Nhân lực công nghệ cao: Việt Nam không thiếu mà là do lương chưa đủ hấp dẫn?

09:49 03-05-2024

VOV.VN - Làm gì để có nguồn nhân lực các công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… một cách nhanh nhất? Bài toán này cần sớm có lời giải trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển và thay đổi rất nhanh chóng, mạnh mẽ.

Nhân lực số giữ vị trí then chốt để thực hiện chuyển đổi số thành công bởi đây là nhân tố có khả năng làm chủ, nắm bắt các công nghệ mới… Trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực châu Á hạ quyết tâm làm chủ các công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.

Giải bài toán nhân lực khi công nghệ thay đổi quá nhanh chóng

Câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để đào tạo nhanh nguồn nhân lực về các công nghệ mới trong thời điểm công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… hướng đến mục tiêu đào tạo từ 50.000 đến 100.000 nhân lực trong thời gian tới.

Chia sẻ tại một tọa đàm trong khuôn khổ Ngày hội công nghệ, hưởng ứng Tuần lễ đổi mới sáng tạo thế giới mới đây, TS Nguyễn Thanh Bình, quản lý chương trình cao cấp, Đại học RMIT cho biết, một trong những điểm yếu của đào tạo nhân lực công nghệ hiện nay tại Việt Nam chính là thiếu nền tảng.

 

“Về giáo dục, cần nghiên cứu sâu về chiều sâu công nghệ và áp dụng công nghệ trong cả tài chính lẫn kinh doanh. Điều này rất quan trọng và ở đây, nền tảng chính là nghiên cứu”, TS Nguyễn Thanh Bình chỉ rõ.

TS Nguyễn Thanh Bình cũng cho rằng, vấn đề của các trường đại học là nghiên cứu đề tài gì khi công nghệ đang phát triển quá nhanh. Hướng giải quyết là phải làm cùng lúc với các doanh nghiệp. Nhìn vào bài toán hiện tại của các doanh nghiệp và nền kinh tế để nghiên cứu và tìm ra lời giải cho bài toán đó. Cần tạo ra nền tảng và dựa trên nền tảng để có phương pháp giáo dục mới.

 

“Chúng ta cần phải nghĩ đến câu chuyện tiến hóa mô hình giáo dục, sinh viên không cần phải mất 3-4 năm mới học xong một ngành. Cụ thể, cần những mô hình giáo dục có thời gian ngắn hơn, chẳng hạn để đào tạo 100.000 nhân lực công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… trong 6 tháng, cần chọn lựa những người đang đi làm để họ cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu vào một mảng nhất định”, TS Nguyễn Thanh Bình nêu ý kiến.

“Chúng ta không có cách nào để đào tạo 100.000 sinh viên với kiến thức công nghệ mới nhất trong 3-4 năm tới. Ở đây, lời giải là đưa ra các sản phẩm, mô hình mới về giáo dục dành cho những người đang đi làm và đào tạo họ trong thời gian 6 tháng”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Ông Vũ Anh Tuấn, đại diện Hội Tin học TP.HCM cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông Vũ Anh Tuấn, chúng ta liên tục phải đuổi theo công nghệ và trong đào tạo nhân lực cũng vậy.

“Khi Intel xây nhà máy bán dẫn ở Việt Nam, họ phải dành 1 năm tuyển dụng nhân lực và đưa ra nước ngoài đào tạo chuyên sâu để nhân lực đáp ứng được công việc tại nhà máy. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều này. Cho nên, giải pháp ở đây là tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn bằng cách lựa chọn những kỹ sư đã có kinh nghiệm 5-10 năm để đào tạo ở lĩnh vực mới trong khoảng thời gian 1 năm”, ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, một khó khăn trong việc đào tạo các công nghệ mới tại Việt Nam là tình trạng các trường thiếu máy móc để dạy các mô hình… Giải pháp của các trường hiện nay là nhờ cậy sự giúp đỡ của các giáo sư quốc tế, tiến hành hợp tác liên ngành, liên trường, dùng chung cơ sở hạ tầng... để sinh viên vừa được thực hành công nghệ mới nhất, vừa tiếp cận được kiến thức ở cấp độ thế giới.

