Tái định cư 7 năm vẫn chưa chính thức sở hữu đất ở - chuyện lạ ở Thừa Thiên Huế
08:17 23-05-2023
VOV.VN - Sau 7 năm bị thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đến nay, các hộ dân ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhà ở trong khu tái định cư mới tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc. Thế nhưng, chưa hộ dân nào được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điện và nước sạch không đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Nhiều hộ dân rất
Cách đây 7 năm, 12 gia đình ở thôn Xuân Mỹ, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc bàn giao đất cho dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan và được cấp đất về tái định cư tại thôn Hưng An, xã Xuân Lộc. Tuy nhiên, tại nơi ở mới, điều kiện sinh hoạt của bà con không đảm bảo như lời hứa.
Ông Lê Hữu Cường, một hộ dân sống ở khu tái định cư mới cho biết, khi thực hiện dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, bà con đã bàn giao đất để dự án đảm bảo tiến độ. Khi bà con đến sống trong khu tái định cư mới thì gặp nhiều khó khăn. Điện thắp sáng bà con phải xin kéo dây từ nơi khác về dùng tạm. Nước sinh hoạt do các hộ dân tự góp tiền khoan giếng bơm.
Ông Lê Hữu Cường bày tỏ bức xúc: “Tôi kiến nghị, thứ nhất là yêu cầu làm bìa đỏ để có điện nước cho những gia đình ở đây sinh hoạt, cuộc sống của chúng tôi quá khổ cực”.
Sống ở khu tái định cư Hưng An gần 7 năm nhưng đến nay chưa hộ dân nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Bùi Chính, một hộ dân ở khu tái định cư Hưng An cho biết, năm 2016, ông Đỗ Văn Mạnh, một chuyên viên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc về địa bàn làm thủ tục cho bà con. Cán bộ này hứa, nếu không nhận đất tái định cư, bà con sẽ được nhận 45 triệu đồng. Nhưng nếu bà con nhận đất thì số tiền ấy sẽ được giải quyết làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ai cũng nhận đất và không nhận tiền. Trong 5 năm, bà con được nợ tiền mua đất tái định cư. Đến năm 2021, ông Đỗ Văn Mạnh bị bắt về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đến năm 2022, khi người dân đến nộp tiền thì được cơ quan thuế thông báo phải nộp thêm số tiền lãi do nộp chậm, gần bằng số tiền gốc.
Ông Bùi Chính than thở: “Trước đây họ tiếp nhận làm sổ đỏ từ năm 2016. Nhưng hồi đó mới đang làm nhà, ở tái định cư mới thì mình cũng không có tiền, khó khăn, họ nói là cho nợ 5 năm, sau 5 năm đem tiền về lấy sổ đỏ lên. Đến năm 2019-2021 thì dịch, tôi không về được. Năm 2022, tôi về để đóng thuế làm sổ thì bên thuế họ thông báo là hồ sơ của tôi đã quá thời hạn. Tiền đất ở đây hồi đó là 43 triệu nhưng họ tính thêm tiền lãi là 27 triệu”.
Giải thích vấn đề người dân thắc mắc về điện, nước sinh hoạt ở khu tái định cư mới, ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, trước đây, Ban Quản lý dự án công trình huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư các công trình này. Nhưng đơn vị đã bàn giao công trình điện, nước cho Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã đầu tư 1 trạm biến áp 110KV nhưng vì số lượng dân ít, nếu cấp điện thì hao phí điện năng tương đối lớn nên chưa thể cấp điện đến 12 hộ khu tái định cư này. Hiện nay, người dân tự kéo đường điện từ khu dân cư gần đó để sử dụng.
Riêng việc người dân bị phạt chậm nộp tiền sử dụng đất, ông Trần Viết Tú cho hay, ngày 7/9/2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc đã mời các hộ dân lên làm việc, nắm thông tin và rà soát hồ sơ liên quan. Tại buổi làm việc này, một số hộ dân đã ký biên bản và cam kết thời gian nộp thuế. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, người dân không liên hệ với cơ quan thuế để thực hiện nghĩa vụ. Gần đây, UBND huyện Phú Lộc đã tổ chức nhiều cuộc họp, tìm cách tháo gỡ cho người dân. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo UBND xã hướng dẫn người dân nộp tiền gốc để khỏi phát sinh tiền lãi, sau đó tiếp tục tìm hướng tháo gỡ.
Ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm: “Tại thời điểm đó, riêng đối với tái định cư ở các vùng đặc biệt khó khăn, quy định vẫn cho phép nợ tiền sử dụng đất 5 năm nhưng với điều kiện anh phải có đơn đề nghị nợ tiền sử dụng đất và được UBND huyện chấp thuận. Đó là theo quy định. Nhưng thực ra, những thủ tục đó trước đây không làm, có thể là quá trình thực hiện, khi đọc văn bản đồng chí phụ trách dự án hướng dẫn không rõ. Người dân thì họ lại không hiểu biết nhiều nên chi họ cứ y án như trên để 5 năm sau về nộp”.
Ông Hoàng Văn Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, chính quyền địa phương đang tìm cách giải quyết theo hướng tốt nhất cho người dân, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống: “Chúng tôi cũng đã họp rất nhiều lần tại xã Xuân Lộc, mục đích để làm như thế nào đó giải quyết nhanh cho bà con cho ổn định. Hơn ai hết, chính quyền cấp huyện phải có trách nhiệm, không thể để bà con ở chỗ mới mà còn không bảo đảm bảo. Chúng tôi rà lại, có hướng giải quyết cho bà con không những địa bàn tại xã Xuân Lộc mà tất cả các địa bàn trên huyện”./.
https://vov.vn/xa-hoi/tai-dinh-cu-7-nam-van-chua-chinh-thuc-so-huu-dat-o-chuyen-la-o-thua-thien-hue-post1021841.vov - theo vov.vn