Số hóa và cấu trúc lại nghề cá

08:17 12-12-2024

VOV.VN - Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về khai thác thủy sản, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản... không chỉ gỡ "Thẻ vàng" mà còn hướng đến phát triển một nghề cá bền vững và hội nhập.

Trong nỗ lực gỡ "Thẻ vàng" EU, gần 7 năm qua, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao các bộ, nhành, địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”. Những quy định chặt chẽ về cấp giấy phép khai thác có thời hạn; không cấp phép đóng mới, cải hoán tàu cũ; không cho phép khai thác cá nhỏ dưới kích thước; khuyến khích nuôi trồng bền vững… đã và đang đi vào cuộc sống.

Tiếp tục loạt bài “Vì nghề cá bền vững và hội nhập”, VOV đề cập các nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương vì một nghề cá bền vững và hội nhập.

Kể từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi không cấp phép cải hoán, đóng mới tàu hành nghề lưới kéo. Qua đó, tỉnh này đã giảm tàu lưới kéo từ 1.963 chiếc vào năm 2014 xuống còn 1.225 chiếc vào cuối năm 2023 và đang tiếp tục giảm, tiến tới xóa bỏ nghề lưới kéo vào năm 2030.

 

Mới đây, ngày 04/11/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã xác định 2 khu vực cấm khai thác thủy sản ven bờ tại phía Nam đảo Lý Sơn và thị xã Đức Phổ. Thời gian cấm khai thác từ ngày 01/11 đến 30/11 hằng năm. Đây là 2 vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc cấm đóng mới, cải hoán tàu cá cũng như cấm khai thác có thời hạn là giải pháp bảo tồn thủy sản bền vững theo xu hướng hội nhập: “Tất cả tàu cá được kiểm soát và giảm dần cũng là thời điểm thích hợp triển khai nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thì mới quản lý được hoạt động khai thác của bà con. Đi đôi với quy định cấm cũng rất cần chính sách đảm bảo an sinh cho bà con trong thời giam cấm khai thác có thời hạn.”

Tại Nghị định số 37 năm 2024 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 19/5/2024 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản đã có quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản trong vùng nước tự nhiên, cá ngừ vằn chỉ được khai thác với chiều dài nhỏ nhất cho phép là 500 mm. Việc hạn chế và cấm đánh bắt theo kích cỡ là một trong những giải pháp lâu dài vì một nghề cá bền vững.

Ngư dân Võ Văn Hân, chủ tàu cá QNg- 90625.TS cho biết, bản thân ông đồng tình với việc hạn chế đánh bắt và không cấp phép đóng tàu mới: “Quảng Ngãi có thông báo cho ngư dân chúng tôi là có cấm trên những vùng biển thì những vùng đó mình không làm, còn những vùng không cấm thì mình có thể tiếp tục khai thác. Bản thân tôi thì tôi thấy việc đó rất ý nghĩa”.

Cấm hoặc hạn chế đánh bắt tận diệt, đồng thời không phát triển thêm đội tàu là một trong những giải pháp phát triển nghề cá bền vững. Vấn đề đặt ra hiện nay là chuyện mưu sinh của ngư dân miền biển phải tính đến việc chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ nuôi trồng hải sản, phải chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang nuôi công nghiệp.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học Công nghệ thuộc Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, muốn chuyển dần từ nuôi biển truyền thống sang công nghiệp, việc đầu tiên là cần thay đổi tư duy trong nuôi biển.

“Đầu tiên là phải thay đổi tư duy, tôi cho rằng đó là việc khó nhất. Quy hoạch là việc của Nhà nước. Vùng nuôi giờ phải sắp xếp lại cho trật tự, nuôi chỗ nào, chỗ nào luồng lạch, chỗ nuôi thông thoáng và chỗ chất thải không tồn đọng dưới đáy biển. Phải quan trắc môi trường rồi giám sát thấy như thế nào để thay đổi. Đi xa hơn nữa phải áp dụng công nghệ, kỳ vọng bắt đầu lớn hơn. Áp dụng công nghệ thì phát triển lớn mà phát triển lớn lúc này thì cần có vốn, cần có đầu tư lớn hơn, đầu tư lớn hơn phải có hợp tác với doanh nghiệp. Vấn đề này khó, rất khó nhưng không có nghĩa là chúng ta đầu hàng. Nếu cứ ngồi kêu khó không bao giờ có kết quả, mà phải làm, Không làm lớn được thì làm thử trước, quy mô nhỏ trước sau đó mở rộng", Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn nói.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác thủy sản cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả đánh bắt, quản lý và giám sát tàu cá. Bình Định là tỉnh đi đầu trong 28 tỉnh, thành phố ven biển áp dụng thí điểm nhật ký điện tử để giám sát tàu cá. Đây cũng là địa phương đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc.

