Tài sản tham nhũng sẽ bị tẩu tán nếu không lập tức kê biên
09:40 22-12-2020
VOV.VN - Quá trình xử lý tham nhũng hiện nay còn chậm. Từ kiểm tra Đảng chuyển sang cơ quan tố tụng mất một thời gian dài thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán hết rồi.
Trong nhiệm kỳ Đại hội khóa XII, hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 27 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương và 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị. Điều này đã cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, làm sạch Đảng, làm sạch chính quyền của Đảng ta trong 5 năm qua. Tuy nhiên, quá trình xử lý tham nhũng hiện nay còn chậm. Từ kiểm tra Đảng chuyển sang cơ quan tố tụng mất một thời gian dài thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán.
Đó là ý kiến của Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự TW khi trao đổi với phóng viên VOV.VN.
Trung tướng Trần Văn Độ. (Ảnh: NVCC)
Đối với án tham nhũng, vấn đề quan trọng là thu hồi tài sản
PV: Thời gian gần đây, nhiều quan chức, cựu quan chức cấp cao đã bị xử lý kỷ luật Đảng, thậm chí là xử lý hình sự. Ông đánh giá thế nào về quyết tâm làm trong sạch nội bộ của Đảng ta?
Trung tướng Trần Văn Độ: Tôi nghĩ đó là một vấn đề cần được đánh giá cao. Trong những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng nói chung, cũng như chống vi phạm pháp luật nói riêng của Đảng, Nhà nước ta được thực hiện rất quyết liệt.
Nhiều quan chức cấp cao, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đã bị xử lý kỷ luật Đảng, bị khởi tố. Bên cạnh đó là cả những tướng lĩnh quân đội, công an. Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là làm sạch Đảng, làm sạch Nhà nước mà nó còn làm cho xã hội trong sạch, xã hội phát triển một cách bền vững, đặc biệt là tạo được lòng tin trong nhân dân.
PV: Trong những vụ đại án gần đây, nổi cộm lên là vụ án AVG, với bị cáo là hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Có thể nói đây là lần đầu trong lịch sử tố tụng Việt Nam, các bị cáo thừa nhận tội danh Nhận hối lộ với số tiền lên đến hàng triệu USD. Ông có nhận xét thế nào và điều đó có làm ông bất ngờ không?
Trung tướng Trần Văn Độ: Nói là bất ngờ thì không đúng, mà không bất ngờ cũng không được. Thực tế là tình trạng tham nhũng và nhận quà biếu có giá trị lớn hiện nay vẫn đang còn. Trong vụ án này có mấy điểm tôi đánh giá cao: Thể hiện quyết tâm xử lý “không có vùng cấm”. Đặc biệt là xử tội Nhận hối lộ là một trong hai tội nghiêm trị nhất. Hình phạt do tòa án quyết định với 2 cựu Bộ trưởng là xứng đáng.
Thứ hai là trong quá trình xử lý kỷ luật, chúng ta đã thu hồi được tài sản tham nhũng lớn. Đối với án tham nhũng, vấn đề quan trọng là thu hồi tài sản. Tôi đánh giá cao cách xử lý trong vụ án này.
Các bị cáo trong đại án AVG. (Ảnh: Trọng Phú)
Nếu không kê biên kịp thời, tài sản tham nhũng sẽ bị tẩu tán
PV: Nói về việc thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án, ngoài vụ AVG, dư luận cho rằng hiện nay lượng thu hồi tài sản trong các vụ án khác chưa được nhiều.
Trung tướng Trần Văn Độ: Đối với việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng hiện nay có tiến bộ, nhưng chưa tiến bộ được nhiều. Bởi cơ chế để thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chưa có gì thay đổi.
Thứ nhất, chúng ta chưa tội phạm hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, hoặc hành vi nhận quà biếu có giá trị lớn. Trong luật phòng chống tham nhũng, luật công chức đều có quy định cấm cán bộ công chức nhận quà biếu. Nếu đã cấm thì phải xử lý, nhận quà biếu giá trị lớn thì phải xử lý hình sự.
Chúng ta có quy định cấm nhưng trong Bộ luật Hình sự chưa có những tội đó, vậy nên chưa thể xử lý được.
