Thánh lễ giữa đại dịch Covid-19: Giáo dân không tròn bổn phận công dân
08:48 08-04-2020
VOV.VN -Họ đã nhân danh Chúa để làm những hành động sai trái, coi thường kỷ cương, phép nước, đi ngược đường hướng sống "tốt đời, đẹp đạo".
Trong khi Ðảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng nhân dân cả nước đang nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cách ly xã hội, không tập trung đông người để phòng, chống dịch, thì trong hai ngày 4 và 5/4 vừa qua, 8 giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh ở các huyện Ðức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Thạch Hà đã tập trung hàng trăm giáo dân tham dự Thánh lễ tại nhà thờ. Hành động này đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng xã hội và Giáo hội; thể hiện thái độ coi thường pháp luật và chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Thánh lễ online của một gia đình công giáo ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Huy Thông
Chiều thứ 3 tuần Thánh, cũng như mọi ngày, ông Nguyễn Văn Trường, giáo xứ Sơn Miêng, Tổng giáo phận Hà Nội tham dự thánh lễ được cử hành tại Tòa Tổng giám mục và truyền trực tuyến trên trang web và Youtube của Tổng giáo giáo phận.
Hình thức thánh lễ trực tuyến, dù không thỏa lòng, nhưng theo ông Trường, người giáo dân trước hết là một công dân của đất nước, việc cầu nguyện tại nhà, dự thánh lễ online không chỉ vì sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân tộc:
"Chắc chắn sẽ thiệt thòi không bằng trực tiếp. Trực tiếp tham gia Thánh lễ sẽ nhận được bí tích Thánh thể là bí tích nuôi sống linh hồn người tín hữu. Nhưng mà vì dịch bệnh nên mỗi người tín hữu cũng là người dân của đất nước phải chung tay dập dịch"- ông Trường chia sẻ.
Vì sức khỏe của cộng đồng, ý thức trách nhiệm với xã hội, với đất nước, trong thời điểm cả nước đang đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, nhiều giáo phận đã ngưng Thánh lễ và các hoạt động có giáo dân tham dự, tổ chức Thánh lễ trực tuyến cho giáo dân, lễ riêng tư cho chức sắc. Nhiều giáo xứ, dòng tu còn đóng góp về nhân lực, vật lực, chung tay cùng các cấp chính quyền triển khai hoạt động phòng, chống dịch và góp phần vào công tác an sinh xã hội.
Hàng trăm giáo dân đến tham gia hành lễ tại nhà thờ giáo xứ Nghĩa Yên (Hà Tĩnh) tối 4/4... (Ảnh: báo Hà Tĩnh)
Nhưng, một số giáo xứ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đi ngược với tinh thần chung đó. Linh mục ở các giáo xứ này đã rung chuông tổ chức lễ với rất đông người tham gia trong hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật vừa qua. Hành động này đi ngược với Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 là "sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”. Họ đã nhân danh Chúa để làm những hành động sai trái, coi thường kỷ cương, phép nước, đi ngược đường hướng sống "tốt đời, đẹp đạo" của đồng bào Công giáo.
Linh mục Trần Đức Hoàn, Quản xứ Liêu Ngạn, Tổng giáo phận Bùi Chu – Nam Định cho rằng, vụ việc giáo dân ở Hà Tĩnh tụ tập cầu nguyện là hiện tượng cá biệt, nhưng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng giáo hội; họ đã không tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ dẫn của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
"Hội đồng Giám mục đã cho phép, các ngài cho phép làm riêng, trực tuyến. Như Sài Gòn, Hà Nội người ta cắt hết, có ai bảo sao đâu. Ở đây ngày cũng phát 2 lần trực tuyến. Có chung rồi, nghĩ về tập thể là chính thôi. Hơn nữa, bề trên đã chỉ đạo mình cứ làm. Nhưng có một vài cá nhân, linh mục làm ảnh hưởng đến chuyện đó"- Linh mục Trần Đức Hoàn cho biết.
Xét ở khía cạnh pháp lý, những việc làm này đang đi ngược với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về giãn cách xã hội. Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khẳng định, đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Thắng nhấn mạnh: "Rõ ràng, Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong giai đoạn này là chỉ đạo thống nhất của Nhà nước liên quan đến việc phòng, chống dịch nó, có tính pháp lý chung, bắt buộc chung cộng đồng phải thực hiện. Vì vậy, khi mà không thực hiện Chỉ thị này đã là những hành vi vi phạm pháp luật rồi. Còn nếu hành vi đó gây ra những hậu quả lớn hơn thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".
Bộ luật Hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính đã thể hiện rõ quan điểm của Nhà nước ta và quy định cụ thể chế tài về những hành vi sai trái này. Mới đây, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đại biểu Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nếu việc tụ tập đông người dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng thì không chỉ xử phạt hành chính mà sẽ phải xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
"Tôi nghĩ rằng, việc quy định của chúng ta gần đây thì các địa phương cũng đưa ra nhiều quy định. Tất nhiên, những quy định đó đều dẫn đến những cái quy định pháp lý, kể cả Luật xử lý hành chính, Bộ luật Hình sự đều có cả, cho nên nếu ai cố tình không tuân thủ để dẫn đến hậu quả, nghĩa là tạo sự lây lan dịch bệnh, thì xử lý theo quy định của pháp luật"- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.
Trước sự việc này, chiều 6/4, Ban Tôn giáo Chính phủ đã yêu cầu Tòa Giám mục Hà Tĩnh chỉ đạo tất cả các giáo xứ phải chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, đồng thời tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức tôn giáo vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời có văn bản gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam, nêu rõ các hành vi vi phạm pháp luật, coi thường giáo quyền và yêu cầu xử lý nghiêm về mặt Giáo luật, không để tái phạm tại các giáo phận khác./.
https://vov.vn/chinh-tri/thanh-le-giua-dai-dich-covid19-giao-dan-khong-tron-bon-phan-cong-dan-1034105.vov - theo vov.vn