Nhiều bé gái bị dụ dỗ làm "sugar baby" để bán dâm trá hình
10:20 18-11-2021
VOV.VN - Lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, học sinh học online, nhiều đối tượng đã dụ các em vào các nhóm kín chát, sau đó dụ các em tham gia đường dây bán dâm dưới hình thức trá hình là “sugar baby”
Hiện nay, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi diễn ra rất phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, gây mất ANTT và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Vậy, hiện nay, loại tội phạm này có những thủ đoạn phạm tội gì mới? Làm thế nào để nhận diện và bảo vệ con em mình trước loại tội phạm này? PV VOV trao đổi với Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.
Thượng tá Phạm Mai Hiên, Phó trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.
PV: Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em hiện nay theo bà đánh giá đang ở mức độ như thế nào?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Tình hình xâm phạm tình dục trẻ em hiện nay có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng, có nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Thống kê của lực lượng chức năng trong 9 tháng đầu năm 2021, trên cả nước xảy ra khoảng 1.700 vụ với gần 2.000 đối tượng, xâm hại hơn 1.800 em, trong đó xâm hại tình dục chiếm khoảng 80% tổng số vụ.
Các đối tượng xâm hại trẻ em thường lợi dụng, dụ dỗ nạn nhân đến những khu vắng vẻ tại các khu công cộng, khu vui chơi sau đó tiếp cận làm quen. Thậm chí có đối tượng có mối quan hệ thân thiết với gia đình, người thân của nạn nhân.
Một số đối tượng sử dụng mạng xã hội, lập các nhóm Group kín để tiếp cận, làm quen, dụ dỗ các trẻ em gái từ 14-16 tuổi tham gia vào đường dây môi giới mại dâm và đăng các hình ảnh, các clip khoe thân thể gửi cho khách hàng mua dâm hoặc dụ dỗ, mua chuộc trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại (những vụ này chiếm 15% tổng số vụ); một số vụ việc xảy ra tại các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ (ăn uống, massage, karaoke…), trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất mộc, cơ khí…. có thuê phục vụ là người dưới 16 tuổi. Một số nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và bị chính người quản lý ở đó xâm hại tình dục nhưng không dám tố cáo với cơ quan chức năng, và chia sẻ với người thân trong gia đình. Đây là một tình trạng hết sức nhức nhối.
Gần đây chúng tôi thấy, trong số các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì tình trạng giao cấu với người dưới 16 tuổi tăng lên. Đây là tình trạng cho thấy rất đáng báo động và có ảnh hưởng rất lớn từ phim ảnh, lối sống, và sự khẳng định cái tôi của các em gái mới lớn quá mạnh mẽ nên dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại và dụ dỗ.
Điển hình như vừa rồi chúng tôi đã triệt phá đường dây môi giới, mua bán dâm cho các thiếu nữ từ 14-18 tuổi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, hay triệt phá đường dây mua bán dâm qua hình thức trá hình sugar baby, sugar daddy. Đây là hình thức mua bán mại dâm biến tướng cực kỳ tinh vi. Qua đó, nó đã dụ dỗ được rất nhiều em gái dưới 18 tuổi, thậm chí có em dưới 16 tuổi.
PV: Từ những vụ việc trên, Thượng tá có thể phân tích cho độc giả biết nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Những vụ việc này qua theo dõi chúng tôi nhận thấy nguyên nhân chính từ xã hội. Bởi những đối tượng này, ví dụ như Giám đốc khoáng sản, hay vụ án bố đẻ giết con gái,… họ không phải là đối tượng cộm cán, có tiền án, tiền sự và phạm pháp hình sự. Họ hoàn toàn là những người chưa có va vấp với pháp luật. Vì vậy, chúng tôi đánh giá rất nhiều chính là từ lối sống của bản thân đối tượng đó bị suy đồi. Cùng với đó, là ảnh hưởng rất nhiều của lối sống thực dụng, hấp thụ từ văn hóa xuống cấp và thiếu rèn luyện, tu dưỡng của bản thân.
PV: Nhưng cũng có những đối tượng có học thức, trình độ nhưng vẫn xâm hại trẻ em?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Thực tế đúng là có những người có học thức, học vị, có hiểu biết về pháp luật trong xã hội nhưng vẫn xâm hại trẻ em. Tôi lấy ví dụ như vụ xâm hại bé gái của người từng làm trong Viện Kiểm sát. Chúng ta thấy rằng, tất cả các hành vi này có thể do bộc phát, nhưng thực chất có khi là diễn biến tâm lý của người phạm tội. Những người này họ đã có những sự suy thoái về đạo đức từ rất lâu, nhưng chỉ khi xảy ra hành vi vi phạm chúng ta mới nhìn nhận, và đánh giá hành vi phạm tội này.
