Thượng đỉnh Mỹ-Trung sẽ là ván cược lớn của Tổng thống Biden
10:31 25-06-2021
VOV.VN - Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneve (Thụy Sỹ) kết thúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý của ông đang hướng tới một cuộc gặp khác với sự đặt cược cao hơn: cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo có thể gặp gỡ trong thời gian tới, nhiều khả năng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome vào cuối tháng 10/2021. Ngoài ra, Mỹ cũng để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc gặp riêng nếu Trung Quốc đồng ý, hoặc một cuộc điện đàm. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Câu hỏi hiện giờ là về thời gian và cách thức”.
Tổng thống Biden. Ảnh: AP
Trung Quốc luôn quan tâm đến lập trường và chính sách đối ngoại của nhà lãnh đạo Mỹ. Vào thời điểm Tổng thống Biden gặp Tổng thống Putin, Bắc Kinh đã theo dõi sát sao những gì diễn ra trong cuộc đối thoại nhờ thông tin cung cấp từ phía Nga. Khi Đại sứ Nga tại Mỹ trở lại Washington trong tuần này để thực hiện nhiệm vụ theo thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo hai nước, một trong những kế hoạch đầu tiên của ông là trả lời các câu hỏi của người đồng cấp Trung Quốc về thượng đỉnh Biden-Putin.
Về phần mình, Tổng thống Biden cùng các cố vấn của ông tin rằng, những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, khiến một cuộc gặp gỡ trực tiếp trở thành điều bắt buộc.
Khởi đầu đầy sóng gió
Các cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden đã có một khởi đầu đầy sóng gió. Cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao hai nước tại Alaska hồi tháng 3 vừa qua đã nhanh chóng biến thành màn khẩu chiến gay gắt khi hai bên liên tiếp đưa ra những tuyên bố “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Điều này cho thấy mức độ ngờ vực sâu sắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quan hệ giữa hai nước đến nay vẫn chưa được cải thiện. Những câu hỏi mới về nguồn gốc dịch Covid-19 cùng cáo buộc Trung Quốc không sẵn sàng hợp tác để tiến hành cuộc điều tra đầy đủ và toàn diện về nguồn gốc dịch bệnh, đã khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Tuy vậy, Tổng thống Biden vẫn tin tưởng, sức mạnh của các mối quan hệ cá nhân sẽ giúp thúc đẩy những mối quan hệ quốc tế. Giống như cuộc gặp nhà lãnh đạo Nga, ông Biden cho rằng, việc đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình có thể giúp ổn định quan hệ song phương theo cách mà một cuộc điện đàm không thể tạo ra được.
“Không gì có thể thay thế được một cuộc gặp “mặt đối mặt” giữa các nhà lãnh đạo”, ông Biden phát biểu tại Geneva sau thượng đỉnh Nga-Mỹ.
Một số quan chức Mỹ cho biết, mục tiêu của Tổng thống Biden trong cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tương tự như mục tiêu mà ông đặt ra trong cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng với nhà lãnh đạo Nga tại Thụy Sỹ ngày 16/6, bao gồm: phá băng, thăm dò lập trường đối phương và mở ra các kênh liên lạc. Các quan chức Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập giới hạn trong quan hệ với Trung Quốc, giống như việc Tổng thống Biden đưa ra các giới hạn trong cuộc gặp Tổng thống Putin.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden dự kiến sẽ huy động đồng minh ủng hộ cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc, tương tự như việc ông tham vấn ý kiến các nước phương Tây tại thượng đỉnh G7 và thượng đỉnh NATO trước cuộc gặp Tổng thống Putin.
Hiện, các quan chức Mỹ đang tích cực làm việc để sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa các lãnh đạo thuộc nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) vào mùa Thu, trước thời điểm diễn ra cuộc gặp tiềm năng giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Mỹ để ngỏ khả năng Tổng thống Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Ván cược lớn
Dù có cách tiếp cận giống Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ, nhưng Tổng thống Biden vẫn coi cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là một ván cược lớn hơn. Trong khi căng thẳng giữa Nga và Mỹ chủ yếu xoay quanh vấn đề nhân quyền và an ninh mạng thì căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trải rộng trên nhiều lĩnh vực hơn. Chiến tranh thương mại, cuộc điều tra nguồn gốc bệnh Covid-19, cạnh tranh sức mạnh quân sự, vấn đề Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông đã đặt hai nước vào thế đối đầu gay gắt. Nếu Tổng thống Biden coi Nga là mối đe dọa lâu dài đối với sự ổn định của Mỹ thì ông coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”.
Kể từ khi nhậm chức, ông Biden chỉ có duy nhất một cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình vào tháng 2/2021. Trong cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ đồng hồ này, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo, sẽ là một sai lầm đối với Trung Quốc để dự đoán rằng nước Mỹ sắp sụp đổ, dựa trên những vụ việc như vụ tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1.
Tổng thống Biden lập luận rằng, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ là cách thức tốt nhất để Mỹ duy trì ảnh hưởng của nước này ở bên ngoài. Theo quan điểm của chính quyền Biden, những thành công trong nước là yếu tố quan trọng nhất để khẳng định vai trò Mỹ trên trường quốc tế và tập hợp sức mạnh của các đồng minh phương Tây.
Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tuần trước. Trong các cuộc hội đàm tại Anh và Bỉ, Tổng thống Biden hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lập trường cứng rắn hơn với cách hành xử của Bắc Kinh. Dù vấp phải sự phản đối của một số đồng minh như Đức và Italy, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn thành công trong việc đưa vấn đề Trung Quốc vào chương trình nghị sự theo những cách chưa từng có trước đó.
Kết quả thu được tại các hội nghị nói trên được cho là một thành công lớn của ông Biden – người đang cố gắng tập hợp các đồng minh và đối tác ngoại giao để chống lại những gì mà Washington coi là mối đe dọa lớn nhất đối với thương mại, công nghệ và các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược khác.
Giới phân tích cho rằng, bất chấp những hoài nghi và mâu thuẫn, Tổng thống Biden vẫn có lợi thế nhất định khi bước vào cuộc đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình: Ông đã có thời gian làm việc với đội ngũ của ông Tập Cận Bình nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo đương nhiệm nào khác trên thế giới. Dù vậy, hai người vẫn chưa tạo dựng một mối quan hệ thân thiết.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, ông Biden từng nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình không có “cái xương dân chủ trong người”. Và trong chuyến công du châu Âu tuần trước, ông đã tìm cách bác bỏ những đồn đoán cho rằng ông có quan hệ cá nhân thân thiết với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
“Nói một cách thẳng thắn. Chúng tôi biết nhau rất rõ nhưng chúng tôi không phải là những người bạn cũ. Đó chỉ đơn thuần là công việc”, Tổng thống Biden cho biết khi được hỏi về quan hệ giữa ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thuong-dinh-my-trung-se-la-van-cuoc-lon-cua-tong-thong-biden-868699.vov - theo vov.vn