Thời gian đứng về phía Nga, Phương Tây có giúp Ukraine xoay chuyển tình thế?
08:55 02-03-2023
VOV.VN - Một số quan điểm ở phương Tây cho rằng Mỹ và đồng minh nên tăng cường vận chuyển xe tăng và phá vỡ những giới hạn về vũ khí với Ukraine để hỗ trợ Kiev tạo đột phá trên chiến trường khi thời gian đang đứng về phía Nga.
Thời gian đang đứng về phía Nga
Chuyến thăm bất ngờ tới Kiev của Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý nghĩa biểu tượng về mặt ngoại giao. Những tuyên bố của ông về sự ủng hộ cho Ukraine rất mạnh mẽ nhưng cũng đặt ra câu hỏi về chiến lược của phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Chuyên gia quân sự Lawrence Freedman nhận định, một câu hỏi đương nhiên được đặt ra nhân thời điểm tròn 1 năm xung đột là liệu có tiếp tục “có thêm năm thứ hai hoặc thậm chí năm thứ ba hay không". Ông cho rằng, điều này phụ thuộc vào những lựa chọn mà Mỹ và đồng minh sẽ đưa ra hiện nay.
Nhà quan sát William A. Galston đánh giá trên Wall Street Journal, Nga đặt cược thời gian đang đứng về phía họ. Moscow đang tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược để phục vụ quân đội chiến đấu ở Ukraine. Nga cũng tăng cường gần gấp đôi quân số, đủ để tấn công vào các vị trí của Ukraine và thu về thành quả.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã bác bỏ những nhận định cho rằng Moscow đang cạn kiệt vũ khí và đạn dược, đồng thời cho biết nước này đang tháo rời vũ khí phương Tây để "biến kinh nghiệm của đối phương thành lợi thế của mình". Theo ông Medvedev, các nhà máy vũ khí đang "làm việc ngày đêm" để tạo ra "những công nghệ mới nhất". Ông cho biết, việc sản xuất vũ khí trong nhiều nhà máy của Nga đã "tăng gấp 10 lần".
Trong khi đó, bài phát biểu ngày 21/2 của Tổng thống Putin trước Quốc hội Liên bang Nga được cho là nhằm chuẩn bị cho người dân nước này trước thực tế cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định nỗ lực của phương Tây nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Nga đã thất bại, đồng rúp vẫn giữ ổn định, kinh tế tăng trưởng trở lại và Moscow không cần "lựa chọn giữa súng và bơ". Tổng thống Putin cũng cho biết Nga sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho tới khi đạt được mục tiêu dù có kéo dài bao lâu.
Thông điệp từ Ukraine tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 lại rất khác. Họ không tự tin rằng thời gian đang đứng về phía mình và không muốn một cuộc xung đột kéo dài. Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul đã tóm tắt quan điểm của họ như sau:
"Họ (Ukraine - ND) muốn xung đột kết thúc sớm nhất có thể. Xung đột càng kéo dài, càng nhiều người Ukraine phải chết. Họ lo ngại rằng, cuối cùng họ sẽ không có đủ binh lính để chiến đấu trong cuộc xung đột kéo dài trước một nước Nga đông dân hơn. Họ muốn nhiều vũ khí hiện đại hơn được vận chuyển nhanh nhất có thể để giành chiến thắng trong năm nay. Tổng thống Zelensky đã tổng kết điều đó trong bài phát biểu tại hội nghị bằng câu nói: Chúng ta cần phải nhanh lên".
Phương Tây có sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn?
Các chuyên gia quốc phòng hàng đầu và một số cựu quan chức ngoại giao phương Tây cho rằng Tổng thống Zelensky đã đúng. Trong một bài báo gần đây trên Foreign Affairs, 2 cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine là John Herbst và William Taylor, cùng cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao David J. Kramer đã hối thúc phương Tây đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ Ukraine. Họ cho rằng Mỹ nên hợp tác với các đồng minh để tăng cường vận chuyển xe tăng hạng nặng hiện đại cho Kiev, động thái được đánh giá là có thể phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga.
Các tác giả trên cũng hối thúc phương Tây mở rộng các loại vũ khí hỗ trợ cho Ukraine. Họ cho rằng, nếu cần thiết, chính quyền Tổng thống Biden nên vượt qua sự do dự để cung cấp cho Kiev Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa và máy bay chiến đấu tiến tiến, trong đó có F-16. Theo đó, ATACMS có thể nhắm trúng mục tiêu cách xa 300km, khiến cho Nga không thể thiết lập các trung tâm hậu cần phía sau tiền tuyến mà trước đó vũ khí Ukraine không vươn tới được. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu sẽ cho phép Ukraine hỗ trợ trên không cho các lực lượng mặt đất và chia cắt hành lang trên đất liền của Nga tới Crimea.
Hiện nay, bên cạnh Crimea, Nga vẫn kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía Đông Ukraine. Việc thiết lập quyền kiểm soát hiệu quả các khu vực trên sẽ là trọng tâm trong chiến dịch quân sự của Moscow. Ngăn chặn nỗ lực này và thực hiện các cuộc tấn công sẽ là nhiệm vụ chính của Ukraine trong năm thứ hai của cuộc xung đột.
Hiện không thể dự đoán được Ukraine có khả năng giành lại bao nhiêu lãnh thổ. Một số nhà quan sát cho rằng phương Tây cần cung cấp cho Kiev các vũ khí họ cần để phản công vào mùa xuân và mùa hè. Họ nhận định, trong khi cuộc xung đột này có thể kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình thì hiện nay không phải là thời điểm để nói về đàm phán bởi Ukraine sẽ không đạt được qua ngoại giao những gì họ không thể đạt được trên chiến trường trong năm nay./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thoi-gian-dung-ve-phia-nga-phuong-tay-co-giup-ukraine-xoay-chuyen-tinh-the-post1004781.vov - theo vov.vn