PV: Không chỉ xâm hại tình dục trẻ em, có nhiều vụ án rúng động cho thấy, hung thủ còn giết luôn cả nạn nhân, gây nỗi đau cho gia đình và sự căm phẫn trong dư luận. Thượng tá có thể phân tích tâm lý, thủ đoạn của những kẻ phạm tội này?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Vụ việc cháu bé 6 tuổi bị sát hại sau khi bị hiếp dâm, hay những vụ việc bố xâm hại con gái rồi sát hại….Qua đấu tranh và phân tích thủ đoạn của các đối tượng cũng như diễn biến tâm lý, chúng tôi nhận thấy một điều thông thường khi thú tính nổi lên sẽ xâm hại đến cùng nhưng sau khi thỏa mãn thú tính đấy đối tượng có những mối lo sợ sợ nhất định như lo sợ bị phát hiện, bị nạn nhân tố cáo và lo sợ bị trừng phạt trước pháp luật.
Đặc biệt, có những đối tượng sau khi xâm hại thì ra tay sát hại luôn nạn nhân, đây là một trong những diễn biến tâm lý nhằm che giấu hành vi phạm tội tới cùng.
Camera an ninh ghi lại cảnh những người đàn ông bắt cóc thiếu nữ 15 tuổi rồi sau đó hiếp dâm tại Bình Thuận. Ảnh cắt từ clip
Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất do thể chất và trí tuệ của các em còn non nớt, khả năng tự vệ phòng tránh các nguy cơ, các hành vi xâm hại yếu ớt, hạn chế do đó bọn tội phạm lợi dụng yếu tố này để xâm hại các em… Cùng với đó, các đối tượng phạm tội thường có lối sống buông thả, lười lao động thích ăn chơi, đua đòi của một số phần tử thoái hóa, biến chất, suy thoái nhân cách, dẫn đến hành vi phạm tội; một số khác do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật,… Do vậy, trong các buổi tuyên truyền chúng tôi vẫn thường hướng dẫn các em không có chỗ nào an toàn nếu các em không có kỹ năng tự bảo vệ.
PV: Vậy theo Thượng tá chúng ta phải làm thế nào để bảo vệ được trẻ em, và bảo vệ được các em từ chính những người thân của mình. Trong thường hợp bị xâm hại, các em làm thế nào để tố cáo?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại bởi chính người thân trong gia đình mình, thì đây là một câu chuyện cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trước đây, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bởi chính người thân trong gia đình mình, nhưng khi phát hiện họ thường bỏ qua, hoặc vì sĩ diện của gia đình, dòng họ, hay chính bản thân nạn nhân.
Tuy nhiên khi xã hội phát triển, giá trị về quyền con người được quan tâm hơn, cũng như công tác truyền thông quan tâm nhiều hơn tới trẻ em. Do vậy, càng ngày chúng ta càng phát hiện ra những hành vi đó rất đáng bị lên án, trẻ em được bảo vệ tốt hơn.... Đó chính là tiến bộ về giá trị , kể cả về pháp lý và pháp luật.
Vì vậy, theo chúng tôi để bảo vệ trẻ em trong gia đình, trước hết phải đẩy mạnh công tác truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông tại cộng đồng, tờ rơi, tiểu phẩm.... lâu dần nó sẽ như lời cảnh báo rằng: “Các bà mẹ phải bảo vệ con cái mình, hay những ông bố phải giữ khoảng cách với con gái mình, hay làm cách nào để giúp con mình có kỹ năng phòng ngừa xâm hại bởi ngay chính những người hàng xóm”.
Bởi, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, kể cả kết quả xử lý những vụ việc này có kết quả vượt bậc, hay xử lý được đối tượng phạm tội thì di chứng trẻ em còn rất nặng nề.
PV: Như Thượng tá chia sẻ lúc đầu, hiện nay xuất hiện hành vi mại dâm biến tướng là sugar baby, sugar daddy. Thượng tá có thể phân tích kỹ hơn về thực trạng này để cảnh báo cho học sinh và cha mẹ các em?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 rất hiện đại trong việc chúng ta sử dụng mạng xã hội để phục vụ cho mọi công việc từ học tập, sinh hoạt và đời sống,…
Đặc biệt, trong một năm qua do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trẻ em chủ yếu tương tác và học bằng trực tuyến. Nhiều em dưới 16 tuổi bị gián đoạn thời gian học hành, hoặc không đi học.
Hiện chúng ta có khoảng 600.000 trẻ em không đến trường, và không sống cùng gia đình. Đó là những con số chúng tôi có được từ Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội. Trong thời kỳ giãn cách xã hội như thế, việc sử dụng internet của trẻ em tăng lên rất nhiều.