Trong ngắn hạn, có thể thấy sinh viên tiếp thu công nghệ mới rất nhanh. Tuy nhiên, việc các sinh viên giỏi sau khi tốt nghiệp, lựa chọn con đường du học liệu có quay trở lại hay không là một vấn đề cần đặt ra.

Giới chuyên gia cho rằng, cơ chế cần thay đổi ở cả lĩnh vực công, tư để giữ người tài ở lại nghiên cứu, cống hiến, giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, xã hội chứ không đi ra nước ngoài. Trong tương lai, có thể kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ chuyên gia tại Việt Nam.

Việt Nam có nguồn nhân lực công nghệ cao

Tại hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, việc chuẩn bị nhân lực nên dựa trên dự báo tầm nhìn dài hạn nhưng vẫn phải dựa trên nhu cầu thị trường; việc ký kết các cam kết về nhu cầu nhân lực giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước, tức là tạo đầu ra thì sẽ bảo đảm cho đề án thành công.

Để bảo đảm Đề án thành công, phải tạo được đầu ra, bảo đảm đầu ra để bảo đảm cho thành công của Đề án, cho nên Ban Soạn thảo Đề án nhân lực bán dẫn nên đầu tư nhiều hơn cho bảo đảm đầu ra cho Đề án; khi bảo đảm đầu ra cho Đề án cần chú ý đến thu nhập của lĩnh vực này, đến việc ngành công nghiệp bán dẫn tập trung vào chất lượng, như lương của nhân lực công nghiệp bán dẫn phải cao hơn lương công nghệ thông tin, nếu không sẽ không thu hút được.

“Nhiều khi mình nói thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao nhưng không phải, mà do lương thấp. Nếu công việc được trả lương cao thì sẽ không có việc thiếu nguồn nhân lực ngay tại bây giờ. Nếu chúng ta trả lương cho kỹ sư công nghệ thông tin 10 triệu thì không có nhân lực, 20 triệu thì sẽ có ít nhân lực, 30 triệu có nguồn nhân lực, 40 triệu thì tốt hơn và 50 triệu thì bắt đầu thừa. Do đó chúng ta nói chuyện thiếu nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn nói chung nhưng phải ở các công đoạn và ở mức độ nào”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, thiếu nguồn nhân lực bán dẫn có tính ngắn hạn, cho nên ngoài việc đào tạo nghiên cứu dài hạn, thậm chí đào tạo tiến sĩ thì vẫn phải chú trọng trong ngắn hạn là đào tạo nhanh và cách tốt nhất là đào tạo lại hoặc đào tạo chuyển tiếp các kỹ sư công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, kỹ sự điện tử… Chúng ta đang có khoảng 600.000 đến 700.000 kỹ sư ngành này, đào tạo 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng,… là có thể sẵn sàng cho công nghiệp bán dẫn.

Để làm được điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, cần giáo viên, người hướng dẫn, cơ sở vật chất và lời giải ở đây là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và đại học, sự đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước và các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài lúc này là ưu tiên nhất. Nhà nước đầu tư vào cơ sở vật chất cho công nghiệp bán dẫn cần đầu tư tập trung tại một chỗ và các cơ sở đào tạo sẽ dùng chung.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, ngành công nghiệp bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, chiến lược công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đặt công nghiệp bán dẫn trong một bức tranh lớn hơn là công nghiệp điện tử; chưa có quốc gia nào “hóa rồng”, “hóa hổ” mà không có ngành công nghiệp điện tử.

“Các quốc gia lớn ngành công nghiệp bán dẫn ở khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có nền công nghiệp điện tử phát triển. Vì vậy, công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi song hành với công nghiệp điện tử, nhân lực bán dẫn cũng phải đi song hành với nhân lực công nghiệp điện tử”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

https://vov.vn/xa-hoi/nhan-luc-cong-nghe-cao-viet-nam-khong-thieu-ma-la-do-luong-chua-du-hap-dan-post1092731.vov - theo vov.vn