Nơi tiêm chậm, chỗ không có vaccine để tiêm, khi nào Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng?

10:25 13-08-2021

VOV.VN - Việc người dân cần làm hiện nay là thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch để có thêm những vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh) và giảm dần những vùng màu đỏ, màu vàng trên bản đồ Covid-19 cả nước.

Tại một cuộc họp gần đây, Bộ Y tế đã chỉ đích danh 8 tỉnh có tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 chậm, chủ yếu là các tỉnh phía Nam. Trong khi đó một thực tế là nhiều địa phương khác lại đang chờ đợi có vaccine để tiêm rộng rãi cho người dân. Vì sao có nghịch lý này? Khi nào Việt Nam có đủ vaccine để có thể đạt miễn dịch cộng đồng?

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Tây Ninh là một trong 8 tỉnh có tên trong danh sách tiêm chủng chậm. Bác sĩ Tô Thành Tài, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm Soát bệnh tật tỉnh Tây Ninh giải thích.


Việc người dân cần làm hiện nay là thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch để có thêm những vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh) và giảm dần những vùng màu đỏ, màu vàng trên bản đồ Covid -19 cả nước.
“Chúng tôi phải tỏa nhân lực đi làm nhiều. Dịch bùng phát thì lo chống dịch chứ chưa nghĩ tới tiêm chủng. Giãn cách xã hội thì dịch giảm thì đỡ hơn bây giờ chúng tôi tập trung cho công tác tiêm chủng. Nhưng trước khi có dịch tiêm được 43.000 mũi thì giờ chỉ nhập dữ liệu được 1.000 trường hợp vào phần mềm của Viettel thôi nên theo số liệu thì bị chậm”.
Đây cũng là thực tế tại tỉnh Trà Vinh và Tiền Giang. Bên cạnh đó, việc các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không tập trung quá đông người tại mỗi điểm tiêm chủng cũng khiến tiến độ tiêm vaccine bị chậm. Ngoài những lý do khách quan này thì cũng có lý do chủ quan. Đơn cử như tại Hậu Giang do thiếu tủ bảo quản, địa phương phải gửi vaccine tại Viện Pasteur (Thành phố Hồ Chí Minh), khi nào tiêm hết đợt vaccine này mới đem đợt khác về, dẫn tới sự chậm trễ trong tiêm phòng Covid-19.

Tuy nhiên, trong số 8 tỉnh có tiến độ tiêm chủng chậm mà Bộ Y tế nêu tên, đến hôm nay đã có những tỉnh đã tiêm sắp hết vaccine. Chẳng hạn tại Thanh Hóa, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến ngày 16/8 sẽ hoàn thành việc tiêm hơn 62.000 liều vaccine được phân bổ, nhưng các lực lượng đang phấn đấu sẽ hoàn thành vào ngày 12/8, tức là sớm hơn dự kiến 4 ngày.

“Thanh Hoá là tỉnh được cấp ít vaccine nhất. Đợt gần nhất là 62.000 liều, với số lượng này chúng tôi tiêm ngày 12/8 là xong. Năng lực tiêm của Thanh Hoá là khoảng 68.000 mũi tiêm trong ngày, mà đây có 62.000 liều chúng tôi mới huy động một nửa năng lực tiêm”, ông Hùng cho biết.

Tương tự như vậy, tại tỉnh Bình Dương trước ngày 5/8 tỷ lệ tiêm chủng chỉ chiếm 20% so với số liều vaccine đã được phân bổ, nhưng sau đó tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh nên đến đầu tuần này đã cơ bản hoàn thành.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết: “Chúng tôi thực hiện 40.000 mũi tiêm một ngày nên đến thứ 2 đã cơ bản hoàn thành rồi…”.

Bộ Y tế cho biết đang rà soát, điều chuyển vaccine tại các tỉnh tiêm chậm đến những địa phương có tiến độ tiêm chủng nhanh. Nhưng dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia y tế, trong bối cảnh khan hiếm vaccine như hiện nay, không tỉnh nào muốn địa phương mình bị điều chuyển lượng vaccine đã được phân bổ. Trên thực tế, các tỉnh có tên trong danh sách tiêm chậm cũng đã đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước 15/8.

Như vậy điều đáng quan tâm hiện nay là làm sao có thêm vaccine để tiêm chủng rộng rãi. Bởi từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ có được hơn 18 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ các nguồn khác nhau. So với mong muốn 150 triệu liều vaccine để có thể đạt miễn dịch cộng đồng thì còn khá xa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid -19 nhấn mạnh: Chính phủ đã thống nhất sẽ ưu tiên dồn nguồn vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Nhưng chúng ta đều biết Bộ Y tế được Chính phủ giao để mà đàm phán nhập khẩu vaccine chúng ta đã ký một số lượng lớn đủ để miễn dịch cộng đồng toàn bộ nhân dân Việt Nam mỗi người từ đủ 2 mũi nhưng mà vấn đề là vaccine vào lúc nào thì chúng ta không chủ động được.

"Dự kiến đến cuối năm vaccine sẽ không thiếu, về rất nhiều. Nhưng từ nay trong một tháng tới, theo Bộ Y tế báo cáo, các lô vaccine mà được cam kết về rất ít. Còn tinh thần là về đến đâu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất là ưu tiên tối đa cho thành phố Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Bộ Y tế cũng cho biết, vaccine sẽ về nhiều và cấp tập vào cuối năm. Hiện một số địa phương đã chủ động tìm nguồn vaccine, như với Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ theo quy định phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch và trên cơ sở đề nghị nhập khẩu vacicne Covid-19 của Công ty Dược Sài Gòn, Bộ Y tế đã đồng ý để Công ty này nhập 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Trung Quốc.

Mọi nỗ lực để có thêm vaccine- “vũ khí” được cho là hiệu quả nhất hiện nay để phòng dịch bền vững, đang được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Việc người dân cần làm hiện nay là thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch để có thêm những vùng xanh (an toàn dịch bệnh) và giảm dần những vùng màu đỏ, màu vàng trên bản đồ Covid -19 cả nước./.

https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/noi-tiem-cham-cho-khong-co-vaccine-de-tiem-khi-nao-viet-nam-dat-mien-dich-cong-dong-881940.vov - theo vov.vn