Phương Tây lo âu trước khả năng Nga nổ ra chiến tranh với Ukraine
08:45 15-04-2021
VOV.VN - Kể từ giữa tháng 3/2021, có những cảnh báo từ Ukraine và các nước phương Tây về việc Nga tập trung quân trên bán đảo Crimea và xung quanh khu vực xung đột miền đông Ukraine. Phương Tây vẫn đang hồi hộp về ý đồ thực sự của Nga, về khả năng nổ ra chiến tranh giữa nước này và Ukraine.
Liệu Nga có đang chuẩn bị đưa quân vào Ukraine?
Nhiều nguồn tin nói về hoạt động chuyển quân của Nga về hướng biên giới với miền đông Ukraine và vào Crimea, mà Nga sáp nhập vào tháng 2/2014. Nhiều trong số các thông tin này xuất hiện trên mạng Twitter, như là các đoạn tweet của hãng thông tin tình báo Jane’s, nói về các tên lửa tầm ngắn Iskander.
Quân Nga ở Crimea. Ảnh: Getty.
Điện Kremlin chưa cung cấp thêm chi tiết nào cả. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov, cho hay việc di chuyển quân trong lãnh thổ Nga là “chuyện nội bộ”. Một số lượng binh sĩ, bao gồm các đơn vị ở Crimea, đang diễn tập quân sự. Nhưng ông Peskov cũng tố Ukraine đang dàn dựng “các vụ khiêu khích”.
Các nguồn tin tình báo Ukraine nói với hãng BBC rằng còn có thêm 16 đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (với quân số khoảng 14.000 lính). Tổng cộng, theo phủ tổng thống Ukraine, Nga hiện có khoảng 40.000 lính ở biên giới phía đông nước này và khoảng 40.000 lính nữa ở Crimea.
Vào ngày 13/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tố cáo NATO về các hành động “đe dọa” và nói rằng Nga đã phản ứng lại bằng cách điều 2 đội quân và 3 đội hình lính đổ bộ đường không tới biên giới phía tây để thực hiện tập trận. Ông này không cung cấp các con số và địa điểm chi tiết.
Liệu đây có phải là lực lượng dùng cho việc xâm chiếm? Giới phân tích phương Tây cho rằng không có khả năng xảy ra một cuộc xâm chiếm quy mô lớn. Họ đồn đoán về khả năng phía Nga tiến hành xâm nhập, và nhắc lại chuyện lực lượng đặc nhiệm (được cho là của Nga) không đeo phù hiệu xuất hiện ở Crimea hồi năm 2014.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gọi việc Nga tập trung quân nói trên là “gây quan ngại sâu sắc và không thể biện minh”. Ông này cũng khẳng định rằng đây là cuộc “tập trung quân lớn nhất của Nga kể từ khi Crimea được sáp nhập vào lãnh thổ Nga”.
Ukraine, NATO, và chính phủ các nước phương Tây từ lâu đã tố Nga triển khai các đơn vị chính quy và vũ khí hạng nặng ở khu vực miền đông Ukraine do lực lượng ly khai nắm giữ. Điện Kremlin phủ nhận điều này và gọi quân Nga ở đó là các “tình nguyện viên”.
Phát biểu tại tổng hành dinh NATO ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Ukaine Dmytro Kuleba nói rằng Nga “đang công khai đe dọa Ukraine bằng chiến tranh và việc hủy diệt nhà nước của chúng tôi”. Ông này cũng nói thêm rằng, khác với năm 2014, giờ Nga sẽ không thể gây bất ngờ được nữa.
Vì sao Nga lại căng thẳng với Ukraine?
Quan hệ Nga-Ukraine hiện mang tính thù địch nhưng chưa đến mức chiến tranh tổng lực. Có những đụng độ lẻ tẻ ở tuyến trước.
Miền đông Ukraine. Đồ họa: BBC.
Kể từ khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô vào năm 1991, quân Nga đã tham gia một số xung đột ở một số khu vực thuộc Liên Xô cũ, như Chechnya và một số vùng khác của vùng Kavkaz.