Thứ hai, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chỉ mới thông qua con đường kết tội. Còn về phương pháp thu hồi không thông qua kết tội thì chúng ta chưa có. Ví dụ như một bị can phạm tội tham nhũng hàng trăm, hàng nghìn tỷ. Trong quá trình điều tra bị can đó chết. Khối tài sản đó có thể do người thừa kế của bị can hưởng.
Hiện nay, chúng ta thiếu những cơ chế khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản như trường hợp nói trên. Bị can thì chết rồi nhưng người thừa kế phải trả lại tài sản tham nhũng qua con đường dân sự.
Thứ ba đó là quá trình xử lý tham nhũng hiện nay vẫn còn chậm. Từ kiểm tra Đảng chuyển sang cơ quan tố tụng mất một thời gian dài thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán hết rồi.
PV: Vậy theo ông, chúng ta nên có một cơ chế thế nào để khắc phục điều này?
Trung tướng Trần Văn Độ: Theo tôi, khi phát hiện cán bộ có dấu hiệu tội phạm cần phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra để điều tra, truy tố, xét xử. Cơ quan điều tra khi khởi tố mới có quyền kê biên tài sản, chứ các cơ quan kiểm tra, thanh tra không có quyền này. Ngay lập tức kê biên tài sản thì mới đảm bảo thu hồi tài sản tốt. Tài sản tham nhũng phải thu hồi kịp thời mới tốt được.
Đối với đại án xảy ra ở ngân hàng BIDV, việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn vì bị cáo chủ chốt trong vụ án là ông Trần Bắc Hà đã tử vong.
PV: Trong các vụ án gần đây, nhiều bị cáo là cấp dưới phải tuân theo chỉ đạo của cấp trên. Nhưng khi chỉ đạo đó có vi phạm thì cấp dưới vẫn phải chấp hành các bản án. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Trung tướng Trần Văn Độ: Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 có đưa ra: Nếu cấp dưới chấp hành mệnh lệnh của cấp trên nhưng thấy mệnh lệnh đó trái pháp luật, đã phản ánh rồi mà vẫn bắt buộc phải làm thì anh không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng cuối cùng Quốc hội đã thảo luận và chỉ chấp nhận điều này ở trong lực lượng vũ trang (công an và quân đội).
Nhưng tôi nghĩ, trong tương lai, chúng ta phải giảm nhẹ tuyệt đối trách nhiệm hình sự với những trường hợp này. Anh không thực hiện mệnh lệnh của cấp trên thì mất “miếng cơm manh áo”, anh làm thì có nguy cơ phạm tội. Nên chúng ta phải rất cân nhắc và có cơ chế giảm nhẹ.
PV: Sắp tới sẽ diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ông có kỳ vọng gì vào công cuộc phòng chống tham nhũng trong những năm tiếp theo?
Trung tướng Trần Văn Độ: Để nói về phòng chống tham nhũng thì tôi sẽ đặt vấn đề “phòng” lên đầu. Chúng ta đợi tham nhũng xảy ra rồi mới xử lý thì đã muộn rồi.
“Phòng” tham nhũng có mấy yếu tố: Thứ nhất là để cán bộ công chức “không cần tham nhũng”. Người nào có cống hiến và chức vụ phải được trả lương xứng đáng, để họ tập trung vào cống hiến. Ví dụ như ở Singapore, lương của bộ trưởng cao hơn nhiều doanh nhân.
Thứ hai là làm thế nào để cán bộ công chức “không muốn tham nhũng”. Nghĩa là họ được giáo dục về đạo đức cán bộ, về tính tự trọng… để không muốn tham nhũng.
Thứ ba là “không thể tham nhũng”, cơ chế quản lý của Đảng, Nhà nước phải chặt chẽ đến mức cán bộ không thể tham nhũng được.
Cuối cùng là “không dám tham nhũng”, nghĩa là sợ bị xử lý hình sự. Đó là biện pháp cuối cùng, xét xử khi vi phạm. Bốn yếu tố này lại có những biện pháp khác nhau để thực hiện, nếu làm được như vậy thì mới đảm bảo yếu tố “phòng tham nhũng”.
PV: Xin cảm ơn ông./.
https://vov.vn/chinh-tri/tai-san-tham-nhung-se-bi-tau-tan-neu-khong-lap-tuc-ke-bien-825503.vov - theo vov.vn