Những ai phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế?

08:33 24-11-2020

VOV.VN - Quy định ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế là nhằm phục vụ cho công tác quản lý thuế, đặc biệt là quản lý thuế thương mại điện tử.

Tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế.

Cụ thể, các thông tin cần được cung cấp bao gồm như, giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế. Việc này phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.


Ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế, kinh doanh online sắp “hết cửa” trốn thuế? (Ảnh minh họa: KT)
Đáng chú ý, hàng tháng, các ngân hàng thương mại phải cung cấp cho cơ quan thuế về thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Với quy định này, nhiều ý kiến lo ngại về việc bị lộ thông tin cá nhân khi các tài khoản thanh toán tại ngân hàng phải liên thông với cơ quan thuế, tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo điện tử VOV, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng, Tổng cục Thuế khẳng định: chỉ những trường hợp đặc thù, đặc biệt, những giao dịch phục vụ cho công tác quản lý thuế thì cơ quan thuế mới yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng đó cho cơ quan quản lý thuế.

“Quy định này được xây dựng nhằm phục vụ cho công tác quản lý thuế, đặc biệt là quản lý thuế thương mại điện tử, do đó, nếu cá nhân kê khai nộp thuế minh bạch thì không có vấn đề gì đáng lo ngại. Cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng theo quy định của luật”, ông Huy nhấn mạnh.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, quy định này xuất phát từ thực trạng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, theo Luật Kinh doanh thương mại điện tử, để xác định được nguồn thu nhập thì cơ quan thuế phải có thông tin từ bên ngân hàng. Theo quy định của Luật Quản lý thuế cũ, ngân hàng đã phải cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan thuế theo yêu cầu, tuy nhiên, Nghị định 126 quy định chi tiết hơn, đó là ngoài cung cấp thông tin theo yêu cầu ra thì phải cung cấp thông tin định kì.


Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng, Tổng cục Thuế
“Việc cung cấp thông tin định kỳ này chủ yếu là bên nước ngoài chuyển tiền về, ví dụ: cơ quan thuế sẽ yêu cầu bên ngân hàng cung cấp thông tin là cứ khi nào có khoản thu nhập từ Google trả cho 1 cổ tức hay 1 cá nhân ở đây về việc phát hành trên Play store chẳng hạn thì sẽ thông tin cho cơ quan thuế để cơ quan quản lý thuế biết là có nguồn thu nhập đấy và yêu cầu người nộp thuế kê khai nộp thuế, chứ không phải tất cả các tài khoản ngân hàng đều phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế”, ông Huy cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đức Huy cũng cho biết, việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của người nộp thuế chỉ là một trong những căn cứ để xác định thuế chứ không phải tất cả.

“Không có chuyện chỉ căn cứ vào biến động số dư trong tài khoản để tính thuế”, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định.

Theo nhiều chuyên gia về tài chính thuế, việc bắt buộc trao đổi thông tin cá nhân người nộp thuế của ngân hàng thương mại với cơ quan thuế được xem là bước tiến quan trọng để giúp ngành thuế rà soát và thu thuế đúng các đối tượng. Hiện có rất nhiều cá nhân kinh doanh online, viết phần mềm game online có doanh thu cao phải chịu thuế song ngành thuế rất khó tiếp cận thông tin từ phía ngân hàng.

Trước đó, như báo điện tử VOV thông tin, vụ việc cá nhân ông Trần Đức Phương (TP.HCM) bị cục Thuế TP.HCM truy thu thuế hơn 41 tỷ đồng do ông này viết các phần mềm game online từng bị làm khó dễ do phía các ngân hàng thương mại không cung cấp thông tin, hoặc cung cấp cho có các thông tin cá nhân cho phía ngành thuế.

Hay như liên quan tới dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet Netflix, theo dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Netflix cung cấp dịch vụ tại Việt Nam từ đầu năm 2016 với các gói có mức phí từ 180.000 đến 260.000 đồng/tháng. Đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam đã đạt trên con số 300.000. Tính ra, mỗi năm, Netflix thu về hàng trăm tỷ đồng từ Việt Nam. Thế nhưng, Netflix tại Việt Nam hầu hết đăng kí sử dụng dịch vụ, thanh toán phí… đều thông qua phương thức trực tuyến, thẻ tín dụng.

Hiện tại theo quy định, các doanh nghiệp TMĐT, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Quy định này đã được ban hành và có hiệu lực, nhưng đến nay, việc thu thuế vẫn gặp khó khăn. Bản thân cơ quan thuế cũng đã có một thời gian “ráo riết” gửi tin nhắn đến các chủ tài khoản kinh doanh qua mạng đến kê khai nộp thuế nhưng kết quả không như mong đợi. Việc thu thập dữ liệu còn gặp nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, một số ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển từ chối cung cấp với lý do: Hệ thống công nghệ thông tin không đủ khả năng hỗ trợ, cung cấp; bảo mật thông tin khách hàng./.

https://vov.vn/kinh-te/nhung-ai-phai-cung-cap-thong-tin-tai-khoan-ngan-hang-cho-co-quan-thue-819546.vov - theo vov.vn