Trước thực tế ngư dân liên tục bị mất kết nối vệ tinh với thiết bị giám sát hành trình, tỉnh Bình Định cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thí điểm trang bị thiết bị điện tử tự động ghi nhật ký đánh bắt trên biển, giúp ngư dân không phải thao tác bằng cách ghi chép vào sổ giấy. UBND tỉnh  Bình Định bỏ ra 1 tỷ đồng đầu tư lắp đặt thí điểm nhật ký điện tử trên 100 tàu cá của ngư dân.

Cách làm này đã mang lại kết quả chính xác trong việc minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ thủy sản đánh bắt, ngư dân dễ dàng khai báo vị trí, tọa độ đánh bắt trên biển, không phải ghi thủ công hàng ngày. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bộ này đã giao Cục Thủy sản thực hiện thí điểm tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bình Định. Kết quả cho thấy, nhật ký hành trình điện tử thuận lợi hơn, công khai hơn và minh bạch hơn:

“EC nhấn mạnh 3 nội dung gắn 3 công việc. Một là quản lý tàu, giám sát tàu; Thứ 2 là truy xuất nguồn gốc và thứ 3 là xử lý vi phạm hành chính. Quản lý đội tàu, giám sát đội tàu của Bình Định thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên còn những trường hợp mất kết nối không khai báo và không đảm bảo 6 tiếng nhắn tin 1 lần phải xử lý triệt để. Truy xuất nguồn gốc của chúng ta tương đối tốt rồi nhưng truy xuất đó phải dựa trên nhật ký khai thác và nhật ký khai thác nhập bằng container nhưng nhật ký của chúng ta vẫn chưa chặt chẽ, chưa sát, chưa đảm bảo tính sát thực. Việc nữa là xử lý vi phạm hành chính, chính vì không quản được hết lượng tàu cho xử lý vi phạm hành chính đối với truy xuất nguồn gốc và mất kết nối còn hạn chế nhất định”, ông Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Có thể thấy, sau gần 7 năm được EU cảnh báo “Thẻ vàng”, Việt Nam đã có những quy định chặt chẽ trong việc thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững và hội nhập.

- Ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

- Ngày 22/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư.

- Ngày 12/6/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

- Ngày 4/11/2024, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy đinh, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu.

- Tiếp đến, ngày 5/12/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện hỏa tốc về việc chấn chỉnh công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, giấy chứng nhận thủy sản khai thác tại địa phương. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại các cảng cá; cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại các cơ quan quản lý thủy sản địa phương.

Trên hành trình phát triển nghề cá bền vững và hội nhập, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, nhất là cán bộ cấp xã, phường. Trước hết, phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ pháp luật trên biển; từng bước hoàn thiện đội tàu đánh bắt theo hướng tinh, gọn và hiệu quả. Bên cạnh đó là các chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Đối với nỗ lực gỡ “Thẻ vàng IUU”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Cái đầu tiên là chúng ta phải đổi mới tư duy. Chúng ta cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả để thay đổi nhưng chúng ta không cân nhắc về cái giá phải trả nếu không thay đổi. Trữ lượng đại dương cạn kiệt, đánh bắt tận diệt rồi cứ IUU, nay vàng thì mai đỏ. Chúng ta đừng nghĩ rằng IUU là mấy con cá, đây là hình ảnh quốc gia. Quốc gia văn minh là quốc gia có trách nhiệm với môi trường, với đại dương, với quốc tế”.

Gần 7 năm qua, kể từ khi Ủy ban Châu Âu cảnh báo "Thẻ vàng" đối với hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các bộ ngành, địa phương liên quan cùng bà con ngư dân đã rất nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC trong hoạt động phát triển nghề cá. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về khai thác thủy sản, giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản... hướng đến mục tiêu không chỉ gỡ "Thẻ vàng" mà còn hướng đến phát triển một nghề cá bền vững và hội nhập.

https://vov.vn/kinh-te/so-hoa-va-cau-truc-lai-nghe-ca-post1141111.vov - Theo vov.vn