Thế mạnh giúp bà Kamala Harris trở thành đối thủ nặng ký của ông Trump

08:15 24-07-2024

VOV.VN - Chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố dừng cuộc đua vào Nhà Trắng và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris ra tranh cử, bà Harris đã nhanh chóng hoạch định con đường trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

“Tôi rất vinh dự khi nhận được sự tán thành của tổng thống và mục tiêu của tôi là giành được sự để cử này. Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đoàn kết Đảng Dân chủ và đoàn kết đất nước chúng ta, để đánh bại cựu tổng thống Donald Trump và chương trình nghị sự 2025 của ông ấy”, bà Harris cho biết.

Lợi thế của bà Harris

Bà Harris đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Trong hơn 3 năm đảm nhiệm vai trò phó tổng thống, bà Kamala Harris đã dành nhiều thời gian để xây dựng hình ảnh trên trường quốc tế, gần đây nhất là tại cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine ở Thụy Sỹ hồi tháng 6 vừa qua. Bà cũng trở thành sứ giả nổi bật nhất của chính quyền ủng hộ quyền phá thai của nữ giới. Vai trò này đưa bà đến các sự kiện trên khắp đất nước, thu hút đông đảo cử tri nữ và cử tri dân tộc thiểu số.

Về mặt thực tiễn, bà Harris có lợi thế sẵn có khi đối đầu với ông Trump vì là người duy nhất có thể khai thác các nguồn lực khổng lồ đã được huy động trước đó cho nỗ lực tranh cử của bà và Tổng thống Biden. Bà cũng có thể tận dụng bộ máy mà chiến dịch tranh cử Biden-Harris đã xây dựng, trở thành người kế nhiệm hợp lý nhất của ông Biden.

Ngay sau khi bà Kamala Harris ra ứng cử, chiến dịch tranh cử của bà thông báo đã huy động được 81 triệu USD từ các nhà tài trợ trong vòng 24 giờ. Đây là con số tài trợ lớn nhất trong một ngày của chiến dịch tranh cử năm 2024 của cả hai đảng. Khoản tiền này cùng vời số tiền gần 100 triệu USD mà bà kế thừa từ chiến dịch gây quy của liên minh Biden-Harris đã mang lại cho bà một nền tảng tài chính vững chắc cho chiến dịch tranh cử.

Trả lời phỏng vấn The Independent, một chiến lược gia của Đảng Dân chủ cho biết, bà Harris sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các cử tri trẻ và từ những phe phái khác vốn không có thiện cảm với ông Biden. “Những người không hài lòng với ông Biden giờ đây có thể nói: chúng tôi đã có người khác để thay thế”.

Trong khi ông Biden lộ dần dấu hiệu tuổi tác với những màn thể hiện thiếu thuyết phục trong năm qua, bà Harris đã nổi lên như một thế lực mạnh mẽ trên đường đua vận động tranh cử. Ở tuổi 59, bà được kỳ vọng sẽ là một ứng cử viên năng động hơn và đưa ra những quan điểm mạch lạc, rõ ràng hơn cho đảng Dân chủ. Bà cũng có thể dành được sự ủng hộ của các cử tri da màu khi mà một số cuộc thăm dò dư luận thời gian gần đây cho thấy họ đang rời xa Tổng thống Biden. Nếu bà Harris có thể kết hợp điều này với sự ủng hộ nhiều hơn từ các nhóm thiểu số khác và từ cử tri trẻ tuổi thì điều đó có thể giúp bà giành ưu thế trước ông Trump ở một số tiểu bang dao động trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Một cuộc thăm dò từ Reuters/Ipsos được thực hiện sau vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở vùng nông thôn Pennyslvania vào ngày 13/7 cho thấy ông Biden và bà Harris về cơ bản đang hòa nhau trong một trận đấu với ông Trump. Một cuộc thăm dò khác do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công công AP-NORC cho thấy cứ 10 thành viên của đảng Dân chủ thì có tới 6 người tin rằng bà Harris sẽ đảm nhận tốt vai trò tổng thống.

Còn theo kết quả cuộc khảo sát do CNN và SSRS thực hiện, cử tri ủng hộ ông Trump cao hơn ông Biden với 6 điểm phần trăm, tương đương 49% với 43%. Trong khi đó, bà Harris theo sau ông Trump, với tỷ lệ 47% với 45%. Cuộc khảo sát này cho thấy bà Harris hiện vượt trội ông Biden ở hai khối cử tri quan trọng là phụ nữ và cử tri độc lập.

