Nhiều người dân vùng dịch cúm A còn chủ quan, lơ là như chưa hề có dịch
09:21 09-04-2024
VOV.VN - Ca bệnh cúm A H7N9 đối với bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., 37 tuổi ở ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông (Châu Thành, Tiền Giang) là ca bệnh đầu tiên trong cả nước. Chính quyền và ngành y tế các cấp tại địa phương đang tích cực phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, người dân khu vực này còn chủ quan, lơ là trước dịch bệnh có nguy cơ lây lan.
Đến ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang – nơi xảy ra ca bệnh cúm A H7N9, chúng tôi chứng kiến cảnh sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Đặc biệt, ngay tại hộ ông Nguyễn Văn Tâm - chuyên kinh doanh, giết mổ gia cầm phía trước nhà bệnh nhân Đ, cũng có mẫu gia cầm qua xét nghiệm đã dương tính với H5N1. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn chủ quan, không mang khẩu trang khi tiếp xúc với nhau. Trong chợ Tân Lý Đông, việc kinh doanh thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm bề bộn, quầy sạp thịt gia cầm bán xen lẫn hàng hóa khác. Các tiểu thương ngồi bán thịt gia cầm và người đến mua vẫn không mang khẩu trang bảo vệ.
Bà Huỳnh Thị Mẫn, người dân ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông có nhà đối diện với bệnh nhân cúm A H7N9 và hộ kinh doanh có gia cầm bị nhiễm H5N1 cho biết, mới hay tin có bệnh nhân cúm nên lo ngại nhưng ở đây ít ai mang khẩu trang phòng dịch lây lan.
“Dịch bệnh mà không ai đeo khẩu trang hết, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, không ai sợ gì. Ra đường có khi không đeo khẩu trang”, bà Mẫn nói.
Từ ngày 1/4, sau khi có thông báo ông Nguyễn Văn Đ., ở ấp Tân Quới, xã Tân Lý Đông bị nhiễm bệnh cúm A H7N9, ngành y tế, ngành thú y các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp khẩn cấp như: điều tra, xử lý ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm trên gia cầm tại khu vực gần nhà bệnh nhân; thực hiện việc khử trùng bề mặt bằng Cloramin B tại hộ gia đình bệnh nhân và các hộ khu vực lân cận; lập danh sách, theo dõi sức khỏe hàng ngày các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Hướng dẫn những người tiếp xúc gần theo dõi nếu có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở…phải báo ngay cho Trạm Y tế. Đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu bệnh cúm AH7N9 hay các biểu hiện bất thường khác.
Theo chính quyền địa phương, công tác phòng, chống dịch bệnh hiện rất khó khăn, do thời gian người dân từ khi nhiễm bệnh đến khi cơ quan y tế phát hiện bệnh cúm A H7N9 và thông báo đến địa phương quá lâu (gần 1 tháng) do đó bệnh nhân đã đi nhiều nơi, tiếp xúc rất nhiều người nguy cơ lây bệnh rất cao.
Đối với mẫu gia cầm của hộ ông Nguyễn Văn Tâm khi có kết quả dương tính cúm A H5N1 thì hộ này đã bán hết đàn gia cầm cho khách hàng, các biện pháp phòng, chống đạt hiệu quả không cao. Hơn nữa, cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh tại xã Tân Lý Đông rất mỏng, trong đó có duy nhất một cán bộ thú y là ông Nguyễn Ngọc Luyến nhưng lại là người có nhà ở xã khác.
Về công tác ứng phó với 2 loại dịch bệnh cùng một lúc, ông Nguyễn Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lý Đông cho biết: “Đảng ủy đã chủ đạo UBND xã, trạm y tế xã quyết liệt, thông báo tình hình dịch bệnh đã xảy ra. Y tế tăng cường giám sát các hộ đã tiếp xúc, thường xuyên đo nhiệt độ, nếu nhiệt độ cao quá hay có ho, sốt thì trạm y tế quản lý liền. Tình hình đã trên dưới 21 ngày chưa phát hiện gì, cái khó là bệnh do Viện Pasteur phát hiện, còn ở đây chúng tôi chỉ làm công tác tuyên truyền thôi. Hôm vừa rồi đã lấy mẫu số gà vịt, hầy hết âm tính, chỉ có 1 trường hợp H5N1. Chúng tôi đang theo dõi mấy người đã tiếp xúc với người bệnh thấy chưa có vấn đề gì”.
Không chỉ tại xã Tân Lý Đông mà tại một số chợ ở các địa bàn lân cận cũng bày bán gia cầm, thịt và các sản phẩm gia cầm tràn lan, không đúng nơi quy định đảm bảo an toàn dịch bệnh. Người bán lơ là dù biết gia cầm là tác nhân lây lan dịch cúm.
Trao đổi với PV VOV về việc không đeo khẩu trang bảo hộ khi ngồi bán gia cầm, một tiểu thương tại chợ thị trấn Tân Hiệp cho biết: “Mang khẩu trang lại thì ngộp, bây giờ còn sợ lây bệnh gì nữa. Mình bán chút xíu thì về, bán cho khách mỗi ngày có mấy con thôi. Tôi biết dịch bệnh rồi, mang khẩu trang thì ngộp quá”.
Hiện nay, không ít người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang còn có thói quen nuôi, nhốt gia cầm ngay trong nhà ở, bán gia cầm, thịt gia cầm nơi công cộng… nguy cơ lây bệnh cúm gia cầm rất cao, nhất là lây sang người.
Ngày 6/4, Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Tiền Giang có văn bản số 1467 gửi UBND huyện Châu Thành về khẩn trương thực hiện phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn huyện; trong đó chú trọng công tác tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vaccine, giám sát tình hình dịch bệnh, quản lý và hướng dẫn người dân thực hiện tốt điều kiện vệ sinh thú y, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm không đúng quy định.
Tiền Giang có mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh; chỉ riêng đàn gia cầm của địa phương đã hơn 16 triệu con. Do đó, việc phòng, chống dịch cúm gia cầm cần được các ngành, các cấp chính quyền và người dân quan tâm.
Ca bệnh cúm A H7N9 hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới, TP. HCM cũng là điều cảnh báo đến mọi người về nguy cơ dịch bệnh cúm, có thể lây từ động vật sang người, cần khẩn trương có biện pháp phòng, chống.
https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-nguoi-dan-vung-dich-cum-a-con-chu-quan-lo-la-nhu-chua-he-co-dich-post1087749.vov - theo vov.vn