Thông điệp mạnh mẽ Mỹ và đồng minh gửi tới Nga đằng sau cuộc tập trận Sea Breeze
11:39 05-07-2021
VOV.VN - Sea Breeze 2021 là cuộc tập trận lớn nhất do Mỹ và Ukraine tổ chức với 32 nước tham gia nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và phương Tây không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cuộc tập trận Sea Breeze do Mỹ và Ukraine tổ chức với 32 nước cùng tham gia, bao gồm cả những nước xa xôi như Australia, đang diễn ra ở Biển Đen và các khu vực xung quanh, đánh dấu sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa NATO và Nga.
Trực thăng tham gia cuộc tập trận Sea Breeze ở khu vực Mykolayiv của Ukraine ngày 30/6. Ảnh: Reuters
Những căng thẳng này được thể hiện hồi tháng trước, khi tàu khu trục Anh HMS Defender đi qua vùng biển ngoài khơi Bán đảo Crimea. Nga đã sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 và coi các khu vực xung quanh bờ biển Bán đảo là vùng biển của mình, trong khi các nước phương Tây cho rằng Crimea là một phần của Ukraine và bác bỏ các tuyên bố của Nga đối với các vùng biển xung quanh Bán đảo. Các máy bay Nga đã phản ứng trước động thái của tàu chiến này. Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã bắn cảnh báo và thả bom trên đường di chuyển của con tàu song phía Anh đã phủ nhận các hành động trên của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi đây là một động thái khiêu khích của Anh và Mỹ, đồng thời nhận định Nga lẽ ra có thể đánh chìm con tàu và điều đó sẽ không dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới "bởi đối phương biết họ không thể chiến thắng".
Thông điệp cuộc tập trận Sea Breeze
Các cuộc tập trận quân sự của NATO và đồng minh được những nước tham gia cho là nhằm để tự vệ và huấn luyện khả năng tương tác giữa các lực lượng khác nhau. Tuy nhiên, bất kỳ cuộc tập trận trên quy mô lớn nào gần biên giới của đối thủ đều gửi đi một thông điệp địa chính trị và trong trường hợp này, theo nhà quan sát Robyn Dixon nhận định trên Washington Post, đó là NATO "sẽ không cho phép một số khu vực của Biển Đen trở thành 'ao nhà' của Nga". Cuộc tập trận trên cũng được tiến hành nhằm thể hiện sự ủng hộ của phương Tây với Ukraine trong bối cảnh xung đột ở miền đông nước này giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai thân Nga vẫn chưa có hồi kết.
"Chúng tôi đang thể hiện với thế giới rằng Biển Đen là một vùng biển quốc tế. Đây là một vùng biển mở mà các hoạt động đi lại của tàu thuyền đều có thể diễn ra tự do với tất cả các quốc gia và nó không thuộc sở hữu của bất kỳ quốc gia nào", Phó chỉ huy trưởng Kyle Gantt thuộc Lực lượng Tác chiến 65 - đội tàu chiến tàu khu trục của Hải quân Mỹ ở châu Âu cho hay.
Hồi tháng 4, quân đội Nga thông báo, nước này sẽ chặn các tàu nước ngoài ở cả 3 nhánh của Biển Đen gần Bán đảo Crimea cho tới tháng 10.
Cuộc tập trận Sea Breeze năm nay có gì khác biệt?
Đây là cuộc tập trận lớn nhất của các nước phương Tây. Năm 2019, 19 nước và 32 tàu thuyền từ các nước thành viên NATO, các nước đồng minh châu Âu và một số quốc gia khác tham gia. Năm nay, số lượng các quốc gia tăng lên 32 trong khi số tàu chiến cũng tăng lên 40, trong số đó có cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia tham gia. Quy mô và tầm cỡ cuộc tập trận năm nay được cho là nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga.
Cuộc tập trận Sea Breeze diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang, không chỉ bởi vì sự kiện tàu HMS Defender trên Biển Đen. Vào tháng 3 và tháng 4/2021, Nga đã triển khai ít nhất 100.000 binh lính tới biên giới với Ukraine, điều động xe tăng và các trang thiết bị quân sự trên khắp đất nước. Nga gọi đây là một cuộc tập trận quân sự nhanh nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, theo các quan chức quân sự Ukraine và phương Tây, nhiều binh lính Nga vẫn ở khu vực này sau cuộc tập trận.
Tính toán lại quan hệ với Nga, Pháp – Đức đang nghĩ cho “đại cục” của châu Âu?
