Phụ huynh vẫn thấp thỏm khi phương án tuyển sinh lớp 10 chưa “ngã ngũ”

07:55 23-10-2024

VOV.VN - Nhiều phụ huynh, học sinh vẫn đang thấp thỏm trước những đề xuất về phương án thi vào lớp 10 của Bộ GD-ĐT. Dù không đề xuất phương án bốc thăm môn thứ 3, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn đề xuất môn thi thứ 3 do các địa phương lựa chọn và thay đổi qua các năm. Đó có thể là 1 môn thi hoặc 1 bài thi tổ hợp.

Bộ GD-ĐT cho biết, khi công bố quy chế tuyển sinh THCS và THPT lấy ý kiến rộng rãi xã hội, có đến 60/63 Sở GDĐT đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.

Về phương án tuyển sinh THPT, dù đã bỏ phương án “bốc thăm” môn thứ 3, song Bộ GD-ĐT vẫn đề xuất có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.

Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

 

Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.

Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.

Có con đang học lớp 9, chị Hoàng Thu Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, theo dõi các đề xuất của Bộ GD-ĐT, chị thấy không có nhiều khác biệt giữa việc “bốc thăm” môn thứ 3 và việc lựa chọn môn thứ 3 trong số các môn còn lại.

“Tôi nhận thấy, bản chất vẫn là sẽ lựa chọn một môn thứ 3 bất kỳ và công bố trước 31/3 hàng năm. Phương án này gây áp lực cho cả phụ huynh và học sinh, nhất là những học sinh năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10. Khi gần hết học kỳ 1, các con vẫn chưa hình dung được kỳ thi sắp tới sẽ được tổ chức thế nào. Hơn nữa, theo phương án của Bộ GD-ĐT đề xuất, môn thi thứ 3 có thể là 1 môn nhưng cũng có thể là tổ hợp, nếu thí sinh thi vào năm có bài thi tổ hợp, lượng kiến thức phải ôn sẽ rất nhiều, nặng hơn hẳn những năm thi vào 1 môn độc lập. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng giữa các năm. Bên cạnh đó thời gian công bố môn thi thứ 3 vào cuối tháng 3 cũng sẽ tạo ra tâm lý lo lắng, thấp thỏm cho cả thí sinh và phụ huynh”.

Chị Hạnh cho biết thêm, bước vào năm học lớp 9, ngay từ đầu năm, con gái chị đã kín mít lịch học cả tuần. Không có thế mạnh ở các môn Khoa học tự nhiên, lại chưa chắc chắn phương án thi vào lớp 10, nên con phải dồn lực học thêm ở các môn học này. Nhiều ngày, lịch học thêm đến tận 22h đêm, sau đó lại tiếp tục tự học ở nhà.

Nguyễn Hải Ninh, học sinh lớp 9 tại Hải Dương cho rằng, đề xuất phương án thi vào 10 của Bộ GD-ĐT khiến học sinh càng thêm áp lực, khi thời gian công bố môn thi thứ 3 khá muộn. Nếu thi vào các bài thi tổ hợp, thì thí sinh chỉ còn khoảng hơn 2 tháng để ôn tập nước rút có thể 5-6 môn, không chỉ là 3 môn.

Nam sinh cũng cho rằng, mỗi năm lựa chọn 1 môn thi thứ 3, môn học đó có thể là thế mạnh của học sinh này, nhưng lại không phải thế mạnh của học sinh khác. Do đó kết quả của kỳ thi vẫn mang nhiều yếu tố may rủi, “may ra thì thi trúng môn tủ”.

“Em cho rằng chọn thi cố định 3 môn sẽ giúp tạo cơ hội công bằng cho tất cả các thí sinh. Học sinh cũng có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10, chứ không chỉ dồn dập vào những tháng cuối năm, như vậy chúng em vẫn có thể dành thời gian học đều các môn khác thay vì chỉ chăm chăm lo ôn môn thi thứ 3”, Hải Ninh nói.

Cô Nguyễn Phương Thảo, giáo viên THCS tại Hà Nội cũng đồng tình với phương án thi 3 môn vào lớp 10, song theo cô Thảo, nên chọn cố định 3 môn để tránh tạo những áp lực không cần thiết cho học sinh. Đặc biệt, việc thi tổ hợp có thể khiến học sinh phải học quá nhiều môn trong thời gian ngắn, tạo gánh nặng cho các em.

Cô Thảo cũng nhận định, trong bối cảnh ngoại ngữ đang được định hướng trở thành ngôn ngữ thứ 2, là hành trang trong quá trình hội nhập, việc thi cố định 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là phù hợp.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, Hà Nội, cũng nhấn mạnh, cần nhìn nhận rõ tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPt và tuyển sinh lớp 10. Nếu như kỳ thi tốt nghiệp  chủ yếu đánh giá chất lượng việc dạy và việc học của một cấp học; những học sinh đạt chuẩn cuối cấp sẽ được công nhận tốt nghiệp, thì kỳ tuyển sinh đầu cấp, trên cơ sở học sinh đạt chuẩn của cấp học trước, nhằm phân loại học sinh theo nhu cầu đào tạo của các loại hình trường, học sinh đạt (điểm) chuẩn sẽ trúng tuyển.

Do đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh THPT quy định: "Đối tượng tuyển sinh THPT là học sinh tốt nghiệp THCS có độ tuổi theo quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học". Tuy nhiên, tại điều 12, khoản 1, mục a quy định, việc lựa chọn môn thi thứ 3 "có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp các môn học, được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình THCS". Việc này thuộc chức năng kỳ xét tốt nghiệp THCS.

"Phải khẳng định, tất cả học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS là đảm bảo yêu cầu phẩm chất và năng lực "giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản". Không nên, một lần nữa, đưa vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Tuyển sinh THPT có 3 phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Những trường có chỉ tiêu tuyển sinh bằng hoặc nhiều hơn số đối tượng tuyển sinh đăng ký dự tuyển thì chỉ cần xét tuyển, không phải tổ chức thi, đỡ tốn kém công sức và tiền của. Những trường có số đối tượng tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu thì tổ chức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Môn thi tuyển sinh THPT nên xác định rõ ràng, minh bạch và ổn định trong nhiều năm", thầy Khang nhấn mạnh.

Theo thầy Khang, với  quan điểm thi tuyển THPT gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém thì số môn thi có thể là 2 hoặc 3 môn. Nếu là 2 môn thì chọn Toán và Ngữ văn. Nếu là 3 môn thì chọn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Vì Ngoại ngữ là một trong 8 môn bắt buộc tất cả học sinh đều phải học ở THPT. Sau này, nếu môn Tiếng Anh được quy định là ngoại ngữ 1, bắt buộc tất cả học sinh từ lớp 3 - 12 phải học thì môn thứ ba là Tiếng Anh. Bên cạnh đó, theo Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì việc chọn môn thứ ba là ngoại ngữ là cần thiết.

Đối với việc tuyển sinh trường THPT chuyên, ngoài 2 môn thi bắt buộc Toán và Ngữ văn như học sinh không chuyên, môn thứ 3 là môn thi chuyên, có đề thi riêng để chọn học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.

https://vov.vn/xa-hoi/phu-huynh-van-thap-thom-khi-phuong-an-tuyen-sinh-lop-10-chua-nga-ngu-post1130171.vov - Theo vov.vn