Tình thế nguy hiểm đối với Ukraine khi thiết lập đầu cầu đổ bộ qua sông Dnipro
08:31 31-10-2023
VOV.VN - Ukraine đang đối mặt với tình thế nguy hiểm khi vượt sông Dnipro để thiết lập đầu cầu đổ bộ tại khu vực Krynky nằm ở tả ngạn con sông hiện do Nga kiểm soát.
Mục đích của Kiev khi thiết lập đầu cầu đổ bộ tại Krynky
Sau 4 tháng rưỡi tiến hành cuộc phản công, vào ngày 19/10, các binh sỹ Ukraine thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 38 đã vượt sông Dnipro và thiết lập đầu cầu đổ bộ tại Krynky. Krynky là một khu định cư nhỏ thuộc vùng Kherson, nằm ở tả ngạn sông Dnipro, do Nga kiểm soát.
Các lực lượng Ukraine đã nhiều lần vượt sông để tiến hành các cuộc đột kích kể từ khi kiểm soát phía bắc Kherson nằm ở hữu ngạn con sông vào cuối năm 2022. Thông thường, quân đội Ukraine sẽ cố gắng bắn hạ các binh sỹ Nga hoặc gây ra một số thiệt hại cho các căn cứ của Moscow ở phía đối diện con sông, rồi nhanh chóng rút khi khi pháo binh và máy bay không người lái của Nga tấn công đáp trả.
Nhưng cuộc đột kích lần này rất khác biệt. Binh sỹ Ukraine không những không rút đi mà họ còn cố gắng thiết lập đầu cầu đổ bộ ở Krynky và mở rộng quyền kiểm soát dọc theo khu định cư dài gần 6km.
Một lính thủy đánh bộ Nga thuộc Lữ đoàn cận vệ 810 cho biết, tình hình của lực lượng Nga “rất khó khăn”. “Người Ukraine liên tục pháo kích chúng tôi, sử dụng bom chùm và đặc biệt là máy bay không người lái mang chất nổ ngăn chặn việc vận chuyển các binh sỹ bị thương hoặc cung cấp đạn dược”.
Việc thiết lập đầu cầu đổ bộ tại Krynky có thể giúp các lực lượng Ukraine nhanh chóng vượt sông với số lượng lớn, mang theo trang thiết bị hạng nặng và mở ra một mặt trận mới cho cuộc phản công đang diễn ra ở khu vực phía Nam. Nhưng hành động này rất mạo hiểm. Họ dễ bị đối phương pháo kích, không kích, thậm chí đáp trả bằng các phương tiện cơ giới. Các lực lượng Ukraine chỉ có thể tạm thời an toàn khi họ đưa được những trang thiết bị hạng nặng vượt qua sông, mở rộng ranh giới và bổ sung hỏa lực phòng thủ.
Dù các đơn vị bộ binh của Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 38 của Ukraine đã vượt sông những vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ mang theo xe bọc thép, hệ thống phòng không và các thiết bị kỹ thuật.
“Đội Tình báo Xung đột” (CIT) - một tổ chức điều tra độc lập có nguồn gốc tại Nga cho rằng: “Việc cố gắng đạt được những tiến bộ đáng kể mà không có sự hỗ trợ của thiết giáp sẽ rất khó thành công, đặc biệt là trong hoàn cảnh đối phương có thể dễ dàng triển khai xe bọc thép tấn công”. Điều này đồng nghĩa với việc quân đội Nga vẫn còn thời gian để tấn công và phá hủy đầu cầu đổ bộ của Ukraine.
Vậy điều gì khiến quân đội Ukraine phải tìm mọi cách vượt sông Dnipro để tràn sang bờ bên kia với một số lượng lớn binh sỹ và thiết bị? Tại sao họ phải lựa chọn khu vực gần Krinky. Lý giải điều này, giới phân tích cho rằng, việc tiến về phía Nam từ Krinky sẽ giúp Ukraine bao vây và cô lập một số trung đoàn Nga ở xung quanh cửa sông Dnipro, đưa các lực lượng Ukraine đến ngay trước ngưỡng cửa bán đảo Crimea.
