Tài sản đã cho, tặng liệu đòi lại được không?

08:10 22-08-2023

VOV.VN - Tài sản đã sang tên người được cho tặng theo đúng trình tự pháp luật về việc tặng cho tài sản thì không có căn cứ để người cho tặng đòi lại tài sản.

Một độc giả VOV.VN có đặt ra tình huống pháp lý: Vợ tôi có nhận được căn nhà chung cư do bà nội của vợ tôi cho tặng. Giấy tờ đầy đủ, hợp pháp, hợp đồng cho tặng đầy đủ, không kèm theo điều kiện gì cả và đã chuyển quyền sử dụng nhà sang tên của vợ tôi. Thế nhưng thời gian gần đây vì nghe lời của các con gái nên bà nội của vợ tôi có đòi lại căn nhà đã tặng cho vợ tôi. Vợ tôi không trao trả lại nên bà nội đã khởi kiện để đòi lại căn nhà. Hai bên đã tiến hành hoà giải 2 lần tại địa phương nhưng không thành.

Trong đơn khởi kiện, bà nội và các cô con gái tố cáo vợ tôi cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xin hỏi, trong trường hợp này, bà nội của vợ tôi có thể đòi lại được tài sản hay không? Hành vi tố cáo vợ tôi cố tình chiếm đoạt tài sản như thế có cấu thành tội vu khống người khác hay không?

Liên quan đến tình huống trên, Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Gia (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tư vấn như sau:

 

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Theo quy định Điều 459 Bộ luật dân sự 2015, thì:

 

"1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản".

Như vậy, trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất phải được thực hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký quyền sở hữu. Trường hợp đã tặng cho hoàn tất, đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời việc chuyển quyền sở hữu đã xong thì tài sản đã thuộc về người được tặng cho.

Với trường hợp của vợ bạn, nếu muốn đòi lại phần tài sản đã tặng cho, bà nội vợ bạn phải đưa ra được căn cứ chứng minh việc tặng cho này thực hiện không đúng quy định pháp luật, như không đúng ý chí của bà nội vợ bạn, bà nội vợ bạn bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép,… hoặc việc tặng cho có điều kiện đã được ghi trong hợp đồng và vợ bạn vi phạm điều kiện tặng cho này.

Trường hợp bà nội vợ bạn không chứng minh được các vấn đề trên thì hợp đồng tặng cho đã hoàn thành, tài sản đã đứng tên vợ bạn theo đúng trình tự pháp luật về việc tặng cho tài sản thì hiện tại không có căn cứ để bà nội vợ bạn đòi lại tài sản.

Ngoài ra, việc bà nội vợ bạn tố cáo vợ bạn cố tình chiếm đoạt tài sản, thì:

Khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Như vậy, để thỏa mãn cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội phải có thủ đoạn gian dối, đưa ra các thông tin hoặc thực hiện các hành vi không đúng sự thật nhằm mục đích có được tài sản và chiếm đoạt tài sản đó.

Trường hợp giữa người tặng cho và người được tặng cho tài sản hoàn toàn thiện chí, trung thực và tự nguyện giao kết hợp đồng tặng cho thì không thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

https://vov.vn/phap-luat/tai-san-da-cho-tang-lieu-doi-lai-duoc-khong-post1040743.vov - theo vov.vn