Sáng 10/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

08:52 10-04-2020

VOV.VN - Bộ Y tế thông báo, tính tới 6h sáng 10/4, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Tổng số ca mắc trên là nước hiện là 255 người.

Đến 6h sáng 10/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 255 trường hợp, trong đó, 158 người từ nước ngoài chiếm 62,2% và 97 người lây nhiễm thứ phát.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) trên cả nước là 74.941 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 720 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.329 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 49.892 người.

(Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 17 ca; có 2 lần âm tính là 18 ca. Dự kiến trong ngày 10/4, 14 bệnh nhân sẽ được công bố điều trị khỏi.
Chiều 9/4, phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…
Hiện gần 4 tỷ người ở 90 quốc gia, gần 50% dân số thế giới đang được yêu cầu ở nhà để phòng chống COVID-19. Nhiều nước thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, cả xử lý hình sự đối với người ra đường không đúng quy định. Có thể thấy, Việt Nam không phải nước duy nhất thực hiện cách ly toàn xã hội nhưng là nước thực hiện sớm.
Chúng ta đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, tuy nhiên, theo Thủ tướng, nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thủ tướng yêu cầu mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với dịch COVID-19 như tình trạng một số nước vấp phải, “kết quả từ các bản tin hằng ngày là mừng nhưng nỗi lo vẫn còn đó”.






Thủ tướng nêu rõ, chúng ta kiên định nguyên tắc từ đầu là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả, trong từng thời điểm, có thể thay đổi chiến thuật, ứng phó theo giai đoạn nhưng kiên định về chiến lược trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Điều quan trọng của chiến lược phòng chống là áp dụng đúng thời điểm, tăng dần mức độ, vì vậy đạt được thành công ban đầu quan trọng.
Về ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế người từ nước ngoài vào Việt Nam trừ một số trường hợp đã được nêu trong các văn bản trước đó. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ chở hàng và công tác bảo hộ công dân được sự cho phép của Thủ tướng. Hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa. Tiếp tục khuyến cáo công dân ở các nước không về nước trước ngày 15/4 trừ một số trường hợp đặc biệt. Với tất cả người nhập cảnh vào Việt Nam, đều thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể.
Bộ Y tế mở các kênh tư vấn bảo vệ sức khỏe cho người dân đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài qua hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến.
Nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, Thủ tướng nêu rõ, các địa phương cần chấn chỉnh, thực hiện nghiêm biện pháp cách ly xã hội với biện pháp mạnh nhưng không "quá tả" trong thực hiện, không "quá hữu" dẫn đến buông xuôi, trong đó bảo đảm lưu thông hàng hóa, nhưng kiểm soát chặt chẽ con người. Các lực lượng chức năng và các tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh việc thông quan hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng hóa qua biên giới thuận tiện.
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…
Thủ tướng giao Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế có nhận định, đánh giá tình hình sát đúng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc có hay không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 sau thời hạn 15/4 vào phiên họp sau.
Phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch là yêu cầu cấp bách. Cần tăng cường năng lực xét nghiệm, bảo đảm các tỉnh, thành phố thực hiện việc xét nghiệm theo phương châm “4 tại chỗ”. Cần thay đổi chiến lược xét nghiệm cho phù hợp. Không được chủ quan trong phán đoán, cần hành động ngay, dứt khoát để khoanh vùng, dập dịch.
Từ trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác, cần chú trọng phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 cho các nhân viên y tế. Bộ Y tế cần có hướng dẫn kỹ lưỡng việc cách ly đối với nhân viên y tế nếu xảy ra ở quy mô lớn hơn để bảo đảm có đầy đủ nhân viên y tế làm việc.
Tập trung phát triển trang thiết bị y tế, Thủ tướng cho rằng, đây là thời cơ cũng là thách thức đối với các ngành sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế.
Việc tự sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán bệnh đã giúp chúng ta chủ động trong xét nghiệm, điều trị, là cơ hội khi chúng ta xuất khẩu sinh phẩm này.
Yêu cầu đẩy mạnh cung cấp công khai, minh bạch về các biện pháp phòng chống dịch để người dân yên tâm, Thủ tướng nêu rõ, cần tuyên truyền đúng mức, không lạc quan quá, cũng không giật gân khiến người dân hoang mang. Truyền thông cần tập trung vào 3 đối tượng: Y bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chống dịch; các đội ngũ phục vụ trực tiếp như công an, quân đội, kể cả lực lượng biên phòng; những tấm lòng nhân ái./.

https://vov.vn/tin-24h/sang-104-viet-nam-khong-ghi-nhan-ca-mac-moi-covid19-1035100.vov - theo vov.vn