Thị trường trầm lắng, giá vàng sẽ diễn biến ra sao?

08:57 11-03-2021

VOV.VN - Nhiều phân tích cho thấy giá vàng vẫn có nhiều yếu tố tác động bởi kinh tế, chính sách tiền tệ và việc kiểm soát đại dịch Covid-19.

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới liên tiếp giảm, có những thời điểm giá vàng thế giới đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Như ở phiên giao dịch ngày 8/3 mới đây, giá vàng giảm còn ở mức 1.691 USD/oz.

Trong khi đó, giá vàng trong nước mặc dù cũng có giảm nhưng bước giảm khá chậm, hiện vẫn còn neo ở mức trên 55 triệu đồng/lượng. Điều này dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng lớn, có khi lên đến trên 8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng còn nhiều biến động

Thực tế từ năm 2012, khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của Chính phủ chính thức có hiệu lực, chủ trương chống vàng hoá, đô la hóa cho đến thời điểm này được đánh giá là thành công. Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất nhập khẩu vàng, điều chỉnh nguồn cung và hầu như đã kiểm soát được thị trường vàng trong nước. Chính vì thế, nhiều năm qua thị trường vàng trong nước đã không còn những “cơn sốt” vàng, những chiến dịch “lướt sóng” mua – bán vàng kiếm lời mãnh liệt như thời gian trước đó.


Giá vàng thế giới phiên giao dịch ngày 10/3. (Nguồn: Kitco.com)
Tuy vậy, việc giá vàng trong nước giảm chậm so với giá thế giới như thời gian qua đang dẫn đến nhiều dự báo trái chiều. Giới kinh doanh kim loại quý cho rằng, giá vàng được quản lý bởi Nhà nước nên sẽ ổn định trước những biến động của giá thế giới. Song theo quan điểm của giới chuyên gia tài chính, thị trường thì lại khác, bởi giá vàng sẽ không đi theo quỹ đạo riêng mà sẽ bị ảnh hưởng, chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dù giá vàng trong nước được kiểm soát, không liên thông nhưng vẫn đi theo xu hướng chung của giá vàng thế giới. Chính vì thế mức tăng - giảm giá vàng giữa 2 thị trường này luôn có những lúc không “đồng điệu”, nhưng xét theo tình hình chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu, giá vàng vẫn sẽ tiếp tục có nhiều biến động trong thời gian tới.

“Sở dĩ có sự biến động là vì hiện nay nền kinh tế toàn cầu đã dần hồi phục sau dịch Covid-19. Tỷ lệ người được tiêm phòng vaccine Covid-19 đã được triển khai trên diện rộng nên khả năng khống chế được đại dịch Covid-19 đã hiện hữu. Đại dịch được khống chế, sản xuất tăng trưởng sẽ khiến giới đầu tư sẽ có thêm nhiều kênh cho sản xuất, thị trường chứng khoán, trái phiếu nhiều hơn, từ đó kênh đầu tư vàng dần trở nên mờ nhạt, kém sức hấp dẫn và theo nguyên tắc sẽ khiến vàng giảm giá”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Tuy nhiên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng có thêm góc nhìn khác: Khi hầu hết các quốc gia trên thế giới trong khoảng thời gian vừa qua cũng như trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục bơm các gói hỗ trợ tài chính ra thị trường, điều này sẽ khiến USD và các đồng tiền cơ bản giảm giá so với chính bản thân những đồng tiền đó.

Cùng lúc nhiều quốc gia hiện chỉ đang thực thi chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hầu như không còn cơ hội, bởi lãi suất của nhiều quốc gia hiện nay bằng 0, nên chủ yếu họ sẽ bơm tiền thông qua các chính sách tài khóa khiến tiền đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá và lạm phát tăng cao. “Trong trường hợp này, vàng trở thành vật chất cân đo giá trị đồng tiền và là mặt hàng để đầu tư hoặc là nơi trú ẩn an toàn khiên cho giá vàng tăng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Hơn nữa, tính đến thời điểm hiện tại, đánh giá tăng trưởng toàn cầu của các tổ chức kinh tế năm 2021 cũng đã có nhiều thay đổi. Trước đây các đánh giá đều hi vọng năm 2021 kinh tế thế giới tăng trưởng đạt khoảng 4,4%, nhưng đến thời điểm này do dịch bệnh chưa hoàn toàn kiểm soát được nên đánh giá có phần thấp hơn.

“Khi kinh tế thế giới tăng trưởng thấp hơn, vàng lại có cơ hội tăng giá. Nhưng nhìn chung các nhân tố đưa vàng tăng giá sẽ nhiều hơn yếu tố giảm giá, vì thế nên xu hướng chung năm 2021 giá vàng thế giới sẽ có khả năng tăng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh dự báo.

Giá vàng trong nước “ghìm giữ” đến khi nào?

Đối với thị trường vàng Việt Nam, theo nhìn nhận của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dù có phần đi theo xu hướng giá vàng thế giới song vẫn có những tín hiệu khác lạ, bởi đến thời điểm hiện tại giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới vẫn có sự chênh lệch quá lớn.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mặc dù đối với bất kì lĩnh vực đầu tư nào khi thấy có lãi suất, có sẽ chênh lệch về giá là sẽ có sự đầu tư và vàng cũng không là ngoại lệ. Song, hiện nay, có thể thấy giới đầu tư và người dân không còn quá hào hứng với việc mua - bán vàng.


Giá vàng SJC bán ra phiên giao dịch ngày 10/3 vẫn đang ở mức 55,38 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, nhiều khả năng các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước vẫn đang cố tình “ghìm giữ” đà giảm của giá vàng. Hoặc các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đang nghĩ đến việc nhiều quốc gia khác đang bơm tiền ra thị trường sẽ khiến vàng có thể tăng giá nên giá vàng trong nước có phần khó giảm sâu.

“So với trước đây, ảnh hưởng của vàng đối với nền kinh tế nói chung và đối với thị trường tài chính nói riêng ở Việt Nam hiện nay là không quá lớn. Giá vàng biến động cũng không tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam, do đó trong khoảng thời gian tới, nếu giá vàng thế giới tiếp tục giảm thì giá vàng trong nước chắc chắn cũng sẽ giảm giá”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đưa ra dự báo./.

https://vov.vn/kinh-te/thi-truong-tram-lang-gia-vang-se-dien-bien-ra-sao-842243.vov - theo vov.vn