Tài xế công nghệ, shipper ở TP.HCM tất bật hơn trong mùa dịch nhưng thu nhập giảm
09:37 02-07-2021
VOV.VN - Trong những ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, với những tài xế công nghệ hay shipper, công việc vận chuyển tất bật hơn trước cùng với những rủi ro dịch bệnh nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ để có thu nhập.
Tranh thủ từng đơn hàng
Dù số lượng khách chuyển qua đặt hàng online gia tăng đột biến trong những ngày giãn cách xã hội, nhưng theo các shipper, không phải lúc nào lượng đơn hàng cũng ổn định, có nhiều lúc phải chờ nhiều giờ liền để có được 1 chuyến xe đầu tiên trong ngày. Anh Hồ Hoàng Minh, ngụ quận Bình Thạnh, người giao hàng của một hãng công nghệ cho biết, công việc vất vả hơn, lại không có nơi nghỉ chân, ăn trưa do hàng quán chỉ bán mang về, song điều anh lo lắng nhất lúc này là làm sao có thu nhập ổn định.
Tài xế công nghệ giao hàng trước một điểm phong toả tại TP.HCM.
“Thời gian này hạn chế cuốc xe hơn, tầm 10-15 chuyến. Mỗi ngày trong App doanh thu khoảng 400.000 đến 500.000 đồng, chưa trừ xăng xe”, anh Minh cho biết.
Tài xế giao hàng của siêu thị, phục vụ nhu cầu mua sắm online của người dân trong thời gian giãn cách.
Anh Võ Văn Hùng, ngụ tại quận 6, một tài xế công nghệ của Gojek những ngày này phải nhận những cuốc xe xa hơn, tranh thủ chạy thêm giờ để có tiền trang trải sinh hoạt. Thời điểm này nhu cầu đi lại của người dân giảm rất nhiều do giãn cách nên thu nhập của anh Hùng phụ thuộc phần lớn vào việc giao hàng, giao các món ăn do khách đặt qua ứng dụng công nghệ. Anh Hùng cho biết, dù mệt mỏi và vất vả, song những người làm nghề shipper như anh vẫn cố gắng bám trụ.
“Tôi vừa chở khách, giao đồ ăn và giao hàng. Tài xế tăng lên nhiều nên lượng đơn hàng được công ty chia đều cho tất cả tài xế. Hiện tại, thu nhập của tôi giảm 50% so với bình thường. Thu nhập trên dưới 300.000 đồng trở lại, có hôm được 300.000 đồng, có hôm thì không tới”.
Nghiêm túc phòng dịch, hạn chế tiếp xúc
Do dịch bệnh phải hạn chế di chuyển nên Thái Thị Kim Ngọc, sinh viên năm 2 một trường Đại học tại quận Bình Thạnh, TP.HCM thường xuyên đặt thức ăn mang đến nơi ở trọ. Kim Ngọc cho biết, không chỉ ăn uống mà các nhu cầu khác về hàng tiêu dùng hầu như đều đặt online và được tài xế công nghệ mang đến tận nơi nhanh chóng.
“Tôi đặt hàng qua app và thanh toán thẻ trước. Khi shipper đến thì họ sẽ để đồ ở một góc, rồi tôi đến lấy. Tôi cảm thấy đặt đồ ăn online hay nhu yếu phẩm qua mạng sẽ hạn chế được tiếp xúc, phòng chống dịch bệnh”.
Một tài xế công nghệ lớn tuổi đang nghỉ ngơi dọc đường và chờ đơn hàng tiếp theo.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, công việc của các tài xế công nghệ cũng tất bật hơn. Vì thế, so với những người lao động bị giảm lương, giãn việc trong đợt dịch lần này, anh Trịnh Hoàng Dũng vẫn cảm thấy mình khá may mắn. Là shipper dịch vụ giao đồ ăn, anh rất vui vì có thể đi làm hàng ngày, có thu nhập để nuôi gia đình.
Với nhiều tài xế, lượng khách đặt xe để di chuyển ít đi trong thời gian thực hiện giãn cách, thu nhập dựa vào giao đồ ăn và hàng hoá.
Vừa hoàn thành 1 chuyến xe giao thức ăn cho 1 hộ dân sống trong khu vực phong toả, anh Hoàng Dũng chia sẻ, TP.HCM hiện giờ có rất nhiều nơi cách ly để phòng chống dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn, mỗi tài xế phải chủ động trang bị cho mình bình xịt khuẩn, gel rửa tay và khẩu trang.
“Dịch bệnh này chạy tới những khu phong toả thì cũng khá lo lắng, nhưng công việc, cuộc sống mà. Đi tới những khu vực này cần làm theo đúng chỉ thị của TP. Tôi để hàng lên bàn rồi kêu khách ra lấy, chứ không tiếp xúc. Trước khi có dịch, đi làm khoảng 8 đến 10 tiếng là đủ sống nhưng mà giờ khó lắm, giờ phải chạy 12 tiếng, có khi hơn mới đủ số đơn quy định”.
Các hãng công nghệ như Grab, Gojek, Baemin, Be... thường xuyên gửi tin nhắn nhắc nhở các tài xế công nghệ nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh, khai báo y tế trước khi đón khách hay nhận chuyển hàng, thức ăn./.
https://vov.vn/xa-hoi/tai-xe-cong-nghe-shipper-o-tphcm-tat-bat-hon-trong-mua-dich-nhung-thu-nhap-giam-870624.vov - theo vov.vn