Nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi thế nào cho đúng luật?
08:24 09-05-2023
VOV.VN - Theo luật sư, trong trường hợp muốn nhận con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi cần đáp ứng theo điều kiện tại Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010, tức là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;….
Mới đây ngày 21/4 cộng đồng mạng lan truyền thông tin bé gái 5 tuổi bị bỏ rơi ở địa phận xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang được một người đàn ông nhặt được và trình báo xã. Tuy nhiên, sau đó, có một người phụ nữ đến xin nhận lại bé và thừa nhận chị cùng người đàn ông kia cố tình dàn dựng màn kịch này để giải quyết vấn đề làm giấy khai sinh cho bé tại phường Tích Lương, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên – nơi 2 mẹ con đang cư trú.
Tại đây, người phụ nữ khai, cách đây 5 năm, chị nhặt được bé gái tại một khu vực xa xôi ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Chị đưa bé gái về phường Tích Lương nuôi dưỡng và cư trú đến nay nhưng không khai báo với chính quyền địa phương. Vì thế, bây giờ chính quyền địa phương không làm giấy khai sinh cho cháu.
Xét thấy trường hợp này, cần làm rõ về các tình tiết có đúng là cháu bé được nhặt được cách đây 5 năm không. Nếu đúng như vậy, cần phải có những biện pháp truy cứu trách nhiệm đối với người nhặt được cháu bé mà không trình báo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo đúng trình tự của pháp luật, là cơ sở răn đe, giáo dục, tránh để những trường hợp tương tự khác xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết nối cho rằng, căn cứ theo quy định tại Điều 14 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
"Sau khi lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này, UBND cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Do đó, cần thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho trẻ về việc được đăng ký khai sinh"- luật sư Hùng nói.
Trong trường hợp muốn nhận con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi, luật sư Hùng cho rằng, cần đáp ứng theo điều kiện tại Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010, tức là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt. Ngoài ra, không được thuộc các trường hợp không được nhận con nuôi. Pháp luật đưa ra các điều kiện chặt chẽ như vậy, để đảm bảo rằng bất kì trẻ em nào, dù có đầy đủ cha mẹ hay không cũng đều phải được đảm bảo nuôi dưỡng một cách tốt nhất, phù hợp nhất cho sự phát triển của trẻ.
Theo luật sư Hùng, khi đặt vào trường hợp như vậy, người dân cần trình báo ngay sự việc đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, để kịp thời đưa ra phương hướng giải quyết hợp pháp, không được tự ý xử lý theo quan điểm cá nhân, hay nghe theo sự xúi giục của người khác, bởi rất có thể sẽ đẩy bản thân vào vòng lao lý và gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, để ngăn chặt các trường hợp tương tự xảy ra, cơ quan có thẩm quyền tại mỗi địa phương cần có công tác quản lý, giám sát, không để xảy ra tình trạng xuất hiện công dân ở nơi khác đến địa phương sinh sống mà không có sự khai báo, đăng ký thường trú, tạm trú theo quy định; Góp phần đảm bảo an ninh địa phương, an toàn xã hội; Ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức xảy ra trên địa bàn./.
https://vov.vn/phap-luat/nhan-tre-bi-bo-roi-lam-con-nuoi-the-nao-cho-dung-luat-post1018675.vov - theo vov.vn