Phụ huynh trả tiền, sao không được chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho con?

08:46 23-08-2023

VOV.VN - Nhiều phụ huynh phản ánh, tại các trường học việc lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh chủ yếu do nhà trường quyết định, phụ huynh chỉ biết đến các đơn vị này sau khi nhà trường đã ký kết hợp đồng.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, bên cạnh vấn đề chất lượng học tập, giáo dục, bữa ăn học đường, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng tại trường học cũng là mối quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh, nhất là các cấp mầm non, tiểu học, THCS khi trẻ đang ở độ tuổi phát triển.

Những năm gần đây, công tác tổ chức bữa ăn bán trú trong các nhà trường đang dần được cải thiện, nâng cao chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Thế nhưng vấn đề về an toàn thực phẩm, chất lượng nguồn nguyên liệu thức ăn vẫn là nỗi băn khoăn lo lắng lớn của nhiều phụ huynh. Nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh là người trực tiếp trả tiền cho các đơn vị cung cấp bữa ăn, thế nhưng lại không được lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ.

Phụ huynh cần được đi khảo sát thực tế các cơ sở cung cấp bữa ăn bán trú trước khi lựa chọn

Chị Vũ Thu Hằng (Hà Đông, Hà Nội) có 3 con đang theo học ở cả 3 cấp từ tiểu học đến THPT, thế nhưng từ trước tới nay, chị Hằng chỉ được giáo viên chủ nhiệm các trường thông báo trong buổi họp đầu năm học rằng năm nay công ty nào sẽ cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh, còn thực tế doanh nghiệp đó ở đâu, năng lực thế nào thì những phụ huynh như chị Hằng lại không được biết rõ.

 

“Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm là mối lo của số đông người dân. Ngay trong bữa cơm hàng ngày của gia đình, việc lựa chọn thực phẩm thế nào cho tươi ngon, sạch, an toàn cũng đã cần rất nhiều kinh nghiệm của người nội trợ, thậm chí đôi khi còn phụ thuộc vào sự may rủi. Ở trường học, việc cung cấp bữa ăn cho hàng nghìn học sinh, mối lo càng tăng lên gấp nhiều lần. Trong khi các con đều đang độ tuổi lớn, cần nguồn dinh dưỡng đầy đủ, an toàn, hợp lý để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

Lo lắng về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm của con tại trường học, hàng ngày tôi vẫn theo dõi bằng cách hỏi con hôm nay được ăn những  gì, có ngon hay không. Tuy nhiên, ngoài vấn đề ngon miệng thì nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm mới thực sự là điều đáng lo ngại. Lâu nay phụ huynh không được lấy ý kiến công khai thông tin về các đơn vị cung cấp bữa ăn, để từ đó lựa chọn ra những đơn vị có năng lực thực tế đảm bảo chất lượng”, chị Hằng nói.

 

Chị Hằng cũng cho rằng, phụ huynh đại diện cho các khối lớp cần được tham gia lựa chọn, quyết định đơn vị sẽ cung cấp bữa ăn bán trú cho con. Thậm chí các trường cần đưa ra danh sách những đơn vị tiềm năng có thể hợp tác, trên cơ sở đó công khai các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, năng lực cung cấp dịch vụ và rất cần thiết tổ chức cho đại diện phụ huynh các lớp/trường cùng đi khảo sát đánh giá trực tiếp các cơ sở đó trước khi quyết định ký kết hợp tác.

“Được biết hiện nay đa số các đơn vị cung cấp bữa ăn sẽ nhập các nguồn nguyên liệu từ các nhà cung cấp khác nhau, tuy nhiên việc nguồn thực phẩm có thực sự đảm bảo như hồ sơ đưa ra hay không vẫn là một dấu hỏi, rất ít đơn vị có năng lực đầu tư hệ thống trang trại tự chủ động về nguồn cung thực phẩm và dễ dàng kiểm soát chất lượng”, chị Hằng nói.

Có con chuẩn bị vào lớp 4, anh Nguyễn Văn Xuân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu tháng 8, nhà trường đã bắt đầu khởi động các lớp CLB hè, phụ huynh tự nguyện đăng ký cho học sinh tham gia nếu có nhu cầu. Trong thời gian học này, các con cũng sẽ được ăn bán trú tại trường nếu gia đình đăng ký. Thế nhưng anh Xuân cho biết, năm nay cũng như nhiều năm học trước, mỗi cuộc họp phụ huynh anh chỉ thấy giáo viên chủ nhiệm thông báo số tiền phải đóng, tên đơn vị tổ chức bữa ăn bán trú cũng chỉ được thông báo lấy lệ, còn thực tế phụ huynh không hề được biết đơn vị đó là ai, năng lực thế nào.