Hồi tháng 4/2014, ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea, các lực lượng ly khai thân Nga đã chiếm một vùng rộng lớn của các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine. Trước đó, nhiều tháng biểu tình ở thủ đô Kiev của Ukraine đã khiến vị tổng thống thân Nga, Victor Yanukovych, phải rời bỏ chức vụ.
Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nhớ lại rằng hồi năm 2014 từng có một kế hoạch chia đôi Ukraine và thành lập một thực thể mới tên là Novorossiya (có nghĩa là Tân Nga) và kế hoạch này đã bị quân đội Ukraine phá vỡ.
Khu vực xung đột Donbas chủ yếu nói tiếng Nga và nhiều cư dân ở đây giờ đã sở hữu hộ chiếu Nga. Tổng thống Putin cho biết, Nga sẽ bảo vệ các công dân của mình ở nước ngoài nếu họ gặp nguy hiểm.
Một báo cáo đặc biệt dành cho Quốc hội Mỹ vào năm 2020 đã nhấn mạnh đến vai trò của GRU (cơ quan tình báo quân sự Nga) ở khu vực chiến sự nói trên của Ukraine.
Hơn 13.000 người đã thiệt mạng trong xung đột ở miền đông Ukraine. Phía Ukraine nói rằng 26 binh sĩ của họ đã thiệt mạng ở Donbas cho tới thời điểm hiện tại của năm 2021, so với 50 người trong năm 2020. Còn phe ly khai nói rằng 20 người của họ đã chết tính đến lúc này của năm 2021.
Ukraine và Nga: Đổ vỡ khó hàn gắn
Tại sao lúc này Nga lại đặc biệt rắn với Ukraine?
Hồi tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky áp đặt lệnh trừng phạt lên nhân vật Ukraine Viktor Medvedchuk – một người bạn của Tổng thống Nga Putin. Ukraine cũng cấm phát sóng đối với 3 đài truyền hình thân Nga.
Thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được vào năm 2015 vẫn chưa được tuân thủ đầy đủ. Chẳng hạn, vẫn chưa có dàn xếp nào để tiến hành các cuộc bầu cử được giám sát độc lập ở các khu vực ly khai.
Một số người đồn đoán rằng ông Putin cũng muốn thử thách Tổng thống Mỹ Joe Biden, người vừa có quan điểm cứng rắn hơn với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Ngoài ra hiện nay Tổng thống Putin sắp đối diện với các cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 9 tới cũng như một phong trào ủng hộ đối thủ chính trị của ông, Alexei Navalny. Việc Kremlin bảo vệ các công dân Nga ở Ukraine có thể sẽ ghi thêm điểm với cử tri. Nhà bất đồng chính kiến Nalvany cũng có thể bị lu mờ nếu tinh thần yêu nước ở Nga dâng trào trong vấn đề Ukraine.
Liệu NATO có bảo vệ được Ukraine?
Hiện nay NATO không bảo vệ Ukraine bằng hiệp ước vì Ukraine không phải là thành viên của khối quân sự này. Nhưng NATO có mối quan hệ chặt chẽ với Ukraine – nước đã nhận được vũ khí phương Tây bao gồm cả tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ. Nga thừa biết rằng họ có thể rơi vào tình thế kích động phương Tây tăng cường trợ giúp quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã hối thúc NATO đẩy mạnh quá trình kết nạp Ukraine. Nhưng xung đột hiện nay ở miền đông Ukraine khiến cho NATO khó có thể đón nhận Ukraine, chiểu theo các điều khoản hiện hành của liên minh quân sự có 30 nước này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng “việc quyết định Ukraine đã sẵn sàng làm thành viên NATO hay chưa là tùy thuộc vào 30 thành viên của khối”. Nhưng ông cũng nhấn mạnh đến quan hệ đối tác đặc biệt hiện nay của Ukraine với NATO. Chỉ một số nước (bao gồm Thụy Điển, Phần Lan, và Gruzia) có được mối quan hệ như vậy với NATO.
Điện Kremlin đã từ lâu cảnh báo Ukraine chớ có gia nhập NATO.
Người đứng đầu NATO cho biết, khối này đang giúp quân đội Ukraine hiện đại hóa, huấn luyện, và tham gia tập trận chung./.
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-lo-au-truoc-kha-nang-nga-no-ra-chien-tranh-voi-ukraine-850284.vov - theo vov.vn