Taliban không tuân thủ cam kết, chấp nhận để người dân Afghanistan hứng chịu nạn đói?
09:51 17-11-2021
VOV.VN - Nhiều nước đang rút viện trợ khỏi Afghanistan để gây sức ép về mặt địa chính trị lên Taliban. Tuy nhiên, tổ chức Hồi giáo vũ trang này tuyên bố thẳng thừng rằng nạn đói là cái giá phải trả để đánh đuổi lực lượng nước ngoài.
Bóng ma thiếu đói ở Afghanistan
Trong khi nạn đói đang rình rập khắp đất nước Afghanistan, các cường quốc bên ngoài có vẻ vẫn đang cân nhắc các lựa chọn để thúc đẩy lợi ích riêng của mình, kể cả đối với Taliban lẫn các đối thủ khu vực và bên ngoài khu vực của họ.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8/2021, Taliban đã không thể đáp ứng yêu cầu của các nước lớn bên ngoài (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, và Nga), đó là cắt đứt mọi mối liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan, và các nhóm chiến binh và khủng bố khác.
Tình trạng thiếu lương thực tại Afghanistan dưới thời Taliban. Ảnh: Facebook.
Việc Mỹ rút khỏi đây cũng làm ngưng lại dòng chảy viện trợ nước ngoài vào Afghanistan, đẩy quốc gia thiếu tiền này rơi vào trạng thái kinh tế bấp bênh. Liên Hợp Quốc dự báo, đất nước Nam Á này sẽ hứng chịu một trong các thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong mùa đông đang tới gần.
Trong 38 triệu dân của Afghanistan năm 2021, có khoảng 23 triệu dân đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, và trong số này có 8,7 triệu đang ở trong tình trạng khẩn cấp – cấp độ cao thứ 2 trong thang phân hạng về thảm họa của chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (WFP). Con số cuối tăng lên từ mức 3 triệu vào năm 2020.
Liên tiếp các đợt hạn hán cộng với sự tan rã kinh tế đã kéo tới tình trạng khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả và kịp thời cho cuộc khủng hoảng này lại gắn chặt với các toan tính và lợi ích địa chính trị mâu thuẫn nhau và mang tính cụ thể của từng nhân tố tham gia vào “ván cờ” ở khu vực này.
Toan tính chính trị cản trở hoạt động viện trợ
Để vượt qua khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan, cần đồng thời 2 yếu tố sau: Một là viện trợ nước ngoài trên quy mô lớn. Hai là một nền tảng chung ở mức tối thiểu để giúp cho các “người chơi” trong khu vực và ngoài khu vực giảm thiểu xung đột lợi ích và tối đa hóa hợp tác. Nhưng các nhân tố này cho tới nay vẫn chưa có được bước đi nào cả.
Trung Quốc, Nga, Pakistan, Mỹ, và EU đều có lợi ích trong việc không công nhận chế độ Taliban trừ phi lực lượng này nhổ tận gốc các mạng lưới thánh chiến xuyên quốc gia. Khủng hoảng lương thực cận kề dường như đã tạo thêm một điểm yếu nữa để các quốc gia trên lợi dụng theo hướng có lợi cho mình.
Việc Taliban chật vật tìm kiếm sự công nhận của quốc tế cộng với khủng hoảng lương thực cận kề đã tạo điều kiện cho các nước bên ngoài gây áp lực lên Kabul để buộc họ phải hoàn thành các nghĩa vụ cụ thể. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc có vẻ hợp tác để tạm đẩy lui cuộc khủng hoảng nhân đạo, các tính toán địa chính trị xung khắc đã củng cố quan điểm của họ hiện nay, dẫn tới tình trạng các bên không thực hiện được bước đi thực chất nào cả.
Hội nghị ngày 11/11 của Nhóm bộ ba mở rộng (gồm Pakistan, Mỹ, Trung Quốc, và Nga) đã đạt được một thông cáo chung đề nghị viện trợ nhân đạo cho Afghanistan trong lúc chờ đợi Taliban cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố và thực hiện một hệ thống hiến pháp ôn hòa.
Tuy nhiên, nhóm Bộ ba nói trên đã không thể công bố ngay lập tức gói viện trợ nào cho chế độ Taliban. Thực tế này không chỉ phản ánh các bất đồng trong nội bộ nhóm này mà còn chỉ rõ các bên, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, và Nga, khác biệt như thế nào trong cách nhìn nhận vấn đề này thông qua lăng kính lợi ích cụ thể của mỗi nước.
