Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên đe dọa làm thay đổi cán cân quân sự khu vực

09:08 30-09-2021

VOV.VN - Theo các chuyên gia, tên lửa siêu thanh mà Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm hôm 28/9 có khả năng trở thành một trong những vũ khí chính xác, nhanh nhất thế giới và có thể được gắn đầu đạn hạt nhân.

Mặc dù thông số kỹ thuật chính xác của tên lửa siêu thanh Hwasong-8 do Triều Tiên chế tạo vẫn chưa được tiết lộ, nhưng về mặt lý thuyết, tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh, rất cơ động khi bay nên chúng gần như không thể bị bắn hạ.

Nếu Triều Tiên có thể sản xuất và triển khai thành công vũ khí siêu thanh, giới phân tích cho rằng điều này thậm chí có thể dẫn đến sự thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.


Tên lửa Hwasong-8 của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Phó Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Webster, Geneva, ông Lionel P.Fatton cho biết: “Nếu đúng [Triều Tiên sở hữu tên lửa siêu thanh – ND], điều đó có nghĩa là các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gần như bất lực”.
“Tên lửa siêu thanh có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến là một yếu tố thay đổi cuộc chơi nếu nó được tích hợp đầu đạn hạt nhân”, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Drew Thompson nhận định. Mặc dù vậy, ông Thompson cho rằng, “có được nó và muốn có nó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau”.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định, phát triển “vũ khí chiến lược” là “một trong năm nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch 5 năm” của quốc phòng nước này.

Ankit Panda, thành viên cấp cao của Tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ viết trên Twitter cho rằng việc Triều Tiên sử dụng thuật ngữ “chiến lược” khi mô tả vũ khí ngụ ý khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Theo Hans Kristensen và Matt Korda, hai chuyên gia hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Triều Tiên đã thử nghiệm 6 thiết bị hạt nhân và được cho là có nhiều đầu đạn. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn Bình Nhưỡng đã có thể tích hợp đầu đạn lên tên lửa.

Thông tin của KCNA khẳng định, vụ thử hôm 28/9 là vụ tên lửa siêu thanh đầu tiên của nước này và nó đã thành công.

KCNA nêu rõ: “Các nhà khoa học quốc phòng đã xác nhận khả năng kiểm soát điều hướng và sự ổn định của tên lửa trong khu vực hoạt động, bên cạnh năng lực điều khiển cơ động và các đặc điểm trong lúc di chuyển của đầu đạn lướt bội siêu thanh tách rời”.

Các chuyên gia phương Tây đã phân tích rất kỹ bức ảnh duy nhất mà Triều Tiên công bố về vụ thử hôm 28/9 và nói rằng, vũ khí này có đặc điểm của vũ khí lướt tăng cường siêu thanh.

Quân đội Hàn Quốc thì đánh giá, tên lửa này dường như đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, sẽ phải mất một thời gian nữa mới có thể được triển khai. Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc trong một thông báo gửi đến các phóng viên cho rằng, tên lửa của Triều Tiên vẫn có thể bị các hệ thống phòng thủ chung của Hàn-Mỹ phát hiện và đánh chặn.
Triều Tiên thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới, nâng cấp hệ thống vũ khí

Bước tiến lớn đáng chú ý của Triều Tiên

Trong khi thông tin Triều Tiên có vũ khí đạt đến tốc độ siêu thanh phủ kín các mặt báo vào sáng 29/9 thì các chuyên gia lại lưu ý đến từng chi tiết trong thông báo của KCNA.

“Thông tin cho biết Triều Tiên sử dụng “ống nhiên liệu tên lửa”, nghĩa là các tên lửa được tiếp nhiên liệu trong nhà máy, không phải sau khi được triển khai trên thực địa”, Jeffery Lewis, giáo sư của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury viết trên Twitter.

Ông Lewis cho biết thêm: “Nếu Triều Tiên cung cấp nhiên liệu cho tên lửa trong nhà máy thì các đơn vị quân đội sẽ không tốn thời gian này trên thực địa, trong khi không quân Mỹ nỗ lực hết sức để tìm diệt chúng... Đây là bước tiến lớn đối với Triều Tiên”.

Kim Dong-yub, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho biết ống nhiên liệu có thể kéo dài thời gian tên lửa có thể triển khai, chờ phóng.

Ông Kim nói thêm: “Có vẻ như Triều Tiên đang cố gắng khắc phục những nhược điểm của việc phun nhiên liệu lỏng trước khi phóng, vốn là nhiên liệu chủ yếu trong các tên lửa của Triều Tiên”.

Các quan chức quân sự Mỹ cho biết, vụ phóng hôm 28/9 của Triều Tiên không gây ra “mối đe dọa tức thì đối với nhân viên, lãnh thổ Mỹ hoặc các đồng minh của chúng tôi” nhưng nó làm nổi bật “tác động gây mất ổn định của chương trình vũ khí bất hợp pháp (của Triều Tiên)”.

Triều Tiên bị cấm thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, theo luật pháp quốc tế. Các cuộc thử nghiệm như vậy của Triều Tiên trước đây đã vấp phải sự phản đối của Mỹ cùng đồng minh và các lệnh trừng phạt từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Triều Tiên tăng cường thử nghiệm tên lửa

Vụ thử hôm 28/9 là lần thứ ba trong tháng này Triều Tiên tiến hành thử tên lửa.

Lần đầu tiên, Bình Nhưỡng cho biết họ đã thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa trong hai ngày 11-12/9. Sau đó, vào ngày 16/9, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều thử tên lửa đạn đạo – làm gia tăng căng thẳng tại một trong những khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột lớn nhất thế giới.
Kho tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sau gần 30 năm phát triển

Hôm 28/9, tin tức về vụ thử tên lửa của Triều Tiên được phát đi ngay trước khi Đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc Kim Song phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, nơi ông than phiền về sự chia rẽ sâu sắc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, đồng thời chỉ trích sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Ông Kim Song cáo buộc Mỹ đang có các hành động phản cảm thông qua các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng sẽ "sẵn sàng đáp trả bất cứ lúc nào" trước những động thái từ Washington.

“Như cả thế giới đều biết và như Mỹ lo ngại, các phương tiện tấn công mạnh mẽ, tất nhiên được đưa vào biện pháp răn đe chiến tranh của chúng tôi”, ông Kim Song cảnh báo.

Ông Drew Thompson đánh giá: “Nếu họ [Triều Tiên – ND] có thể phát triển một đầu đạn hạt nhân đáng tin cậy, đủ nhỏ để có thể tích hợp trên tên lửa và họ có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm đầu đạn và tên lửa thì họ đã chứng minh rằng họ có năng lực đáng tin cậy. Nhưng với tôi, điều đó giống như một câu chuyện viễn tưởng vào thời điểm này”.

Mặc dù vậy, giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha ở Seoul cảnh báo, tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể không cần đến độ chính xác như những tên lửa kiểu này đang được các nước khác triển khai.

“Nếu Bình Nhưỡng xoay sở để lắp đầu đạn hạt nhân vào tên lửa, dù là tên lửa siêu thanh thô sơ thì đó vẫn sẽ là một vũ khí nguy hiểm. Nó không cần phải cực kỳ chính xác để có thể đe dọa thủ đô Seoul của Hàn Quốc ở cách đó không xa”, ông Easley nói./.

https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/ten-lua-sieu-thanh-cua-trieu-tien-de-doa-lam-thay-doi-can-can-quan-su-khu-vuc-894347.vov - theo vov.vn