Tình thế nguy hiểm đối với Ukraine
Nhưng quá trình vượt sông rất nguy hiểm. Ông Roman Kostenko – một thành viên của Quốc hội Ukraine cho biết, vượt sông là một thách thức đặc biệt: “Đây là hoạt động phức tạp, liên quan đến việc thiết lập cầu tạm, di chuyển nhân lực và thiết bị. Những cây cầu này chỉ có thể tồn tại trong khoảng thời gian chưa đến 40 phút. Sông Dnipro rất rộng lớn. Tại điểm hẹp nhất, chiều ngang cũng vào khoảng 300m. Chúng tôi hiểu rằng tình hình rất khó khăn”.
Chưa kể, có rất nhiều thách thức lớn ở tả ngạn con sông. “Về cơ bản, nếu không tính đến các hòn đảo thì dọc con sông có rất nhiều vùng đầm lầy, chẳng hạn như Dachi. Chúng tôi không thể đi bộ tới đó vì mọi thứ đều chìm trong nước. Đây là lối vào vùng tả ngạn, kéo dài khoảng vài km”.
Natalia Humeniuk, Người phát ngôn Bộ Chỉ huy chiến dịch phía Nam của Ukraine, cho biết đã có nhiều cuộc giao tranh diễn ra ở tả ngạn con sông. Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục đẩy lùi các đơn vị Nga bằng chiến thuật tác chiến phản pháo. “Đối phương đã có thời gian dài xây dựng thành lũy. Họ rất cơ động và tiếp tục ẩn nấp phía sau các khu vực dân sự. Đo là lý do tại sao hoạt động tác chiến sẽ kéo dài”.
Nếu Ukraine thành công trong việc lắp đặt cầu phao, đưa xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các phương tiện băng qua sông Dnipro vào đầu cầu Krinky thì họ có thể thiết lập được chỗ đứng vững chắc ở tả ngạn con sông.
Nga chỉ có một số đơn vị nhỏ đồn trú tại khu định cư Krinky, trong khi việc điều quân tiếp viện rất khó khăn. Các lực lượng Nga đang phải dàn trải trên nhiều mặt trận. Các lữ đoàn và trung đoàn của Moscow không chỉ chống lại cuộc phản công của Ukraine dọc theo các trục ở miền Nam và miền Đông Ukraine, mà còn đang tiến hành cuộc tấn công ở phía Đông, xung quanh thị trấn chiến lược Avdiivka và khu rừng nằm gần thị trấn Kreminna.
Đặc biệt, các cuộc giao tranh tại Avdiivka vô cùng ác liệt, khiến cả Nga và Ukraine thiệt hại nặng nề về binh lực và vật lực. Một số nhà phân tích cho rằng, Moscow không chỉ mất nhiều binh sỹ và phương tiện trong các trận đánh ở khu vực này mà họ còn đang đánh mất cơ hội. Đó là cơ hội triển khai lực lượng tương tự thực hiện một số nhiệm vụ khác, chẳng hạn như phá hủy đầu cầu đổ bộ của Ukraine tại Krynky.
Lý do duy nhất để Điện Kremlin hy vọng sẽ giành lợi thế ở Krynky là các lực lượng Ukraine cũng đang phải chịu áp lực rất lớn khi họ nỗ lực duy trì cuộc phản công song song với việc giữ vững Avdiivka.
Theo đánh giá của “Đội Tình báo Xung đột” (CIT), gần 2 năm sau khi xung đột nổ ra, cả Nga và Ukraine hiện đang có tương quan lực lượng gần như ngang bằng nhau và không bên nào có ưu thế vượt trội để tạo ra một bước đột phá toàn diện”. Ukraine nhiều khả năng sẽ không đánh đổi Krynky hoặc một số khu vực khác để bảo vệ đến cùng thị trấn Avdiivka – vốn nằm gần thành phố Donetsk và nằm giữa 3 mũi tấn công của Nga. Nếu lữ đoàn thủy quân lục chiến 38 cố gắng giữ vững và mở rộng đầu cầu đổ bộ ở Krynky, thì họ có thể sẽ không quá mạo hiểm dấn thân vào các cuộc giao tranh triền miên tại Avdiivka, CIT lưu ý.