Ông Trump nhận được kế hoạch Mỹ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine

08:45 26-06-2024

VOV.VN - Ứng viên tiềm năng cho bầu cử Mỹ 2024 Donald Trump vừa nhận được bản kế hoạch chi tiết liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Theo đề xuất này, Mỹ sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Kiev không chịu ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Moscow.

Hai cố vấn chủ chốt cho ông Trump vừa trình lên cựu Tổng thống Mỹ này kế hoạch chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine trong xung đột vũ trang với Nga nếu như ông đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới. Nội dung dự thảo này có chi tiết yêu cầu Ukraine chấp nhận hòa đàm với Nga thì mới mong nhận được thêm vũ khí của Mỹ.

Nhưng đồng thời, Trung tướng về hưu Keith Kellogg - một trong số các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng Mỹ sẽ cảnh báo Nga rằng bất cứ nỗ lực nào của Nga từ chối đàm phán sẽ dẫn tới việc Mỹ tăng sự ủng hộ dành cho Ukraine.

Kế hoạch chi tiết về chấm dứt xung đột Nga - Ukraine

Theo kế hoạch do Keith Kellogg và Fred Fleitz vạch ra, trong quà trình đàm phán hòa bình, sẽ có lệnh ngừng bắn dựa trên chiến tuyến áp đảo.

Kellogg và Fleitz từng làm Chánh văn phòng trong Hội đồng An ninh quốc gia của Tổng thống Trump nhiệm kỳ 2017-2021.

Hai vị này đã trình chiến lược của mình lên ông Trump. Fleitz cho biết, cựu Tổng thống phản ứng một cách tích cực trước đề xuất đó.

 

Tuy nhiên, người phát ngôn của ông Trump, Steven Cheung, cho biết chỉ có những tuyên bố do ông Trump và các thành viên được ủy quyền trong chiến dịch tranh cử của ông đưa ra mới được coi là chính thức.

Chiến lược do Kellogg và Fleitz vạch ra là kế hoạch chi tiết nhất của đội ngũ trợ lý ông Trump, người từng phát ngôn rằng mình có thể nhanh chóng giải quyết xung đột Ukraine nếu ông đánh bại Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11/2024, dù ông chưa thảo luận các chi tiết cụ thể.

Đề xuất trên cũng sẽ đánh dấu một bước dịch chuyển lớn trong quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột vũ trang này và dự kiến sẽ vấp phải sự phản đối từ các đồng minh châu Âu cũng như trong nội bộ đảng Cộng hòa của ông Trump.

Trong khi đó, điện Kremlin nói rằng bất cứ kế hoạch hòa bình nào do chính quyền dự kiến trong tương lai của ông Trump đưa ra cũng vẫn phải phản ánh thực tế trên chiến trường, nhưng mặt khác, Tổng thống Nga Putin vẫn để ngỏ cho đàm phán.

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với Reuters: “Giá trị của bất cứ kế hoạch nào đều nằm ở những sự tinh tế và trong việc tính tới trạng thái thực sự trên thực địa. Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng Nga đã và vẫn để ngỏ cho thương lượng, tính đến hiện trạng trên thực địa”.

 

“Viện Chính sách Nước Mỹ trước tiên” - một cơ sở nghiên cứu thân với ông Trump, nơi Kellogg và Fleitz nắm giữ chức vụ quản lý, đã xuất bản một bài nghiên cứu trong đó vạch ra những yếu tố chủ chốt của bản kế hoạch nói trên.

Kellogg nói rằng điều cốt yếu là đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán nhanh chóng nếu ông Trump giành được chiến thắng trong bầu cử.

Ông nói: “Chúng tôi nói với người Ukraine rằng “Quý vị phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu quý vị không chịu ngồi, thì sự ủng hộ từ nước Mỹ sẽ cạn kiệt”. Ông này nói tiếp: “Và chúng tôi nói với Putin rằng “ông ấy phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu ngài không ngồi vào bàn đàm phán, thì chúng tôi sẽ trao cho người Ukraine mọi thứ họ cần để đối phó với quân đội Nga trên chiến trường”.

Theo bài nghiên cứu do Viện trên đăng tải, Moscow sẽ được thuyết phục hòa đàm với lời hứa sẽ hoãn việc kết nạp Ukraine vào NATO trong một thời gian dài.

Nga đưa quân vào Ukraine vào tháng 2/2022. Chiến tuyến gần như không dịch chuyển từ cuối năm 2022, ngoại trừ một số thành quả mà Nga mới giành được trong các tháng gần đây, bất chấp việc hai bên hứng chịu thương vong lớn trong cuộc xung đột được coi là đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.

 

Fleitz cho biết, trong kế hoạch này, Ukraine không cần phải chính thức nhượng lãnh thổ cho Nga. Nhưng ông nói, Ukraine ít khả năng giành lại quyền kiểm soát hiệu quả đối với tất cả các lãnh thổ của mình trong thời gian gần.

Fleitz cũng bày tỏ: “Mối quan ngại của chúng tôi là xung đột này đã trở thành cuộc chiến tiêu hao với khả năng làm mất đi cả một thế hệ nam thanh niên”.

Nhưng theo Kellogg và Fleitz, một nền hòa bình dài lâu ở Ukraine sẽ đòi hỏi có thêm các bảo đảm an ninh cho Ukraine. Fleitz bổ sung rằng “vũ trang tận răng cho Ukraine” có thể là nhân tố chính để đạt được mục tiêu đó.

Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của ứng viên Biden nói rằng ông Trump không thích thú đối đầu với ông Putin.

Mỹ đã chi tới hơn 70 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại đây.

Trong tháng 6 này, Tổng thống Nga Putin nói rằng xung đột giữa 2 nước sẽ chấm dứt nếu Ukraine đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và chấp nhận trao cho Nga 4 tỉnh miền đông và miền nam mà Nga đã tuyên bố sáp nhập hồi năm 2022, cũng như thừa nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.

Một số nhà phân tích phương Tây quan ngại rằng kế hoạch của hai ông Kellogg và Fleitz có khả năng mang lại cho Nga lợi thế đáng kể trong đàm phán.

Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, cựu Tổng thống Mỹ Trump loại trừ khả năng đưa quân Mỹ sang Ukraine.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-nhan-duoc-ke-hoach-my-cham-dut-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-post1103769.vov - theo vov.vn