Tập trung gỡ vướng trong cấp giấy phép môi trường

09:24 05-05-2023

VOV.VN - Bộ TN&MT đã đang tiến hành rà soát tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020. Việc nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai luật nhằm tạo cơ sở đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Thời gian qua, nhiều người dân, doanh nghiệp phản ánh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) đã đưa ra nhiều quy định mới về thời điểm, thời hạn nộp hồ sơ xin cấp phép môi trường, chi phí thẩm định cấp giấy phép môi trường cho các loại dự án. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 1 năm có hiệu lực, việc cấp giấy phép môi trường cho các doanh nghiệp còn gặp nhiều bất cập, thậm chí các văn bản quy định có hiện tượng chồng chéo, gây trở ngại cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho rằng, pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể các tiêu chí của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện, tiêu chuẩn đánh giá đối với công trình bảo vệ môi trường sau khi đã hoàn thành. Đây cũng là một lý do mà các doanh nghiệp sau khi hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nhưng báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường không được duyệt.

Bên cạnh đó, hiện nay Luật chưa quy định rõ quy chuẩn nào được áp dụng để đánh giá sức chịu tải của môi trường. Cơ quan quản lý cần phải xác định rõ và điều chỉnh lại quy chuẩn cho phù hợp với từng tiêu chí để doanh nghiệp có thể hiểu đúng và đủ để thực hiện.

 

Về vấn đề này, sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất xử lý theo thẩm quyền phản ánh của doanh nghiệp, người dân về khó khăn trong cấp giấy phép môi trường. Thực hiện theo quy định pháp luật, quy chế làm việc của Chính phủ, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước ngày 28/4/2023. 

Theo Vụ Môi trường (Bộ TN&MT) trong quý I/2023, đơn vị này đã tiến hành rà soát tất cả các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020. Việc nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai luật nhằm tạo cơ sở đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, trên cơ sở chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.

 

Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong lĩnh vực môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT (Thông tư 02) để quy định chi tiết các chính sách bảo đảm việc triển khai thi hành Luật.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, thời gian qua, Vụ Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời, thường xuyên trả lời, giải đáp các ý kiến, kiến nghị từ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các quy định. Qua đó, Vụ Môi trường đã tổng hợp các vướng mắc, đề xuất của địa phương về việc sửa đổi để quy định rõ hơn một số chính sách của pháp luật về BVMT, tạo thuận lợi hơn trong công tác triển khai thực hiện.

Trên cơ sở này, lãnh đạo Bộ TN&MT đã phân công Vụ Môi trường chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02.

Về tiến độ sửa đổi Nghị định 08, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Vụ trưởng Vụ Môi trường cho biết, Vụ đang phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học chuẩn bị nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định và cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định. Dự kiến, Dự thảo đầu tiên sẽ được hoàn thành trong tháng tháng 5/2023 để gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, và chậm nhất tháng 11/2023 có thể trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Bên cạnh những nội dung dự thảo theo đề xuất, kiến nghị, Vụ Môi trường đã chủ động triển khai rà soát các quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo pháp luật khác có liên quan đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 08. Trên cơ sở đó, Vụ sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ gửi công văn tới các bộ, ngành nhằm bổ sung các đối tượng này vào vào danh mục được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ các cơ chế chính sách về thuế, phí... tạo sự đồng bộ trong Luật Bảo vệ môi trường và các pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Vụ Môi trường đang chủ trì xây dựng Thông tư quy định về ủy quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường.../.

https://vov.vn/xa-hoi/tap-trung-go-vuong-trong-cap-giay-phep-moi-truong-post1018014.vov - theo vov.vn