Bà Harris lên làm phó tổng thống sau khi phục vụ 4 năm trong nhiệm kỳ 6 năm tại Thượng viện. Trước khi được bầu vào Thượng viện năm 2016, bà Harris từng làm việc tại Văn phòng Luật sư thành phố San Francisco và sau đó được bầu làm Tổng chưởng lý California, trở thành tổng chưởng lý da màu đầu tiên của California. Kinh nghiệm trong lĩnh vực thực thi pháp luật và cách tiếp cận trung dung của bà Harris cũng được coi là thế mạnh có thể thu hút những cử tri còn do dự. Một số nhà quan sát cho rằng bà Harris sẽ sử dụng những kinh nghiệm này để chống lại cựu Tổng thống Trump, đồng thời lập luận ông không thích hợp để quay trở lại Nhà Trắng.

“Các bạn biết rằng tôi từng là một công tố viên. Vì vậy tôi muốn nói: Chúng ta hãy nhìn vào sự thật”, bà Harris phá biểu trước đám đông tại Bắc Carolina tuần trước khi phân tích những khác biệt về chính sách giữa ông Biden và ông Trump.

Theo giới phân tích, chiến dịch tranh cử của bà Harris năm nay sẽ khác biệt nhiều hơn so với các năm trước, bởi bà nhận được sự ủng hộ đáng kể từ một số thành viên đảng Dân chủ chủ chốt, trong đó có cả nghị sỹ James Clyburn của bang Nam Carolina – nghị sỹ da màu cấp cao nhất trong Quốc hội Mỹ - người được cho là góp phần đưa Tổng thống Biden lên đỉnh cao sự nghiệp trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với MSNBC, nghị sỹ bang Palmetto cho biết ông sẽ ủng hộ bà Harris. “Chúng ta nên làm mọi thứ có thể để hỗ trợ bà Harris, cho dù đó là vị trí thứ hai hay ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ”. Còn lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ, ông Hakeem Jeffries cũng bày tỏ tín hiệu mong muốn bà Harris ra tranh cử.

Đảng Dân chủ hy vọng rằng, Phó Tổng thống Harris – với tuổi đời trẻ hơn ông Trump gần 2 thập kỷ, có thể đưa ra một loạt sự tương phản rõ ràng và khai thác những lập luận nằm ngoài tầm của ông Biden, đặc biệt là trong các vấn đề chính sách. Nếu được lựa chọn là ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ, bà Harris có thể thu hút sự chú ý của công chúng vào một số vấn đề được coi là điểm yếu của cựu Tổng thống Trump, chẳng hạn như quyền phá thai và vấn đề về công bằng kinh tế.

 

Điểm yếu của bà Harris

Bất chấp những thế mạnh mà bà Kamala Harris có được, nhiều thành viên đảng Dân chủ vẫn lo ngại về khả năng của bà trong việc đánh bại ông Trump. Mặc dù gây được thiện cảm trong việc thúc đẩy quyền phá thai, nhưng hồ sơ phó tổng thống của bà Harris lại có nhiều xáo trộn.

Bà Harris được ông Biden giao nhiệm vụ tìm kiếm và giải quyết nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới  Mỹ - Mexico, nhưng bà nhiều lần bị cả các thành viên đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa chỉ trích vì không dành đủ thời gian khảo sát khu vực biên giới. Điều này đã khiến bà chịu nhiều công kích từ phe bảo thủ.

Đảng Cộng hòa đã cố gắng đưa bà thành gương mặt đại diện cho điều mà các cuộc thăm dò dư luận cho là chính sách nhập cư không được ưa chuộng của chính quyền Biden. “Vấn đề nhập cư là một điểm yếu đối với đảng Dân chủ ở những khu vực chiến địa đó. Đây cũng là vấn đề nổi bật đối với các cử tri ở những vùng ngoại ô đó. Họ tin rằng hệ thống nhập cư của chúng ta đã không được quản lý một cách mạnh mẽ”, một thành viên đảng Cộng hòa cho biết.

Ngoài vấn đề nhập cư, chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump cũng có thể cố gắng tìm kiếm sai sót trong lý lịch tố tụng để chống lại bà, công kích các quyết định truy tố và tạm tha trước đây mà bà đưa ra.  

Nhưng có lẽ, thách thức lớn nhất đối với bà Kamala Harris là bà không phải tổng thống đương nhiệm. Mặc dù bà có thể tránh một số rắc rối mà Tổng thống Biden gặp phải, nhưng bà không có điều kiện được tiếp xúc nhiều với cử tri như ông Biden.

Dù được cho là người kế nhiệm phù hợp nhất của ông Biden, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản lớn bà phải bước qua để trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ khi chỉ còn một tháng nữa là đại hội của đảng này diễn ra.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/the-manh-giup-ba-kamala-harris-tro-thanh-doi-thu-nang-ky-cua-ong-trump-post1109714.vov - theo vov.vn