“Việc cung cấp bữa ăn bán trú do phụ huynh trực tiếp trả tiền cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà trường chỉ đóng vai trò kết nối, trung gian, thế nhưng phụ huynh lại không được trực tiếp tham gia lựa chọn các đơn vị uy tín. Việc có bao nhiêu doanh nghiệp nộp hồ sơ để được cung cấp dịch vụ, việc chọn lựa dựa trên những tiêu chí nào cũng không được nêu rõ, bởi vậy chất lượng bữa ăn bán trú lâu nay vẫn là nỗi lo lớn của chúng tôi khi con đến trường”, anh Xuân nói.

Chị Cẩm Ly phụ huynh học sinh tiểu học trên địa bàn quận Long Biên cho biết: “Hiện nay việc lựa chọn các đơn vị cung cấp tại nhà trường chưa thực sự công khai minh bạch, việc lựa chọn vẫn mang tính chủ quan theo quan điểm của ban giám hiệu nhà trường. Chúng tôi không được tham gia trực tiếp cùng với ban phụ huynh và nhà trường đi thẩm định nguồn gốc thực phẩm của đơn vị cung cấp suất ăn trước khi quết định đơn vị cung cấp và chưa được trực tiếp tham gia giám sát công tác nhận thực phẩm và chế biến tại bếp ăn hàng ngày”.

Không chỉ các cấp phổ thông, nhiều phụ huynh có con học mầm non cũng lo ngại về bữa ăn bán trú của con tại trường. Chị Nguyễn Thu Hương (Long Biên, Hà Nội) từng quyết định chuyển trường mầm non cho con sau khi nhận thấy bữa ăn học đường của con không đảm bảo: “Với trẻ mầm non, các con đang trong giai đoạn phát triển, dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Nếu không được ăn những bữa cơm đảm bảo dinh dưỡng, an toàn, chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con. Là phụ huynh, bản thân tôi cũng tha thiết mong muốn phụ huynh được tham gia trực tiếp vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm ngay từ đầu, không phải đến khi nhà trường đã chốt phương án mới thông báo cho phụ huynh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần giám chặt quá trình vận hành các bếp ăn bán trú, đảm bảo chi phí phụ huynh đóng được phụ vụ tối đa cho việc đảm bảo chất lượng bữa ăn thay vì những mục đích khác”.

Cần thường xuyên đánh giá lại chất lượng bữa ăn bán trú

Trao đổi với phóng viên, đại diện một đơn vị chuyên cung cấp bữa ăn bán trú cho các trường học cho biết, hiện nay nhà trường đang lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú theo dạng "hồ sơ chào hàng giới thiệu" …. Hồ sơ của các công ty khi nộp về các trường đều đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn cơ bản, đủ hồ sơ nguồn gốc. Nhà trường là đơn vị trung gian đứng ra thu tiền của phụ huynh, trả cho công ty cung cấp suất ăn.  Vị này cho rằng, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn phụ huynh trực tiếp tham gia cùng nhà trường và các cơ quan quản lý trong quá trình đưa ra tiêu chí đánh giá, trực tiếp đi khảo sát để lựa chọn được những đơn vị cung cấp bữa ăn đủ năng lực, đảm bảo tính khách quan.

PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quôc hội khóa XII cũng cho rằng, để đảm bảo hơn nữa an toàn trong bữa ăn học đường, giá cả phù hợp, nhà nhà trường nên mời phụ huynh cùng tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường.

“Thậm chí 3-6 tháng 1 lần, nhà trường nên có đánh  giá về thực đơn bữa ăn học đường của học sinh cả về chất lượng bữa ăn như dinh dưỡng, mức độ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến giá cả… Đặc biệt nhà trường cũng cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh,  thường xuyên tổ chức cho phụ huynh đến tham quan, kiểm tra trực tiếp bếp ăn của đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh. Điều này không chỉ giúp phụ huynh yên tâm về dinh dưỡng của con khi đến trường mà còn giúp nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

https://vov.vn/xa-hoi/phu-huynh-tra-tien-sao-khong-duoc-chon-don-vi-cung-cap-bua-an-ban-tru-cho-con-post1041032.vov - theo vov.vn