câu chuyện về việc giám sát của UBND cấp phường, quận và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong việc sử dụng đất được đặt ra, vụ tranh chấp tại trường Pascal đã diễn ra nhiều năm nhưng không cơ quan nào giám sát việc sử dụng đất đúng chủ thể được giao theo giấy phép đầu tư của UBND thành phố. Điều này khiến các tranh chấp, sai phạm ở dự án diễn biến phức tạp. Mục tiêu của dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia, theo mô hình giao dục chất lượng cao, áp dụng phương pháp giáo dục quốc tế đề ra sẽ khó thực hiện?
Việc giám sát của các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn với dự án đầu tư xây dựng trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Pascal được thực hiện như thế nào? Vì sao để việc chuyển nhượng đất cấp làm dự án trái pháp luật, VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin.
https://vov.vn/kinh-te/tranh-chap-o-truong-newton-pascal-chuyen-nhuong-dat-thue-cua-nha-nuoc-trai-luat-post953062.vov - theo vov.vn