Nước Mỹ trước viễn cảnh tê liệt vì Covid-19, Trump có kịp trở tay?

10:54 19-03-2020

VOV.VN - Những viễn cảnh u ám đang hiện ra phía trước nước Mỹ khi các quan chức nước này khẩn trương đối phó với đại dịch Covid-19.

Tình huống khẩn cấp do dịch Covid-19 gây ra đang nhanh chóng trở thành một trong những thách thức về chính trị và xã hội nghiêm trọng nhất thời đại ngày nay. Và giới lãnh đạo Mỹ đã thấy được nhiệm vụ to lớn mà họ phải đối mặt.


Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 17/3. Ảnh: Reuters.
Những viễn cảnh u ám đang hiện ra phía trước nước Mỹ trong bối cảnh các quan chức nước này khẩn trương huy động người dân trên toàn quốc chống lại đại dịch, giống như cuộc huy động quy mô lớn trong Thế chiến thứ 2.

Bức tranh đen tối về nền kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, trong một nỗ lực cứu nền kinh tế, đã vẽ ra bức tranh tàn khốc về những gì có thể xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không hành động. Ông nói với các thượng nghị sỹ rằng, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên 20%, CNN dẫn một nguồn tin từ Thượng viện Mỹ cho biết. Kịch bản “ác mộng” này sẽ giống như những gì xảy ra vào những năm 1930 và vượt xa tỷ lệ thất nghiệp sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với mức 9,9%.

Trong khi có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch bệnh Covid-19 sẽ kéo dài, gây thiệt hại về người và của nghiêm trọng hơn so với dự kiến, Nhà Trắng đang tìm kiếm một sức mạnh phi thường để giúp nền kinh tế tránh một cuộc suy thoái. Hôm qua (17/3), Tổng thống Trump đã đề xuất kế hoạch kích thích kinh tế lên đến 1.000 tỷ USD, trong đó có việc phát 1.000 USD cho mỗi người dân Mỹ. Kế hoạch này thậm chí còn lớn hơn Đạo luật phục hồi đã từng giúp Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái.

Ông Trump giờ đây đang phải đối mặt với một trong những thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống, phải chiến đấu với một “kè thù” không chỉ “phủ bóng đen" lên lãnh thổ các đồng minh của Mỹ mà còn reo rắc nỗi sợ hãi đối với người Mỹ và âm thầm sinh sôi nảy nở trong lòng nước Mỹ.

“Chúng ta phải chiến đấu với một kẻ thù vô hình”, Tổng thống Trump phát biểu vào hôm qua (17/3) trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập tất cả các bang của Mỹ, gây ra hơn 100 ca tử vong và 6.524 ca nhiễm.

Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho biết, phải mất thời gian dài mới biết được liệu các biện pháp phong tỏa có thực sự phát huy tác dụng trong việc kiềm chế sự bùng phát của virus xuống dưới mức gây sụp đổ hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng hay không.

Cảnh báo này rất đáng lo ngại bởi nền kinh tế Mỹ sẽ khó có thể chống chịu được lệnh phong tỏa dù chỉ là vài tuần chứ chưa nói đến vài tháng. Bloomberg dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho biết, ngay cả với các biện pháp mạnh bạo như vậy, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể tránh khỏi sự thu hẹp.

Nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim đều đóng cửa, các hãng hàng không đã dừng hoặc giảm tần suất hàng loạt chuyến bay, những cửa hàng bách hóa chìm trong bóng tối … Thực tế khắc nghiệt đang tác động đến “huyết mạch” của một nền kinh tế đang trên đà phát triển. Các nhà phân tích kinh tế của Pantheon hay Oxford trước đó đều đã dự báo về sự lao dốc kỷ lục - khoảng 10% - trong quý II của Mỹ.

“Chúng ta đang chứng kiến một sự sụp đổ trong nền kinh tế”, Thượng nghị sỹ Dân chủ Jeff Merkley nói với CNN. Bộ trưởng tài chính Mnuchin đã vẫn động các thượng nghị sỹ Cộng hòa thông qua một dự luật cứu trợ được đưa ra trước đó tại Thượng viện trước khi xem xét đề xuất về gói kích thích kinh tế 1.000 tỷ USD. “Đây là một tình huống đặc biệt trong nền kinh tế”, ông Mnuchin nói thêm.

Hệ thống y tế trước nguy cơ sụp đổ

CNN cho rằng, có vẻ như Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đang cố gắng sửa lại những nỗ lực trước đây của chính quyền nhằm làm giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. “Tôi đã thấy Covid-19 là một đại dịch từ trước khi nó được công bố là đại dịch”, ông Trump nói. Trước đó nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, Covid-19 không nghiêm trọng như dịch cúm thông thường và nó có thể biến mất.

Hiện tại, Nhà Trắng đang thực hiện mọi nỗ lực nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh như thúc đẩy quá trình xét nghiệm, kêu gọi tăng cường sản xuất khẩu trang cho các nhân viên y tế. Nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đủ để bù đắp cho những thiếu hụt trong hệ thống y tế.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo về tình trạng thiếu giường bệnh nghiêm trọng. Ông cho biết bang này sẽ cần tới 37.200 giường chăm sóc đặc biệt nhưng hiện tại chỉ có khoảng 3.000 giường. Thống đốc Gina Raimondo, tiểu bang Rhode Island cho biết, việc tiến hành xét nghiệm đang được cải thiện nhưng bà vẫn chưa nhận được câu trả lời từ chính phủ liên bang trước đề nghị cung cấp thêm thiết bị y tế dùng để chẩn đoán cho bệnh nhân.

Sự thiếu hụt này là một trong những lý do khiến chính quyền liên bang và các tiểu bang kêu gọi người dân tự cách ly để hạn chế sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhiều chính trị gia đã so sánh cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra giống với thảm họa cúm năm 1918, cuộc Đại suy thoái toàn cầu năm 2009 và cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Nhưng không rõ liệu thông điệp cảnh báo này có được truyền đến tất cả người dân hay không, đặc biệt là những người Mỹ trẻ tuổi, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một dịch bệnh lan nhanh như “cháy rừng” trước khi nó bùng nổ và gây sụp đổ hệ thống y tế của Mỹ.

Chẳng hạn tại San Francisco, nhiều người vẫn được nhìn thấy tham gia các hoạt động ngoài trời như đi dạo, trượt tuyết và đạp xe, mặc dù theo sắc lệnh ban hành mọi người phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần thiết. Các chuyên gia cảnh báo, mặc dù người trẻ tuổi có thể tránh được những biến chứng tồi tệ nhất của Covid-19 nhưng họ có thể truyền virus cho người già và những người dễ bị tổn thương hơn.

Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ, sau khi giành thắng lợi tại Arizona, Illinois và Florida trong cuộc đua giành đề cử ứng viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ, cựu phó Tổng thống Joe Biden đã nêu bật tình hình dịch bệnh Covid-19: “Đối phó với đại dịch này giống như chiến đấu trong một cuộc chiến tranh. Đây là thời điểm những lựa chọn và quyết định mà chúng ta đưa ra về phương diện cá nhân sẽ có ảnh hưởng mang tính chất tập thể và quyết định điều gì xảy ra”./.

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nuoc-my-truoc-vien-canh-te-liet-vi-covid19-trump-co-kip-tro-tay-1023810.vov - theo vov.vn