Khác biệt giữa Mỹ và Nga-Trung Quốc
Chẳng hạn, Mỹ đang áp dụng cách tiếp cận “đợi chờ”. Họ đang muốn sử dụng bối cảnh hiện nay để làm suy yếu chế độ Taliban về mặt kinh tế và chính trị trước khi cung cấp bất cứ gói viện trợ nào hoặc giải phóng khối tài chính của Afghanistan trị giá trên 9 tỷ USD hiện đang bị đóng băng ở Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ tuy không áp dụng trực tiếp vào viện trợ nhân đạo, vẫn tiếp tục ngăn các nguồn viện trợ chính đến được Afghanistan.
Góc nhìn của Trung Quốc và Nga cũng như Pakistan lại khác. Moscow và Bắc Kinh không chỉ đổ lỗi cho Mỹ về việc tạo ra tình thế khủng hoảng hiện nay sau khi rút lui “một cách thiếu trách nhiệm” (ngôn từ của Trung Quốc...) ra khỏi Afghanistan, mà họ còn nghĩ rằng Mỹ phải gánh trách nhiệm tài chính chủ yếu.
Trong các tuyên bố của họ, ưu tiên hàng đầu là gỡ phong tỏa đối với các tài sản tài chính của Afghanistan.
Trong hơn 2 tháng qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã liên tục hối thúc Mỹ phá băng đối với các “tài sản hợp pháp” của Afghanistan và nói rằng phương pháp trừng phạt sẽ chỉ làm tình hình ở Afghanistan xấu đi, khiến các nước trong khu vực chịu ảnh hưởng tiêu cực một cách trực tiếp.
Một hội nghị tổ chức ở Moscow vào tháng 10/2021, với sự tham gia của 10 nước trong khu vực, đã kêu gọi tổ chức họp dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc để cung cấp viện trợ cho Afghanistan, nhấn mạnh rằng “gánh nặng chính... phải được đặt lên vai các nước có lực lượng quân sự hiện diện ở đây trong 20 năm qua”.
Ván cờ mới ở Kavkaz và Trung Á sau biến cố Afghanistan
Giới chức Trung Quốc cảnh báo, sự sụp đổ kinh tế ở Afghanistan sẽ tạo cho các tổ chức thánh chiến xuyên quốc gia nguồn tân binh từ bộ phận thanh niên thất nghiệp và bất mãn. Điều này, theo họ, sẽ làm tổn thương Afghanistan và các nước láng giềng kề cận.
Nhưng đồng thời, chính Nga và Trung Quốc đều chưa hề cung cấp gói viện trợ đáng kể nào cho Afghanistan để ngăn ngừa nạn đói. Trái lại, có vẻ họ nhìn thấy ích lợi trong việc không cung cấp trực tiếp viện trợ cho Taliban ngay lập tức.
Có lẽ có 2 lý do khiến Nga và Trung Quốc theo đuổi chiến thuật thực dụng này.
Thứ nhất, Nga và Trung Quốc không muốn để cho Mỹ trốn tránh trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay, khi Mỹ đột ngột rút hoàn toàn khỏi Afghanistan sau khi hiện diện tại đây suốt 2 thập kỷ và đã không thể tạo ra một nền tảng kinh tế vững chắc.
Thực tế, thảm họa kinh tế ở Afghanistan là một điểm tham khảo quan trọng hay được Nga và Trung Quốc tận dụng để ám chỉ “sự thất bại của nền văn minh phương Tây”.
Nói cách khác, bên trong thảm kịch Afghanistan xuất hiện “thắng lợi tinh thần” cho các đối thủ của Mỹ. Thắng lợi này thuận cho Nga và Trung Quốc thiết lập một trật tự mới của thế giới hoặc ít nhất là khu vực trong thời kỳ “hậu Mỹ”.
Thứ hai, Nga và Trung Quốc cũng có lợi ích trong việc đẩy chế độ Taliban đến các giới hạn của họ, không chỉ trong khía cạnh quan hệ với lực lượng khủng bố mà còn cả trong việc tăng tính bao trùm của chế độ, mở rộng cửa với các nhóm dân tộc thiểu số của Afghanistan. Việc đưa các tộc người thiểu số của Afghanistan vào cơ cấu chính quyền Taliban được xem là yếu tố cần thiết để loại bỏ ảnh hưởng của các nhóm Pashtun (tộc đa số) thân với phong trào thánh chiến Hồi giáo./.