Quảng Ninh dành thêm nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số

08:43 18-11-2024

VOV.VN - Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Quảng Ninh dành 4.000 tỷ đồng, gấp 2,26 lần so với giai đoạn 2016-2020 cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM và phát triển KT-XH. Cùng với đó là thực hiện giao đất, giao rừng với tổng diện tích trên 275.000 ha cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Những chính sách thiết thực, hiệu quả này đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống kinh tế xã hội khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. 

Anh La A Nồng (chủ một cơ sở sản xuất ở xã Húc Động, huyện Bình Liêu) và chị Vi Thị Dung (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ) cho biết: "Trong 5 năm qua, HTX cũng hỗ trợ cho vay nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách với lãi suất là 0,65%. Cơ sở tạo điều kiện việc làm cho bà con tại địa phương với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu/người/tháng... Đối với huyện Ba Chẽ đời sống của người dân được nâng lên rất rõ rệt ràng, nhiều hộ gia đình xây được nhà đẹp, mua sắm được ô tô để phục vụ sản xuất".  

 

Hiện nay, 100% hộ dân vùng đồng bào DTTS, miền núi ở Quảng Ninh đã được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% hộ dân khu vực này được sử dụng nước hợp vệ sinh; tất cả 64 xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM; trong đó có 29 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 73,3 triệu đồng/năm (tăng 29,6 triệu đồng so với năm 2020)... Đây là cơ sở quan trọng để địa phương tiếp tục có những chính sách riêng biệt cho khu vực này, nhất là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của tỉnh ủy Quảng Ninh "Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Cũng trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã hoàn thành 13/15 dự án giao thông động lực góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS. Dù vậy, khu vực đồng bào DTTS miền núi, biên giới, hải đảo... vẫn là những địa bàn khó khăn, cần có những chính sách đầu tư, hỗ trợ hiệu quả và phù hợp. 

Ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng: "Tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu vật nuôi, cây trồng phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, miền núi trên cơ sở các bài học kinh nghiệm quý báu rút ra sau cơn bão số 3 lịch sử".

Trong giai đoạn 2024-2029, Quảng Ninh đặt ra 11 chỉ tiêu cụ thể nhằm tạo những bước phát triển đột phá ở vùng đồng bào DTTS với mục tiêu cao nhất là vừa giàu về kinh tế vừa đậm đà bản sắc dân tộc và vững về quốc phòng, an ninh. Trong đó, nổi bật là phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của vùng miền núi, biên giới, hải đảo đạt trên 150 triệu đồng/người.

https://vov.vn/xa-hoi/quang-ninh-danh-them-nguon-luc-cho-vung-dan-toc-thieu-so-post1136240.vov - Theo vov.vn