Tiêm kích Thụy Điển có giúp Ukraine duy trì sức chiến đấu trước Nga?

08:27 07-02-2023

VOV.VN - Ukraine có nguồn lực hạn chế và phải bố trí phân tán máy bay chiến đấu để tránh rủi ro từ các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Theo một think tank của Anh, cho đến nay Gripen được coi là "ứng viên phù hợp nhất khi xét tới các điều kiện hoạt động" của quân đội Kiev.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã diễn ra gần tròn 1 năm. Có một thực tế là các tiêm kích MiG-29 và Su-27 của Không quân Ukraine vẫn không thể "qua mặt" được radar và hệ thống vũ khí hiện đại được trang bị cho các máy bay chiến đấu Su-30SM, Su-35S và MiG-31BM của Nga. Trong khi một số quốc gia hỗ trợ Ukraine các máy bay chiến đấu thời Liên Xô để bù đắp tổn thất thì số lượng này đang cạn kiệt nhanh chóng. Dù sớm hay muộn, Ukraine sẽ phải tìm kiếm những chiến đấu cơ mới.

Hiện nay, 2 tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Mỹ và tiêm kích chiến thuật một động cơ Saab JAS 39 Gripen-C của Thụy Điển được cho là phù hợp với Ukraine khi có chi phí phù hợp và có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết lạnh giá cũng như không có quá nhiều yêu cầu về bảo trì.


Tiêm kích JAS 39 Gripen E của Thụy Điển trên Biển Baltic năm 2022. Ảnh: Reuters
Trên thực tế, Ukraine có nguồn lực hạn chế và phải phân tán việc bố trí máy bay chiến đấu để tránh rủi ro từ các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Theo một think tank của Anh, cho đến nay Gripen được coi là "ứng viên phù hợp nhất về các điều kiện hoạt động".

Hồi tháng 12/2022, Kiev đã yêu cầu các tiêm kích Gripen-C từ Thụy Điển nhưng chỉ nhận được một lời từ chối lịch sự.

Sức mạnh của JAS-39 Gripen

Thụy Điển - quốc gia chỉ với 10,4 triệu dân đã thiết kế và sản xuất các máy bay chiến đấu hiện đại JAS-39 Gripen từ những năm 1940.

Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển có lập trường trung lập nhưng được cho là nghiêng về phương Tây và nước này lo ngại trở thành mục tiêu của Liên Xô. Chứng kiến các tiêm kích của Israel phá hủy lực lượng không quân Arab trong cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967, vào những năm 1970, Stockholm đã tìm cách thực hiện học thuyết Bas 90 mà theo đó không quân có thể phân tán khắp 200 căn cứ không quân vệ tinh và thậm chí trên đường cao tốc. Điều này sẽ ngăn cản sự phá hủy trên mặt đất bằng tên lửa và bom của Liên Xô, cho phép lực lượng không quân cầm cự.

Để hỗ trợ Bas 90, Stockholm muốn một tiêm kích có tốc độ Mach 2 mới có thể chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát. Việc cung cấp ngân sách để phát triển JAS 39 đối mặt với sự chia rẽ chính trị sâu sắc nhưng Quốc hội Thụy Điển đã thông qua dự án này với tỷ lệ sít sao vào năm 1982 - 1983. 4 năm sau, tiêm kích Gripen đã thực hiện chuyến bay đầu tiên. Tiêm kích hạng nhẹ 1 động cơ này có nhiều điểm chung với F16 của Mỹ, kết họp giữa một khung máy bay linh hoạt nhưng kém ổn định với hệ thống kiểm soát bay bằng máy tính để hỗ trợ nó. Dù vậy, Gripen nặng bằng 3/4 trọng lượng của F-16 và tiết diện chống phản xạ radar nhỏ hơn.


Tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ cất cánh từ Căn cứ Không quân Aviano ở Italy. Ảnh: Không quân Mỹ
Gripen sử dụng động cơ Volvo RM-12 dựa trên động cơ tuabin phản lực cánh quạt F404 được sử dụng trên tiêm kích Hornet của Hải quân Mỹ với cánh quạt được thiết kế lại để hạn chế phản xạ radar và rủi ro chim tấn công cũng như hạn chế việc phải tháo rời khi bảo trì.

Ngoài ra, nó cũng được trang bị bộ nguồn phụ và hệ thống tự chẩn đoán kỹ thuật số để các kỹ thuật viên bảo trì từ xa. Về đạn dược, JAS-39 được trang bị 1 pháo Mauser 27mm trong thân máy bay, có khả năng mang 6 tên lửa lớn cũng như 2 tên lửa tầm ngắn.

Hệ thống radar PS-05/A của nó có thể theo dõi các mục tiêu trên không và trên mặt đất, đồng thời chống nhiễu và dẫn đường cho 4 tên lửa AIM-120 nhắm vào các mục tiêu cùng lúc. Các thiết bị điện tử khác gồm hệ thống định hướng quán tính laser vòng, thiết bị nhận cảnh báo radar có thể được sử dụng để chuyển hướng các cuộc tấn công.

Không quân Thụy Điển ban đầu đặt hàng 204 tiêm kích JAS-39 nhưng do thiếu đạn pháo và nhiên liệu nên con số này giảm xuống còn 100. Ngoài ra, Cộng hòa Séc và Hungary mỗi nước cũng đang vận hành 14 tiêm kích Gripen theo hợp đồng cho thuê. Ngoài ra, Brazil đang có kế hoạch đặt 26 tiêm kích này, Nam Phi đang vận hành 26 tiêm kích và Thái Lan mua 12 tiêm kích nhưng mất 1 tiêm kích trong một vụ tai nạn.

Cho tới nay, các vũ khí của Mỹ, châu Âu, Israel và Thụy Điển có thể tích hợp với tiêm kích JAS-39 Gripen bao gồm:

- Tên lửa không đối không tầm ngắn Sidewinder, Darter, IRIS-T, ASRAAM và Python 4.

- Tên lửa không đối không có radar dẫn đường tầm xa và tầm trung Meteor, MICA, Skyflash và AIM-120.

- Tên lửa không đối đất Maverick và tên lửa chống hạm RBS-15F.

- Bom dẫn đường GPS và Bom dẫn đường laser đường kính nhỏ.

- Tên lửa hành trình KEPD-350 Taurus…

Khả năng hỗ trợ Ukraine

Các máy bay chiến đấu Gripen-C/D được cho là sẽ hỗ trợ khả năng chiến đấu của Ukraine nhờ hệ thống radar và sự tương thích với tên lửa tầm xa AIM-120 và Meteor. Ngoài ra, khả năng tối ưu hóa của Gripen từ các căn cứ phân tán và đường bay ngắn, quá trình bảo trì đơn giản và chi phí vận hành thấp khiến nó trở thành một ứng viên hoàn hảo cho Không quân Ukraine.


Phi công Thụy Điển trên tiêm kích JAS-39C Gripen ở Căn cứ Không quân Nellis, Nevada. Ảnh: Không quân Mỹ
Tuy nhiên, có một trở ngại lớn trong việc hỗ trợ tiêm kích Gripen-C cho Ukraine là số lượng tiêm kích này không nhiều trong khi Ukraine cần tới 84 tiêm kích Gripen cho các nhiệm vụ. Ngoài ra, Thụy Điển vẫn chưa trở thành một phần của NATO và việc cung cấp tiêm kích Gripen cho Ukraine hiện là điều hoàn toàn không thể nghĩ tới ở nước này./.

https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/tiem-kich-thuy-dien-co-giup-ukraine-duy-tri-suc-chien-dau-truoc-nga-post1000094.vov - theo vov.vn