Ông Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Ukraine: Tin vui cho châu Âu

10:45 27-04-2023

VOV.VN - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng “bây giờ” là thời điểm để giải quyết khủng hoảng khi ông có cuộc điện đàm lần đầu tiên với Tổng thống Volodymyr Zelensky kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Cuộc điện đàm được chờ đợi từ lâu

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ không “đổ thêm dầu vào lửa” xung đột ở Ukraine, đồng thời cho rằng đã đến thời điểm chín muồi để “giải quyết cuộc khủng hoảng về mặt chính trị”.

Phát biểu của ông Tập Cận Bình – như Tân Hoa xã đưa tin – không đề cập cụ thể những lo ngại của quốc tế rằng Trung Quốc có thể hỗ trợ vũ khí cho các lực lượng Nga ở Ukraine. Điều này được xem là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không hỗ trợ quân sự trực tiếp cho chiến dịch quân sự mà Nga đang triển khai ở Ukraine.

 

Như vậy, Chủ tịch Trung Quốc đã thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Zelensky sau hơn 400 ngày nổ ra xung đột vũ trang Nga – Ukraine và ông gợi ý rằng Kiev nên theo đuổi “giải pháp chính trị” thông qua đối thoại – có lẽ là với Nga – để mang lại hòa bình cho châu Âu.

Trong nhiều tháng, phương Tây đã không ngừng gây áp lực lên Bắc Kinh và bản thân Tổng thống Zelensky cũng ngỏ ý muốn có cuộc nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc. Các nhà phân tích và ngoại giao cho rằng, cuộc điện đàm hôm 26/4 có thể giúp làm dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây về vị thế của Bắc Kinh trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay, nhưng họ cũng cảnh báo rằng cuộc điện đàm sẽ không thay đổi tầm nhìn cơ bản của ông Tập Cận Bình về mối quan hệ với Nga.

 

Theo cách nói của Tổng thống Ukraine Zelensky, cuộc điện đàm với ông Tập đóng vai trò là “động lực mạnh mẽ” cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.

“Tôi đã có một cuộc điện đàm dài và đầy ý nghĩa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,” ông Zelensky viết trên Twitter. “Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine tại Trung Quốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta”.

Trong một tuyên bố đầy đủ hơn, ông Zelensky nói rằng cuộc điện đàm “đặc biệt chú ý đến các cách thức hợp tác khả thi để thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”.

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định, “không thể có hòa bình nếu đánh đổi bằng các thỏa hiệp về lãnh lãnh thổ. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được khôi phục trong phạm vi biên giới năm 1991. Không ai muốn hòa bình hơn người dân Ukraine. Chúng tôi đang ở trên mảnh đất của mình và chiến đấu cho tương lai của chính mình… Hòa bình phải công bằng và bền vững, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Theo Tân Hoa xã, về phần mình, ông Tập nêu rõ: “Trung Quốc không phải là người tạo ra cũng không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một cường quốc có trách nhiệm, chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn, chúng tôi sẽ không đổ thêm dầu vào lửa và trên hết chúng tôi sẽ không trục lợi từ việc này”.

Khác biệt vẫn tồn tại

Rõ ràng, cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine là một tín hiệu đáng mừng, nhưng thực sự vẫn còn khác biệt lớn.

Trong khi ông Zelensky nói rõ về sự cần thiết phải tiếp tục chiến đấu chống lại Nga và rằng các cuộc đàm phán sẽ không thể diễn ra trong khi các phần lãnh thổ của Ukraine vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga, thì ông Tập nhận định giờ là lúc để tất cả các bên đối thoại để cùng nhau tìm cách hướng tới hòa bình lâu dài ở châu Âu thông qua đối thoại.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng công bố kế hoạch cử một đặc phái viên tới Ukraine “tiến hành liên lạc chuyên sâu” để “giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine về mặt chính trị”.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng chấp nhận yêu cầu bổ nhiệm đại sứ mới của Kiev. Ông Pavlo Riabikin, cựu bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược, đã được nhắc đến trong một sắc lệnh của tổng thống Ukraine hôm 26/4 để đảm nhận chức vụ đại sứ bị bỏ trống hơn 2 năm kể từ khi ông Serhiy Kamyshev qua đời vì một cơn đau tim.

Theo đánh giá của hai nhà ngoại giao châu Âu, nếu trở thành đại sứ, ông Riabikin sẽ có các kênh tiếp xúc tốt hơn ở Bắc Kinh thay vì chỉ có thể làm việc với vai trò của một đại biện lâm thời.

“Tin vui” cho châu Âu

Châu Âu đã gây không ít áp lực, cho rằng Trung Quốc cần phải hành động có trách nhiệm với tư cách là một thành viên hàng đầu của Liên Hợp Quốc - và họ đã phản ứng với sự lạc quan thận trọng trước lời kêu gọi của ông Tập.

“Tin tốt”, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö viết trong 1 dòng tweet liên quan đến thông báo của ông Zelensky về cuộc điện đàm.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron được cho là đã ấp ủ một kế hoạch với Trung Quốc để đưa Nga và Ukraine vào bàn đàm phán vào mùa hè này sau chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của ông - và văn phòng của ông Macron đã có tuyên bố ủng hộ cuộc điện đàm.

“Chúng tôi khuyến khích bất kỳ cuộc đối thoại nào có thể góp phần giải quyết xung đột phù hợp với lợi ích cơ bản của Ukraine và luật pháp quốc tế,” một quan chức của Điện Elysée nói với giới truyền thông khi được đề nghị đưa ra bình luận. “Đây là thông điệp đã được Tổng thống Macron truyền đạt trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến ý định nói chuyện với Tổng thống Zelensky”.

Nga cũng đã lên tiếng khen ngợi Trung Quốc vì những nỗ lực của nước này trong việc hỗ trợ khởi động các cuộc đàm phán ý nghĩa nhưng đồng thời bày tỏ hoài nghi về thiện chí của Ukraine.

"Vấn đề không nằm ở việc thiếu những kế hoạch tốt. Cho đến nay, chính quyền Kiev không chấp nhận bất kỳ sáng kiến phù hợp nào nhằm hướng đến tiến trình ngoại giao và chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thỏa thuận tổ chức đàm phán của nước này gắn với các tối hậu thư với những yêu cầu rõ ràng là phi thực tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-tap-can-binh-dien-dam-voi-tong-thong-ukraine-tin-vui-cho-chau-au-post1016630.vov - theo vov.vn