Thép nhập khẩu tăng nhanh, cần ứng phó để thị trường phát triển lành mạnh
08:37 19-04-2024
VOV.VN - Khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép nhập khẩu hay các mặt hàng khác, là thông lệ phổ biến mà các quốc gia đang áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước, mỗi khi có dấu hiệu bất thường về sản lượng hay giá bán.
Thép nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh về số lượng từ năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nếu trong cả năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn, thì ngay tháng 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,488 triệu tấn. Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam gồm Trung Quốc 67,6%, Nhật Bản 9,12%, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tổng lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) ước tính quý I/2024 đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm tới 75%.
Thị phần thép trong nước đang bị thu hẹp
Sản lượng của 2 DN sản xuất thép HRC trong nước là Formosa và Hòa Phát đã sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021 do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành. Giá nhập khẩu hiện đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD trong quý IV/2023. Thị phần của 2 nhà sản xuất HRC trong nước cũng giảm từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Ngược lại, thị phần của thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn độ tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023. Dự kiến năm 2024, đà nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Với lượng nhập khẩu chưa từng có trong lịch sử, sản xuất thép trong nước bị thiệt hại nặng nề. Trước tình thế này, mới đây, các DN sản xuất thép cán nóng (HRC) như Formosa, Hòa Phát đã nộp đơn lên Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, không thể chấp nhận được việc sản xuất thép trong nước 6,7 triệu tấn, nhưng nhập khẩu lên tới 9,6 triệu tấn, riêng thép HRC trong năm 2023 nhập từ Trung Quốc là 6,2 triệu tấn.
“Việt Nam hiện đang là 1 trong những nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn/năm. Chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn ủng hộ, khuyến khích sản xuất công nghiệp thượng nguồn. Bởi vậy, DN mong muốn được ủng hộ sản xuất trong nước, nhất là các ngành công nghiệp thượng nguồn. Việc đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép là theo quy định của WTO là rất bình thường. Qua quá trình điều tra, đánh giá tổng thể và khách quan, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phân định rõ ràng việc này theo quy định”, ông Trần Đình Long chia sẻ.
Nhìn nhận về thực tế này, chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa cho rằng, bảo vệ sản xuất thượng nguồn trong nước cũng là bảo vệ công ăn việc làm và tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho nhà nước. Việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá là thông lệ phổ biến mà các quốc gia đang áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước, mỗi khi có dấu hiệu bất thường về sản lượng và giá bán sản phẩm.
“Cần thiết phải sử dụng và bảo vệ nền sản xuất thép HRC có nguồn gốc từ Việt Nam. Một mặt là bảo vệ sản xuất trong nước, mặt khác nhằm tránh nguy cơ đối mặt với các vụ kiện chống lẩn tránh khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc sử dụng tỷ trọng lớn thép HRC có nguồn gốc nội địa về lâu dài sẽ là yếu tố tích cực cho hoạt động xuất khẩu, làm tăng tính cạnh tranh và minh bạch của xuất xứ hàng hóa”, ông Sưa phân tích.
Đề nghị của doanh nghiệp là quyền lợi chính đáng
Hiện nay, các nhà máy sản xuất thép trong nước (bao gồm cả thép HRC) đều đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong nước và quốc tế vào quá trình sản xuất như TCVN, JIS, ASTM,… và các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), sản phẩm HRC trong nước hiện có 2 nhà sản xuất, với cơ cấu và khối lượng sản phẩm chưa đáp ứng 100% nhu cầu đầy đủ trong nước, nên vẫn cần thiết phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, giá bán sản phẩm nhập khẩu thấp bất thường so với giá thành sản xuất do các yếu tố phi thị trường, như có trợ giá hoặc gian lận thương mại cần có sự điều tra, đánh giá của cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng, tăng tính cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia và nhà sản xuất trong nước.
“Vì vậy, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp làm việc chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để xem xét quyết định, đảm bảo thị trường thép HRC phát triển lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất trong nước, bao gồm DN sản xuất HRC và DN sử dụng HRC”, đại diện Cục Công nghiệp khẳng định.
Liên quan đến tiến trình khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu theo đề nghị của các DN trong nước, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, căn cứ theo quy định, quy trình, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm định tính hợp lệ của bộ hồ sơ (kéo dài 15 ngày). Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đại diện các ngành sản xuất trong nước phải nộp hồ sơ bổ sung.
Khi hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ trong vòng 45 ngày. Trên cơ sở đó, kiến nghị Bộ Công Thương tiến hành khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống bán phá giá, thời hạn điều tra sau khi khởi xướng sẽ kéo dài từ 2 - 6 tháng (tối đa là 8 tháng).
“Trong quá trình thẩm định, cơ quan điều tra sẽ thông báo cụ thể cho các bên liên quan cung cấp đầy đủ chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, công bằng và đưa ra kết luận hợp lý, kể cả sau khi khởi xướng điều tra chưa có biện pháp nào áp dụng với hàng hóa nhập khẩu”, ông Chu Thắng Trung nêu rõ.
https://vov.vn/kinh-te/thep-nhap-khau-tang-nhanh-can-ung-pho-de-thi-truong-phat-trien-lanh-manh-post1089957.vov - theo vov.vn