"Nhiều phụ nữ sống trong các chung cư cao cấp cũng cầu cứu vì bạo hành"

09:59 20-10-2021

VOV.VN- Tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn giãn cách có nhiều biến động cả về số lượng, cách thức và đối tượng. Số cuộc gọi đến yêu cầu được hỗ trợ và hỗ trợ khẩn cấp tăng cao, trong đó có cả những phụ nữ ở thành phố, có đời sống kinh tế, văn hóa cao.

Trong Phân tích của Liên Hợp Quốc về tác động của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam và những khuyến nghị chính sách đã được công bố có chỉ rõ, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ bị bóc lột, bạo hành cao hơn trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Bạo lực có nguy cơ gia tăng khi phụ nữ là nạn nhân của xâm hại và bạo lực gia đình khi phải sống cùng bạn tình và kẻ bạo hành trong suốt thời gian cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, họ cũng bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Trước khi Covid-19 diễn ra, bạo lực đối với phụ nữ vốn đã phổ biến tại Việt Nam với 39% phụ nữ bị bạo hành thể chất hoặc tình dục, thì trong thời gian dịch bệnh tỷ lệ này càng tăng cao hơn nữa.


Bạo lực giới có chiều hướng gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã có những trao đổi với VOV.VN về vấn đề bạo lực giới trong thời gian giãn cách xã hội và những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.


PV: Thưa bà, dịch Covid-19 đã tác động ra sao đến vấn đề bạo lực giới và bạo lực giới trong gia đình hiện nay?

Bà Nguyễn Vân Anh: Thời gian giãn cách xã hội kéo dài, hầu hết các hoạt động đều diễn ra tại nhà, nhiều thành viên trong gia đình cùng chia sẻ một không gian sống chật hẹp, không được ra ngoài. Điều này đã tác tác động nghiêm trọng đến tâm lý nhiều người, gây ra cảm giác bức bối, bực tức, với những người có tính nóng giận, gia trưởng, khó kiểm soát hành vi sẽ dễ dẫn đến những hành động tiêu cực, bạo lực. Bên cạnh đó, thời gian này những nạn nhân bị xâm hại, bạo hành cũng phải sống cùng nhà với bạn tình, chồng – người gây ra các hành vi xâm hại, bạo hành trong thời gian dài và khó tìm kiểm các sự sợ giúp trong thời gian dịch bệnh.

Trong khi đó, chính các cơ quan chức năng cũng đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề trong phòng chống dịch bệnh, sự quan tâm đối với các vấn đề về bạo lực giới có phần bị phân tán hơn trước.


Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).
Dịch bệnh cũng khiến những nạn nhân của bạo lực giới, bạo lực gia đình phải chịu đựng những tổn thương sâu sắc hơn khi không chỉ áp lực bởi vấn đề chăm lo gia đình, kinh tế giảm sút, nguy cơ mất việc, mà còn lo bị chồng đánh đập, hành hạ. Đó là chưa kể đến những câu chuyện đau lòng liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, quấy rối tình dục trên mạng internet cũng như đời thực và xâm hại tình dục.

Tất cả những câu chuyện đó trong giai đoạn này dường như đang bị mờ đi bởi quá nhiều tang thương do dịch bệnh.

PV: Qua thực tế tư vấn và hỗ trợ của CSAGA, theo bà, bạo lực giới thường rơi vào những nhóm phụ nữ nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Vân Anh: Tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn giãn cách có nhiều biến động không chỉ về số lượng mà còn về cách thức, đối tượng. Với CSAGA, trong thời gian dịch bệnh, số cuộc gọi đến yêu cầu được hỗ trợ và hỗ trợ khẩn cấp tăng cao, trong đó có cả những phụ nữ ở thành phố, sống trong các chung cư cao cấp, những người có đời sống kinh tế và văn hóa cao.

Không chỉ phụ nữ Việt Nam, phụ nữ nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng có thể là nạn nhân của bạo lực giới. Những cuộc gọi, những tin nhắn đến từ các vùng khác nhau trên cả nước, với các quốc tịch và ngôn ngữ khác nhau đã tạo nên nhiều thách thức với văn phòng hỗ trợ nạn nhân của CSAGA.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực của CSAGA đã tiếp nhận và xử lý 1.268 cuộc tư vấn thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả tư vấn qua đường dây nóng và tư vấn qua tin nhắn trên Facebook. Trong số đó, 56,1% các cuộc tư vấn là các ca khẩn cấp và ca cần được hỗ trợ lập tức trong đêm.

Những khảo sát trước đây của chúng tôi cho thấy trên 90% các nạn nhân bị bạo lực gia đình, bạo lực giới không tìm kiếm sự hỗ trợ từ xung quanh, trong thời gian dịch bệnh, tỷ lệ này càng cao hơn nữa, nhiều phụ nữ phải “cắn răng chịu đựng” khi bị bạo hành.

PV: Trong thời gian dịch bệnh, những biện pháp nào đã được CSAGA áp dụng hiệu quả để hỗ trợ kịp thời các nạn nhân bị xâm hại, bạo lực giới, thưa bà?

Bà Nguyễn Vân Anh: Một điều đáng ngại là trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi người bị bạo lực có thể đang “mắc kẹt” trong chính ngôi nhà của họ cùng với người gây bạo lực, nhiều người không dám gọi điện cầu cứu, sợ bị phát hiện, việc tìm kiếm sự trợ giúp từ xung quanh cũng khó khăn hơn.

