Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đang làm chủ đầu tư cả trăm dự án, trong đó khoảng 20 dự án giao thông trọng điểm, vốn đầu tư lớn nhưng hầu hết các dự án đều chậm tiến độ. Có dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, thậm chí hơn 10 năm vẫn chưa xong.
Cụ thể như Dự án đường ven biển Quảng Trị dài trên 55km, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, được khởi công từ tháng 4/2022, đến nay mới chỉ san lấp mặt bằng hơn 2km. Ông Võ Phong Luân, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án này cần khoảng 2 triệu m³ đất đắp nền nhưng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Riêng đoạn đi qua 2 huyện Vĩnh Linh và Gio Linh chưa có nguồn đất san lấp.
Ông Võ Phong Luân lo lắng, nếu không tháo gỡ được khó khăn về nguồn đất san lấp sẽ không đảm bảo tiến độ công trình, thậm chí dự án bị cắt nguồn vốn:“Hiện nay, trên địa bàn các huyện chưa có mỏ đất đủ điều kiện để khai thác, thủ tục cấp mỏ chưa xong. Nhu cầu đất đắp lớn nhưng hiện nay các đơn vị thi công rất khó khăn tiếp cận nguồn vật liệu đắp nền, do đó tiến độ chậm so với kế hoạch. Theo phản ánh của các đơn vị thi công, do nguồn đất san lấp hiếm nên giá cao quá”.
Vì thiếu hụt nguồn đất đắp công trình, thời gian gần đây tại tỉnh Quảng Trị liên tục xảy ra tình trạng khai thác trộm đất, cát. Thậm chí có nhà thầu vì áp lực tiến độ đã tự ý khai thác mỏ đất để san lấp công trình khi chưa đủ điều kiện. Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện Công ty Cổ phần Golf Quảng Trị thuê máy múc và xe tải tiến hành khai thác đất cát trái phép tại khu đất của Dự án Khu nghỉ dưỡng Aquatica – Cua Viet Beach, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Hà làm chủ đầu tư. Trong thời gian chưa triển khai dự án, phía Công ty Cổ phần Golf Quảng Trị đã khai thác trộm khoảng 700 m3 đất để san lấp dự án sân golf. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã xử phạt Công ty TNHH Xây dựng Mạnh Linh 36 triệu đồng vì tự ý khai thác hơn 4.000m3 đất làm vật liệu san lấp công trình tại mỏ Triệu Thượng, huyện Triệu Phong khi chưa có giấy phép.
Nghịch lý là hầu hết các dự án, công trình “đói” nguồn đất đắp thì hàng chục mỏ đất đã quy hoạch làm vật liệu san lấp tại tỉnh Quảng Trị vẫn không thể khai thác?. Ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã quy hoạch 66 mỏ đất làm vật liệu san lấp hơn 50 triệu m3, đảm bảo để san lấp công trình trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2022, tỉnh đã đấu giá 27 mỏ đất, 16 mỏ trúng đấu giá nhưng đến nay chỉ có 6 mỏ được cấp phép do vướng thủ tục khai thác: “Thủ tục cấp mỏ rất khó khăn kéo dài hàng năm nên các công trình dự án thiếu đất san lấp. Hiện nay có 3 nguồn đất đắp, đó là nguồn từ các mỏ, nạo vét lòng hồ và cân đối đất đắp của các công trình. Nhu cầu thực tế của một năm khoảng 4,2 triệu m3 nhưng chỉ đáp ứng khoảng 800 nghìn m3, còn thiếu 3,5 triệu m3 mỗi năm".
Tại các cuộc họp về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhiều địa phương, Ban Quản lý dự án tại tỉnh Quảng Trị đều kêu ca về việc thiếu đất đắp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo Luật Đất đai, nếu mỏ đất san lấp là một hạng mục của dự án thì sẽ dễ triển khai thu hồi đất để khai thác. Thế nhưng hiện nay, do mỏ đất đắp không phải là một hạng mục của dự án nên phải thực hiện theo Luật Khoáng sản thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Lê Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần xem xét đưa mỏ đất làm vật liệu san lấp thành một hạng mục dự án. Khi đó thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ do UBND tỉnh thực hiện sẽ dễ triển khai hơn: “Đối với mỏ đã quy hoạch nằm trong đất tỉnh đã cấp cho dân để trồng rừng thì theo quy định của pháp luật chủ đầu tư phải thỏa thuận với chủ đất về giá cả, nó rất khó khăn. Trường hợp, trong quá trình phê duyệt dự án mình đưa các hạng mục mỏ đất đắp vào là một hạng mục của dự án thì theo Luật Đất đai mình có thể thu hồi triển khai được. Ngoài công trình trọng điểm ra, tất cả các địa phương như tỉnh Quảng Trị triển khai đều vướng. Nếu tháo gỡ được thì tất cả các dự án đều triển khai được”.