Hình thức mại dâm này là hình thức biến tướng thông qua mạng xã hội. Trong đó, có những em, có cả nam và nữ chụp ảnh đưa lên mạng sau khi kết bạn vào một group là nhóm kín, nhóm này sau đó đã chia sẻ hình ảnh của nhau. Các đối tượng sẽ vào nhóm này rồi mồi chài các em sử dụng hình ảnh như thế này, hay quan hệ với những người như thế này sẽ được một khoản tiền trong một tháng.
Các đối tượng cũng dùng hình ảnh của các em để mồi chài người mua dâm dưới 16 tuổi. Hình thức này rất biến tướng, và đối tượng môi giới không xuất hiện, hoàn toàn sử dụng mạng xã hội nên rất khó trong quá trình điều tra.
Thứ hai, việc mua bán này hoàn toàn được sự đồng ý của các em cũng như sự thỏa thuận của đối tượng. Sau khi đối tượng môi giới thành công, có được một khoản tiền sẽ khóa ngay tài khoản facebook cho nên có nhiều đối tượng cơ quan điều tra bị mất dấu đối tượng.
Thậm chí chúng ta chỉ cần gõ tên nhóm “Trai xinh, gái đẹp”, hay tên nhóm Kết bạn, Làm quen, hoặc Cần tìm bạn để nói về một chủ đề như: Chủ đề về du học, hay tiếng Anh chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp thực trạng trên.
Các đối tượng vào nhóm này, chủ yếu có điều kiện, chúng thường hẹn nạn nhân ở một thời điểm, hay địa điểm nào đó do đối tượng chọn trước. 1 tháng chỉ gặp nhau chỉ một lần…. Do vậy, đây là hình thức mại dâm không diễn ra theo quy luật, các nạn nhân không phải là đối tượng bị bắt trong các đường dây mại dâm, hoặc có lịch sử mua bán mại dâm nên rất khó khăn trong quá trình đấu tranh.
PV: Vậy chúng ta có hình thức nào để nhận diện hình thức, thủ đoạn này và phụ huynh cần có biện pháp nào để bảo vệ con em mình?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Tôi nghĩ phụ huynh phải thường xuyên đồng hành, hỗ trợ và theo sát con trong cả quá trình học tập, cũng như giao lưu kết bạn với bạn bè trên mạng xã hội. Yêu cầu đầu tiên là gia đình, bởi gia đình mới có thể định hướng cho các con và biết những điều lệch lạc nếu các con tham gia vào các Hội Nhóm kín.
Nếu chúng ta không kiểm soát được việc con chúng ta sử dụng internet vào việc gì ngoài việc học thì rất dễ các con bị lôi kéo. Bởi, ngoài việc hướng dẫn con chúng ta phải trang bị thêm kỹ năng cho con và quan trọng nhất là giáo dục lối sống cho trẻ em để tránh xa các cạm bẫy vừa có thể bị lợi dụng, hoặc có thể bị dụ dỗ qua mạng internet.
PV: Thời gian tới, Cục có biện pháp nào để giáo dục các em tránh xa được những cạm bẫy, hay thủ đoạn xâm hại tình dục trẻ em?
Thượng tá Phạm Mai Hiên: Trong công tác phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, chúng tôi coi công tác phòng ngừa là mấu chốt.
Từ năm 2018- đến nửa quý 1/2020, khi chưa xuất hiện dịch COVID-19, chúng tôi phối hợp với công an địa phương tổ chức được 30 điểm tuyên truyền tại các trường THPT, Nội trú nơi có đông học sinh sinh hoạt nội trú.
Tại đây, chúng tôi tuyên truyền về phòng ngừa kỹ năng, cũng như nhận diện tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ngoài ra chúng tôi phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức các cuộc tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em, hoặc phối hợp Cục Trẻ em tổ chức tháng hành động vì trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em.
Năm 2021, Cục Cảnh sát Hình sự hướng dẫn công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, đặc biệt là tại các khu vực cách ly, lực lượng công an ngoài đảm bảo an ninh trật tự phòng chống covid, còn phối hợp tổ COVID cộng đồng nhắc nhở gia đình quản lý con em mình.
Đối với các địa bàn xanh, chúng tôi tổ chức đợt tuyên truyền tại Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình để xây dựng mô hình phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em ở cơ sở. Hiện chúng tôi đã triển khai tại 19 địa phương.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!./.
https://vov.vn/phap-luat/nhieu-be-gai-bi-du-do-lam-sugar-baby-de-ban-dam-tra-hinh-905664.vov - theo vov.vn