Từ thực tế này, chúng tôi đã cho ra đời sáng kiến tiếp nhận phản ánh của nạn nhân bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh qua Messenger Bot Yêu thương và Tự do. Đây là công cụ hỗ trợ trực tuyến cho nạn nhân của bạo lực giới qua nền tảng tin nhắn Facebook Messenger đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện tại, nếu bị bạo lực giới, bạo lực gia đình, bên cạnh đường dây nóng 024 3333 55 99, nạn nhân có thể lựa chọn vào trang Fanpage “Yêu thương và Tự do” nhắn tin trên Messenger Bot Yêu thương và Tự do để được hỗ trợ một cách an toàn trong các trường hợp khẩn cấp mà không lo bị phát hiện.

Chúng tôi đã được Facebook hỗ trợ để xây dựng công cụ chuyên biệt nhằm giúp người bị bạo lực giới tiếp cận dịch vụ hỗ trợ thông qua tin nhắn trên nền tảng Facebook với các tính năng trả lời tự động, phân loại nhu cầu của người dùng và cung cấp các kiến thức, chỉ dẫn cơ bản để ứng phó bạo lực giới, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Nạn nhân cũng có thể xin tư vấn, báo khẩn cấp một cách an toàn hơn. Messenger Bot Yêu thương và Tự do có nhiều cấp độ khác nhau, từ việc cung cấp các thông tin, hướng dẫn an toàn đến việc hỗ trợ trực tiếp, khẩn cấp từ tư vấn viên. Ngay khi nhận được các yêu cầu hỗ trợ, đội ngũ tư vấn viên không chỉ tư vấn mà còn giúp nạn nhân kết nối với các lực lượng khác như chính quyền, gia đình, hội phụ nữ… Để đảm bảo an toàn cho nạn nhân, ứng dụng này cũng cho phép nạn nhân xóa toàn bộ tin nhắn, lịch sử trò chuyện chỉ bằng một thao tác chạm màn hình.

PV: Vậy quy trình hỗ trợ nạn nhân thông qua Messenger Bot Yêu thương và Tự do sẽ được thực hiện ra sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Vân Anh: Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, được Facebook nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm kỹ lưỡng hướng đến mọi đối tượng, bao gồm cả người khuyết tật, khó khăn trong phát ngôn bằng giọng nói. Khi vào Messenger Bot Yêu thương và Tự do, người dùng có thể lựa chọn các mục như tìm hiểu thông tin, nhắn tin tư vấn hay gọi điện tư vấn, trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, người dùng có thể chọn hỗ trợ khẩn cấp. Đội ngũ tư vấn viên sẽ trực tiếp nhắn tin hoặc gọi điện cho nạn nhân để hỗ trợ.

Trong thời gian chạy thử nghiệm, chúng tôi đã tiếp nhận hàng trăm tin nhắn nạn nhân cần hỗ trợ, hầu hết đều gặp phải những tình trạng nghiêm trọng như bị đánh đập thậm tệ, hiếp dâm, hoặc bị bắt cóc con để uy hiếp…

Khi tiếp nhận thông tin từ nạn nhân, thông thường tư vấn viên sẽ kiểm tra xem vị trí của nạn nhân, có nhiều người đang chạy ra đường, có người đang trốn trong nhà tắm hay đã sang được nhà bố mẹ. Tùy vào vị trí và hoàn cảnh để chúng tôi xác định mức độ nguy hiểm và giai đoạn của bạo lực.

Đơn cử như trường hợp nạn nhân đang trong nhà tắm, chồng đứng ngay ngoài cửa đe dọa, thì việc đầu tiên là cần giúp nạn nhân gọi điện cho hàng xóm, công an khu vực, cũng như giúp nạn nhân nắm được các nguyên tắc an toàn trong hoàn cảnh đó.

Hay mới đây, trong thời gian giãn cách, chúng tôi đã hỗ trợ một nạn nhân kết hôn lần thứ 2. Ngoài việc đánh đập thậm tệ, nạn nhân phát hiện chồng mình xâm hại 2 con gái riêng. Khi nhận được thông tin yêu cầu hỗ trợ qua Messenger Bot, CSAGA đã hướng dẫn nạn nhân giữ an toàn tại chỗ, liên hệ khẩn cấp với hội phụ nữ và công an địa phương. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã thực hiện cách ly nạn nhân với người gây ra bạo lực và xử lý đối tượng gây bạo lực theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp các nạn nhân muốn ly hôn, CSAGA tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn để giải quyết các vấn đề về pháp lý.

PV: Những sáng kiến về mặt kỹ thuật góp phần thực hiện hiệu quả hơn việc bảo vệ và hỗ trợ những nạn nhân bị bạo lực giới, bạo lực gia đình. Song về lâu dài, cần có các giải pháp ra sao để ngăn ngừa vấn đề này, thưa bà?

Bà Nguyễn Vân Anh: Chúng ta phải nhìn nhận rằng, cho dù có bất cứ biến động xã hội nào xảy ra như động đất, thiên tai hay dịch bệnh thì các vấn đề về xã hội vẫn cần được lưu tâm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến người yếu thế, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, cần quan tâm đến những vấn đề về bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái. Khi chúng ta nhìn nhận đây là vấn đề cần giải quyết trong bất cứ hoàn cảnh nào thì sẽ có các phương án tốt nhất để giải quyết, duy trì các dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực và bạo lực trên cơ sở giới.

Bên cạnh các hoạt động xã hội như từ thiện, nhân đạo, thì việc cùng chung tay để xây dựng các nền tảng mang tính bền vững cho sự phát triển của xã hội cũng rất quan trọng. Nếu một xã hội phụ nữ và trẻ em được an toàn, có các dịch vụ cho người yếu thế cũng sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội.

PV: Xin cảm ơn bà./.

https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-phu-nu-song-trong-cac-chung-cu-cao-cap-cung-cau-cuu-vi-bao-hanh-899043.vov - theo vov.vn