Quảng Ninh gỡ nút thắt phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
09:18 09-04-2021
VOV.VN - Đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao luôn được coi là khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội. Với một địa phương đang có đà tăng trưởng tích cực như Quảng Ninh, yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao lại càng trở thành thách thức lớn.
Năm học vừa qua, thông qua các hội nghị kết nối doanh nghiệp do nhà trường tổ chức, nhiều sinh viên Trường Đại học Hạ Long đã được tuyển dụng làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh sau khi rời giảng đường. Theo thống kê, 90% sinh viên của 2 khóa đào tạo Đại học đầu tiên cũng đều có việc làm ngay khi ra trường. Cá biệt có những ngành như ngôn ngữ tiếng Trung, toàn bộ sinh viên trong thời gian thực tập đã được doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.
Với vai trò đào tạo nhân lực trực tiếp cho các ngành nghề mà địa phương đang đòi hỏi như Du lịch, Ngôn ngữ, Thủy sản... tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt cho Trường Đại học Hạ Long như đãi ngộ riêng cho giảng viên trình độ cao, miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn, đồ dùng học tập cho sinh viên.
Trường Đại học Hạ Long ngày càng thu hút sinh viên theo học nhờ các chính sách ưu đãi lớn của tỉnh.
Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết: "Các cơ chế chính sách này đóng vai trò đòn bẩy, có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, đặc biệt trong giai đoạn đầu mới thành lập. Nhờ đó trường Đại học Hạ Long đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu, vị thế đối với học sinh và phụ huynh trên điạ bàn và các tỉnh lân cận. Năm học 2020-2021 chúng tôi tuyển được 1200 sinh viên hệ Đại học, tăng 30% so với năm học 2019-2020. Cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo khoảng 6.000 sinh viên hệ chính quy.
Mặc dù vậy, điểm sáng Trường Đại học Hạ Long là chưa đủ trong "bức tranh" đào tạo nhân lực tại chỗ của Quảng Ninh. Báo cáo nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã chỉ rõ: Quảng Ninh vẫn còn hạn chế về sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao so với yêu cầu phát triển của tỉnh.
Quảng Ninh đang thiếu hụt nhân lực trình độ cao cho nhiều ngành nghề trọng điểm như công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch,...
Giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã chi gần 22.000 tỷ đồng từ ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, gấp đôi so với 5 năm trước. Nguồn nhân lực của Quảng Ninh hiện có gần 800.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 85%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước và đang chuyển dịch tích cực. Toàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề, trung bình tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp 34.000-35.000 người/năm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Ninh, chỉ có khoảng 16% trong số này được đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp (bằng một nửa so với mục tiêu), còn lại là đào tạo ngắn hạn, dưới 3 tháng, việc phân luồng sau giáo dục phổ thông và cơ cấu tuyển sinh đào tạo nghề chưa hợp lý: "Nhu cầu tuyển dụng lao động trong giai đoạn tới của tỉnh là rất lớn. Trên cơ sở dự báo năm 2025 cần tăng thêm hơn 100.000 lao động, riêng trong các KCN cần tuyển trên 54.000 lao động. Chúng tôi thấy rằng hiện nay hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có thể nhiều nhưng chưa mạnh, chất lượng tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở này còn hạn chế.
Với sự tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây, đặc biệt là định hướng chuyển dịch kinh tế từ "nâu" sang "xanh", nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh đều đang "khát nhân lực" trình độ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dịch vụ, du lịch cũng đòi hỏi lượng lớn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, bài bản hơn. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, đây chính là thách thức trực tiếp đối với tỉnh. Để tháo gỡ nút thắt này, Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án cụ thể, có cơ chế chính sách quan tâm đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới.
Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, sắp xếp lại hệ thống trường học phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, ưu tiên vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Trường Đại học Hạ Long sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía bắc, đồng thời sắp xếp lại các trường nghề gắn với các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh cũng sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo.
Ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định: "Giải pháp là phải quan tâm tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đào tạo nghề theo hướng là gắn đào tạo với sử dụng, đặc biệt là các tập đoàn, các doanh nghiệp có thương hiệu hiện đã thành công ở Quảng Ninh. Tỉnh cũng đã có chủ trương quan tâm đến nhà ở cho người lao động, đã rà soát quỹ đất 20%, cùng với đó là tạo quỹ đất phát triển các quỹ nhà ở với giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh để thu hút nguồn lao động đã qua đào tạo từ ngoại tỉnh về Quảng Ninh".
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định trong giai đoạn 2020-2025, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số là khâu đột phá, cấp bách. Đây là cơ sở để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc./.
https://vov.vn/xa-hoi/quang-ninh-go-nut-that-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-849151.vov - theo vov.vn