Phản ứng của Nga
Nga thường gọi các cuộc tập trận của NATO là động thái "chống Nga". Moscow cũng cho rằng Washington đang cố gắng biến Biển Đen thành một khu vực quân sự "bên miệng hố chiến tranh". Trong phiên hỏi đáp trực tiếp ngày 30/6, Tổng thống Putin nhận định, NATO sử dụng các cuộc tập trận như Sea Breeze để triển khai các trang thiết bị quân sự ở Ukraine, điều mà Nga cho là một mối đe dọa an ninh trực tiếp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi cuộc tập trận Sea Breeze là một cuộc diễn tập phô trương sức mạnh mang tính khiêu khích.
Nga đã phản ứng với cuộc tập trận Sea Breeze bằng việc phô diễn lực lượng, thử hệ thống phòng không ở Crimea, triển khai 20 chiến đấu cơ và trực thăng, trong đó có các máy bay ném bom Su-24M cùng với các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và Pantsir.
Mới đây, ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga, theo đó vạch ra "những biện pháp đối xứng và bất đối xứng" nhằm phản ứng trước "những hành động không thân thiện của nước ngoài đe dọa đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga". Nga cũng cam kết sẽ sử dụng các phương tiện chính trị và ngoại giao để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế và quốc gia.
Điểm bùng phát xung đột
NATO có kế hoạch tiến hành 95 cuộc tập trận vào năm 2021 với 37 cuộc tập trận trong số đó diễn ra cùng các đối tác của NATO. Các thành viên NATO sẽ tiến hành 220 cuộc tập trận quốc gia và đa quốc gia. Cuộc tập trận Defender Europe 21 diễn ra hồi tháng 5 ghi nhận sự tham gia của 26 quốc gia và 28.000 binh lính.
Nga cũng sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chiến lược lớn mang tên Zapad 2021 vào tháng 9 tới với Belarus. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hồi tháng trước rằng điện Kremlin sẽ theo dõi các cuộc tập trận Sea Breeze và "nếu cần thiết, sẽ phản ứng phù hợp nếu tình hình leo thang, nhằm đảm bảo an ninh quân sự của Nga".
Tất cả các bên đều tổ chức các cuộc tập trận quân sự mặc dù mỗi bên đều cảm thấy bất an khi đối phương tăng cường các chiến dịch huấn luyện quan trọng gần biên giới của mình. Càng nhiều cuộc tập trận căng thẳng diễn ra ở khu vực biên giới bị quân sự hóa thì nguy cơ hiểu lầm dẫn tới một cuộc xung đột ngày càng gia tăng.
Biển Đen từ lâu đã là một điểm nóng căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Cuộc khủng hoảng Ukraine biến khu vực này gia tăng nguy cơ trở thành điểm bùng phát xung đột. Theo học giả cấp cao Mark Simakovsky tại Hội đồng Đại Tây Dương, Biển Đen là một trong những khu vực "tạo nên nguy cơ bùng nổ căng thẳng giữa Mỹ và Nga". Chuyên gia này cũng cho rằng hai bên đều "rất lo ngại và quan tâm" đến nguy cơ này nhưng cả hai đều từ chối "xuống thang" trước.
Một quan chức NATO nhận định với Newsweek rằng các quốc gia trong liên minh này sẽ không thay đổi các chiến dịch của mình bất chấp sự phản đối từ phía Nga.
Tiến hành các chiến dịch ở Biển Đen là một cách để Mỹ và đồng minh gây sức ép với những tham vọng địa chính trị của Nga. Biển Đen là trung tâm trao đổi dầu và khí đốt của Nga, cũng như là tuyến đường chính cho các kế hoạch quân sự của Nga ở Địa Trung Hải, các vùng biển quanh châu Âu, châu Phi và các bờ biển Trung Đông.
Diễn biến tình hình hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào Nga và phương Tây. Nhà quan sát Simakovsky đã gọi đây là "điệu nhảy quân sự, chính trị và ngoại giao điển hình" giữa Nga và Mỹ. Trong khi Tổng thống Putin muốn ngăn chặn sự lấn tới của phương Tây và bảo vệ phạm vi ảnh hưởng của Nga thì Mỹ và các đồng minh NATO muốn thể hiện sự ủng hộ Ukraine và một Biển Đen tự do đi lại.
Việc Nga diễn tập gần các tàu chiến của NATO theo ông Simakovsky là điều không bình thường và không được phương Tây hoan nghênh nhưng "cả hai đều hiểu được điều họ muốn từ việc này"./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thong-diep-manh-me-my-va-dong-minh-gui-toi-nga-dang-sau-cuoc-tap-tran-sea-breeze-871195.vov - theo vov.vn